Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây nông-lâm nghiệp và cây thuốc tại lưu vực thủy điện Lai Châu
Cập nhật vào: Thứ tư - 13/11/2024 12:05 Cỡ chữ
Nguồn gen cây trồng là nguồn cung cấp vật liệu duy nhất và cần thiết cho các chương trình chọn tạo và cải tiến giống để tạo ra các giống cây trồng mới đáp úng nhu cầu ngày càng đa dạng của sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường trong điều kiện khí hậu, đất đai không ngừng biến đổi. Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, việc quy hoạch phát triển các nhà máy thủy điện là rất cần thiết. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình này là rất nhiều diện tích rừng có giá trị đa dạng sinh học cao, các vùng diện tích đất sản xuất nông nghiệp ven rừng bị mất hay bị hủy hoại. Hậu quả có thể thấy được đó là hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất xung quanh, gây mất đất sản xuất của người dân, làm phá vỡ cân bằng sinh thái. Do đó, việc thu thập, bảo tồn các nguồn gen tại các địa bàn này cũng rất cấp thiết.
Theo kế hoạch vận hành hồ thủy điện Lai Châu, từ khi khởi công xây dựng năm 2011, hoàn thành công trình vào năm 2017, thì tới năm 2020 toàn bộ hệ đa dạng sinh học và các nguồn gen tại vùng chịu ảnh hưởng trên hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên sẽ bị xóa trắng. Vì vậy, việc khẩn trương tiến hành công tác thu thập nguồn gen nông nghiệp quý bao gồm nguồn gen cây trồng nông nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu là rất cấp thiết, cần thực hiện ngay. Từ thực tế trên, TS. Vũ Đăng Toàn đã phối hợp với nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Tài nguyên Thực vật thực hiện đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây nông-lâm nghiệp và cây thuốc tại lưu vực thủy điện Lai Châu” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2021.
Mục tiêu của đề tài là bảo tồn an toàn, bền vững được nguồn gen các cây nông nghiệp, lâm nghiệp và cây thuốc đặc sản, quý, hiếm, đặc hữu tại lưu vực thủy điện Lai Châu có nguy cơ suy giảm, mất mát nguồn gen rất cao phục vụ cho an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.
Kết quả điều tra đã phát hiện đuợc 08 nguồn gen cây trồng đặc hữu, bản địa quý, hiếm tại các huyện thuộc tỉnh Lai Châu và 06 nguồn gen thuộc tỉnh Điện Biên. Thống kê được 20 loài cây lâm nghiệp được khảo sát. Đã phát hiện tổng số 562 loài cây thuốc mọc tự nhiên, thuộc 411 chi, 150 họ thực vật tại Điện Biên và đã phát hiện được tổng số 459 loài cây thuốc mọc tự nhiên, thuộc 347 chi, 118 họ thực vật tại tỉnh Lai Châu.
- Đã thu thập được 3855 nguồn gen cây nông lâm nghiệp và cây thuốc với 1972 nguồn gen cây trồng nông nghiệp, 700 nguồn gen lâm nghiệp và 1183 nguồn gen cây thuốc.
- Đã nhân giống và đánh giá đầy đủ được 1039 nguồn gen trong cây nông nghiệp và 517 nguồn gen cây thuốc. Đã làm sạch và loại bỏ trùng lặp được 1718 nguồn gen cây trồng nông nghiệp, 50 nguồn gen cây lâm nghiệp và l90 nguồn gen cây thuốc. Đã cứu phôi thành công 45 cây trồng nông nghiệp.
- Đã lun giữ an toàn tổng số 2129 nguồn gen cây nông lâm nghiệp và cây thuốc được lưu giữ an toàn trong đó có 1210 nguồn gen trong kho lạnh, Nguồn gen cây nông nghiệp sinh sản vô tính lưu giữ còn lại trên đồng ruộng tại An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội là 304 nguồn gen, lưu giữ an toàn trong vườn bảo tồn tại trạm Nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa, TT Sa Pa, tỉnh Lào Cai với diện tích 0,5ha với tổng số ngồn gen là 300 của 39 loài cây trồng; Đã lưu giữ tổng cộng 315 nguồn gen cây lâm nghiệp được lưu giữ tại Sơn La.
- Sáu loại cây Lâm nghiệp là Chò nâu, Pơ mu, Giổi lông, Chò nước, Giổi xương và Lát hoa đã được đánh giá các đặc điểm lâm học. 10 loại dược liệu khác nhau thu thập được trên địa bàn tỉnh Lai Châu được đánh giá chất lượng.
- Đánh giá chất lượng nông sản của 100 nguồn gen lúa được thu thập tại lưu vực thuỷ điện lại châu được đánh giá, cũng như đánh giá khả năng kháng bệnh bạc lá và đạo ôn của 100 nguồn gen lúa.
- Đã chụp được 2017 ảnh đặc tả của các nhóm cây nông, lâm nghiệp và cây thuốc; kiểm tra độ tin cậy, hoàn chỉnh số liệu thu thập nguồn gen, thiết lập cơ sở dữ liệu được 2017 nguồn gen.
- Đã lập được 14 bản đồ các nguồn gen cây Nông nghiệp, nguồn gen cây Thuốc, cây Lâm nghiệp và lập được 03 bộ atlas cây nông lâm nghiệp và cây thuốc đặc hữu, quý hiếm tại lưu vực thuỷ điện Lai Châu.
Kết quả nghiên cứu đã đưa ra phương án thu thập và bảo tồn các nguồn gen cây trồng quý ở lưu vực thủy điện Lai Châu, tránh nguy cơ xói mòn và mất mát nguồn gen.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20345/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)