Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật chính đến sinh trưởng rừng trồng 3 dòng bạch đàn (CT3, PN10, CTIV) và 2 dòng keo lai (KL20, KLTA3)
Cập nhật vào: Thứ hai - 03/05/2021 23:57 Cỡ chữ
Năng suất rừng trồng trong những năm qua đã được nâng cao đáng kể nhờ áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật. Bên cạnh những giống mới bạch đàn và keo được chọn tạo, hệ thống các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như làm đất, bón phân và mật độ trồng rừng phù hợp cũng đã được nghiên cứu nhằm từng bước hoàn thiện quy trình trồng rừng cho các giống mới đó, góp phần đưa năng suất, chất lượng rừng trồng lên cao nhất.
Thông qua công tác chọn tạo giống, Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đã được Bộ NN & PTNT công nhận một số giống tiến bộ kỹ thuật keo lai và bạch đàn, trong đó phải kể đến 3 dòng Bạch đàn (CT3, PN10, CTIV) và 2 dòng Keo lai (KL20, KLTA3). Đây là các giống mới, qua đánh giá tại các thí nghiệm cơ bản và khảo nghiệm mở rộng đều cho năng suất, chất lượng rừng trồng cao và ổn định hơn so với các giống sản xuất đại trà hiện nay. Để rừng trồng các giống kể trên phát huy tối đa khả năng của giống đã qua chọn lọc, đồng thời sớm đưa các giống tốt này đến với sản xuất, cần phải có hệ thống biện pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp để trồng rừng. Trong điều kiện đất trồng rừng đã qua kinh doanh nhiều luân kỳ nên bị thoái hóa, nghèo dinh dưỡng, càng cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu xác định các biện pháp kỹ thuật canh tác phục vụ trồng rừng cho các giống mới, đặc biệt là mật độ trồng rừng và liều lượng phân bón. Vì vậy, nhóm nghiên cứu do KS. Nguyễn Văn Chinh, Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật chính đến sinh trưởng rừng trồng 3 dòng Bạch đàn (CT3, PN10, CTIV) và 2 dòng Keo lai (KL20, KLTA3)” để có thể xác định một số biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng rừng trồng Bạch đàn PN10, CT3, CTIV và Keo lai KL20, KLTA3.
Sau 60 tháng triển khai thực hiện (từ tháng 01/2014-12/2018), đề tài thu được các kết quả như sau:
1. Trồng được 17,5 ha rừng trồng thí nghiệm cho 3 dòng Bạch đàn (CT3, PN10, CTIV) và 2 dòng Keo lai (KL20, KLTA3). Trong đó, trồng được 7,2 ha rừng trồng thí nghiệm bón phân NPK; 6,3 ha rừng trồng thí nghiệm mật độ và 4 ha rừng trồng thí nghiệm biện pháp làm đất.
2. Ảnh hưởng của biện pháp kỹ thuật làm đất đến sinh trưởng rừng trồng 3 dòng Bạch đàn (CT3, PN10, CTIV) và 2 dòng Keo lai (KL20 và KLTA3): Cho đến thời điểm 6 tháng tuổi, sinh trưởng rừng trồng 3 dòng Bạch đàn (CT3, PN10 và CTIV) chưa chịu ảnh hưởng của các biện pháp kỹ thuật làm đất mang lại; Cho đến thời điểm 5 tháng tuổi, ảnh hưởng của các biện pháp kỹ thuật làm đất đến sinh trưởng rừng trồng 2 dòng Keo lai (KL20, KLTA3) chưa rõ ràng.
3. Ảnh hưởng của liều lượng phân bón N, P, K đến sinh trưởng rừng trồng Bạch đàn (CT3, PN10, CTIV) và Keo lai (KL20, KLTA3): Ở thời điểm 51 tháng tuổi, liều lượng phân bón ảnh hưởng rõ ràng đến sinh trưởng rừng trồng Bạch đàn CT3. Trong 10 công thức thí nghiệm, công thức 6 (N100- P50-K70) có sinh trưởng vượt trội hơn về các chỉ tiêu sinh trưởng và mang lại hiệu quả kinh tế (NPV = 1.365.208, BCR = 1,1, IRR = 5,8%); Cho đến thời điểm 36 tháng tuổi, sinh trưởng rừng trồng Bạch đàn PN10 chưa chịu ảnh hưởng của liều lượng phân bón N, P, K đem lại; Cho đến thời điểm 18 tháng tuổi, sinh trưởng rừng trồng Bạch đàn CTIV đã chịu sự ảnh hưởng của liều lượng phân bón khác nhau. Trong các công thức thí nghiệm, công thức thứ 9 (N100-P70-K70) có kết quả sinh trưởng vượt trội hơn về các chỉ tiêu; Ở thời điểm 18 tháng tuổi, liều lượng phân bón N, P, K đã ảnh hưởng rõ ràng đến sinh trưởng rừng trồng Keo lai KL20. Cả 9 công thức thí nghiệm đều sinh trưởng vượt hơn so với đối chứng, trong đó công thức thứ 9 (N100-P70-K70) có sinh trưởng tốt hơn về tất cả các chỉ tiêu so sánh; Cho đến thời điểm 18 tháng tuổi, sinh trưởng rừng trồng Keo lai KLTA3 đã chịu ảnh hưởng rõ ràng từ liều lượng phân bón khác nhau. Tất cả các công thức đều cho kết quả sinh trưởng tốt hơn đối chứng, tuy nhiên lại không có sự sai khác với nhau.
4. Đánh giá được ảnh hưởng của mật độ trồng đến sinh trưởng rừng trồng Bạch đàn CT3, PN10, CTIV và Keo lai KL20, KLTA3: Cho đến thời điểm 51 tháng tuổi, rừng trồng Bạch đàn CT3 đã chịu ảnh hưởng rõ ràng từ các mật độ khác nhau. Công thức được trồng với mật độ thưa hơn 1.111 cây/ha cho sinh trưởng vượt trội và hiệu quả kinh tế cao nhất với (NPV = 4.897.866, BCR = 1,2, IRR = 9,4%); Ở thời điểm 36 tháng tuổi, mật độ trồng rừng chưa ảnh hưởng rõ ràng đến sinh trưởng rừng trồng Bạch đàn PN10; Ở thời điểm 36 tháng tuổi, sinh trưởng rừng trồng Bạch đàn CTIV đã chịu ảnh hưởng rõ ràng từ các từ các mật độ trồng rừng khác nhau. Những công thức được trồng với mật độ thưa (1.111 cây/ha và 1.333 cây/ha) cho sinh trưởng tốt hơn cả về 3 chỉ tiêu; Cho đến thời điểm 36 tháng tuổi, mật độ trồng rừng đã ảnh hưởng rõ ràng đến sinh trưởng của rừng trồng Keo lai KL20, sinh trưởng tốt hơn ở các công thức trồng với mật độ thưa hơn (1.111 cây/ha, 1.333 cây/ha); Ở thời điểm 36 tháng tuổi, sinh trưởng rừng trồng Keo lai KLTA3 đã chịu ảnh hưởng rõ ràng từ các mật độ trồng rừng khác nhau. Những công thức được trồng với mật độ thưa (1.111 cây/ha, 1.333 cây/ha) đều cho sinh trưởng tốt hơn về các chỉ tiêu D1.3 và Hvn.
5. Xây dựng bản hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho 3 dòng Bạch đàn (CT3, PN10, CTIV) và 2 dòng Keo lai (KL20, KLTA3).
Căn cứ vào một số kết quả bước đầu này, cần tiếp tục xây dựng các nghiên cứu mới để xác định chủng loại và liều lượng phân bón thích hợp cho từng đối tượng cây trồng ở những điều kiện lập địa cụ thể.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15766/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)