Nghiên cứu thiết kế và chế tạo mô hình thí nghiệm đo lường và điều khiển trên thiết bị di động để phục vụ đào tạo
Cập nhật vào: Thứ năm - 09/12/2021 20:08 Cỡ chữ
Với tình hình hiện nay nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực IoT, ML, Big data, AI… rất mới và khan hiếm, nguồn nhân lực có kĩ năng giải quyết vấn đề về lập trình di động, kết nối, giám sát và điều khiển thiết bị không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Hiện nay, một số trường có giảng dạy về lập trình nhưng chỉ tập trung các ứng dụng trên điện thoại, chưa tập trung về mảng giao tiếp giữa điện thoại và thiết bị phần cứng. Để thực tế hóa các ứng dụng, thì cần một bộ KIT có đầy đủ các phần cứng tương thích, tùy theo ứng dụng mà tích hợp các mô đun để giải quyết một bài toán trong một trường hợp cụ thể. Nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo bộ thí nghiệm đo lường và điều khiển trên thiết bị di động để phục vụ đào tạo” do Cơ quan chủ trì Trường Cao đẳng Công thương Tp. Hồ Chí Minh cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Minh Quang thực hiện với mục tiêu: Làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo mô hình thí nghiệm đo lường và điều khiển trên thiết bị di động để phục vụ đào tạo; Thiết kế lập trình ứng dụng đo lường và điều khiển qua Bluetooth; Thiết kế lập trình ứng dụng đo lường và điều khiển qua GSM; Thiết kế lập trình ứng ứng dụng đo lường và điều khiển qua WIFI.
Với mục tiêu của đề tài, sẽ giúp cho việc đào tạo tại nhà trường tiếp cận với công nghệ mới, từng bước đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp. Lâu dài sẽ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực lập trình, đo lường, điều khiển và giám sát qua mạng trên thiết bị di động.
- Sau 12 tháng nghiên cứu, thực hiện đề tài nhóm nghiên cứu đã hoàn thành tốt đề tài với các nội dung đã đề ra. Nội dung nghiên cứu đã thực hiện:
+ Khảo sát thực tế, phân tích nhu cầu về hướng phát triển về lập trình trên thiết bị di động.
+ Phân tích, lựa chọn, thiết kế nguyên lý các khối trong bộ thí nghiệm.
+ Tiến hành mô phỏng, lập trình kiểm tra từng mô đun các khối trong bộ thí nghiệm.
+ Tích hợp các khối, thiết kế, chế tạo bộ thí nghiệm.
+ Thực nghiệm, hiệu chỉnh và hoàn thiện bộ thí nghiệm.
Bộ thí nghiệm được thiết kế, chế tạo đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra. Tất cả mô đun không bị lỗi trong quá trình thi công và thử nghiệm, đảm bảo được tính công nghệ trong việc thiết kế, tính kinh tế trong việc lựa chọn thiết bị và tính ổn định trong quá trình hoạt động.
Bộ thí nghiệm được thiết kế rất trực quan tạo điều kiện thuận lợi cho người học, các linh kiện, mô đun phổ biến dễ mua trên thị trường, tài liệu thiết kế đi kèm dễ kiểm tra và sửa chữa.
Bộ thí nghiệm được thực nghiệm tại phòng D806- phòng thực hành lập trình trên thiết bị di động, khóa sinh viên ngành Điện tử công nghiệp K40-K41 thử nghiệm và có phản hồi tích cực thông qua các dự án, đề tài của sinh viên năm học 2018- 2019.
Bộ thí nghiệm cơ bản được hoàn thiện, kết hợp với tài liệu hướng dẫn sử dụng có thể nhân rộng và chuyển giao trọn gói, góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực giám sát và điều khiển trên thiết bị di động.
- Kết quả thử nghiệm: Kết quả thực nghiệm đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra, bộ thí nghiệm hoạt động ổn định, các nhóm sinh viên tham gia thử nghiệm phản hồi tích cực: bộ thí nghiệm bố trí hợp lý, trực quan, đầy đủ, kết hợp với tài liệu hướng dẫn chi tiết, giúp cho sinh viên đạt được mục tiêu từng bài học.
- Tài liệu hướng dẫn sử dụng: được tổng hợp, biện soạn lại sau quá trình thực nghiệm với các nhóm sinh viên khóa 40, tài liệu có 08 bài thực hành chi tiết và 02 bài ứng dụng cụ thể- đảm bảo sinh viên tham gia đầy đủ, tích cực sẽ có kĩ năng cơ bản về lập trình và điều khiển trên thiết bị di động.
- Liên quan đến đề tài, chúng tôi có một số đề nghị nghiên cứu phát triển sau:
+ Triển khai, nhân rộng giảng dạy cho các khóa học chính quy trong nhà trường và ngắn hạn đối với doanh nghiệp ngoài trường để có phản hồi thực tế và hoàn thiện bộ thí nghiệm hơn.
+ Nghiên cứu bộ thí nghiệm theo hướng tiện, gọn, nhẹ hơn để thích hợp trong việc di chuyển linh hoạt theo môi trường và nơi giảng dạy.
+ Nâng cấp, đầu tư cấu hình máy tính tương thích với phần mềm thiết kế để phù hợp với bộ thí nghiệm.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16964/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)