Nghiên cứu định loại và phát triển mã vạch ADN (DNA barcoding) trên tôm hùm (Panulirus spp.)
Cập nhật vào: Thứ tư - 04/09/2024 00:12 Cỡ chữ
Tôm hùm là tên gọi chung của nhóm giáp xác 10 chân thuộc 4 họ Palinuridae, Scyllaridae, Nephropidae và Synaxidae. Ở vùng biển Việt Nam đã xác định được 7 loài bằng định loại hình thái. Trong đó, các loài được nuôi phổ biến hiện nay là tôm hùm bông, tôm hùm đá, tôm hùm đỏ, tôm hùm sỏi, tôm hùm tre. Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố về thử nghiệm sản xuất giống tôm hùm; bệnh của tôm hùm bông, nuôi kết hợp tôm hùm, vẹm xanh và rong biển…nhưng chưa có công trình nào ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu định loại và truy xuất nguồn gốc tôm hùm
Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm tôm hùm trong và ngoài nước ngày càng tăng, xuất khẩu ngày càng lớn. Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), giúp ngành thủy sản Việt Nam tránh được hàng rào thuế quan nhập khẩu, nhưng sẽ phải đương đầu với những chính sách như vấn đề dư lượng kháng sinh, chất lượng, nguồn gốc và chống bán phá giá ngày càng khắt khe và quyết liệt từ các quốc gia cam kết hiệp định.
Do đó, nghiên cứu truy xuất nguồn gốc tôm hùm bằng phương pháp sinh học phân tử, xây dựng mã vạch ADN cho tôm hùm Việt Nam là cần thiết nhằm xây dựng căn cứ khoa học để chứng minh sản phẩm tôm hùm Việt Nam, hỗ trợ việc xuất khẩu và giảm thiểu cạnh tranh thương mại cũng như giúp người tiêu dùng có thể truy xuất thông tin về nguồn gốc tôm hùm. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu định loại và phát triển mã vạch ADN (DNA barcoding) trên tôm hùm (Panulirus spp.)” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2022.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: tạo được 01 bộ chỉ thị phân tử (ADN) định loại chính xác >95% bốn loài tôm hùm thuộc giống Panulirus (P. ornatus; P. homarus; P. polyphagus; P. longipes) phân bố ở Việt Nam; tạo được 02 bộ mã vạch ADN (DNA barcoding) độ chính xác 95% đối với 2 loài tôm hùm có giá trị cao nhất ở Việt Nam là tôm hùm bông (P. ornatus) và tôm hùm xanh (P. homarus); và xây dựng 02 quy trình ứng dụng truy xuất nguồn gốc tôm hùm bông (P. ornatus) và tôm hùm xanh của Việt Nam.
Sau 5 năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã phân loại và tóm tắt khoá phân loại của 4 loài tôm hùm: tôm hùm bông (P. ornatus), tôm hùm xanh (P. homarus), tôm hùm đỏ (P. longipes) và tôm hùm tre (P. polyphagus). Phương pháp phân loại bằng sinh học phân tử đã khẳng định lại kết quả trùng hợp với phương pháp phân loại bằng hình thái học với kết quả kiểm định.
- Phân tích cấu trúc di truyền quần thể dựa trên phân tích nhóm và phân tích DAPC đều cho kết quả tương đồng về sự phân tách của các quần thể tôm hùm bông và tôm hùm xanh theo các khu vực địa lý. Trong đó, đối với tôm hùm bông, quần thể Srilanka thể hiện sự phân tách rõ rệt nhất, quần thể Việt Nam và Úc có sự chia sẻ thông tin di truyền nhưng không đáng kể; Tôm hùm xanh thì có sự phân tách rõ rệt giữa quần đàn tôm hùm xanh của Việt Nam và Sri Lanka.
- Xác định 02 SNP đặc hiệu cho tôm hùm bông Việt Nam là SNP 3880 (đột biến điểm 52: G/C) SNP 7134 (đột biến điểm 88: C/T) và 01 SNP đặc hiệu cho tôm hùm xanh Việt Nam là SNP 14306 (đột biến điểm 131: C/T) có thể sử dụng như mã vạch phân tử trong truy xuất nguồn gốc.
- Đã xây dựng Dự thảo quy trình truy xuất nguồn gốc tôm hùm bông và tôm hùm xanh Việt Nam bằng chỉ thị SNP đặc hiệu với độ chính xác đối với tôm hùm bông là 94-100%; Với tôm hùm xanh là 100%.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19974/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)