Nghiên cứu áp dụng các chuẩn an toàn, bảo mật thông tin cho các ứng dụng web, dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Cập nhật vào: Thứ hai - 28/12/2020 23:04 Cỡ chữ
Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT tin đã được triển khai một cách mạnh mẽ, ứng dụng CNTT đã từng bước can thiệp sâu hơn vào mọi mặt của đời sống xã hội và đang thể hiện vai trò lớn, xác định là nhân tố để thúc đẩy phát triển trong thời kỳ mới.
Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử cũng đã khẳng định “công nghệ thông tin được coi là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc; là động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển, với sự nhận thức và công nghệ thay đổi, điều kiện từng thời kỳ, CNTT được triển khai trong cơ quan nhà nước nói chung và Bộ TN&MT nói riêng còn hạn chế. Dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng cần phải nhìn nhận vào một số hạn chế để có thể cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. Một số những hạn chế đó là: việc ứng dụng CNTT còn chưa đồng bộ; thông tin, dữ liệu chưa luân chuyển, trao đổi thông suốt do hạn chế bởi sự kết nối các HTTT, dữ liệu còn có hiện tượng chồng lấn... Các dự án ứng dụng CNTT đầu tư đáp ứng theo những vấn đề trước mắt mà chưa thực sự đánh giá, xem xét trên vấn đề tổng thể để đáp ứng sự phát triển bền vững.
Nhận thức được điều này, cùng với định hướng của Chính phủ, Bộ TN&MT đã xây dựng và ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ, phiên bản 1.0 (Quyết định số 3339/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Một trong những vấn đề khó khăn mà cũng là quan trọng nhất trong việc xây dựng Chính phủ điện tử chính là việc kết nối, liên thông các HTTT với nhau, đảm bảo tính thông suốt và bảo mật thông tin trên đường truyền đến ứng dụng. Nhìn nhận được vấn đề này, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường đã đề xuất đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu áp dụng các chuẩn an toàn, bảo mật thông tin cho các ứng dụng web, dịch vụ công Bộ Tài nguyên và Môi trường” cũng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Phạm Thanh Tùng thực hiện nghiên cứu trong thời gian 02 năm (từ 2016 đến 2018) nhằm nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm một số chuẩn về an toàn, bảo mật thông tin, tạo tiền đề và kinh nghiệp cho các nhiệm vụ kết nối, liên thông các HTTT trong quá trình xây dựng Kiến trúc Chính phủ tại Bộ.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Báo cáo chính nghiên cứu 05 chuẩn về an toàn, bảo mật thông tin có thể sử dụng như là liệu tham khảo, hướng dẫn chính khi tìm hiểu về chuẩn và/hoặc triển khai, ứng dụng các chuẩn này vào công tác an toàn, bảo mật thông tin cho các HTTT triển khai tại Bộ.
- Bộ thư viện lập trình bước đầu cung cấp các chức năng (hàm cơ bản) liên quan đến kết nối, liên thông thông tin; mã hoá, giải mã; ký số, xác thực ký số. Và hiện tại đã được đưa vào sử dụng tại 02 hạng mục thử nghiệm của đề tài là liên thông thông tin giữa Hệ thống DVC với Hệ thống QLVBĐH và liên thông văn bản giữa Hệ thống QLVBĐH của Bộ với Trục liên thông văn bản quốc gia.
- Thành phần kết nối, liên thông giữa Hệ thống DVC với Hệ thống QLVBĐH của Bộ đã thử nghiệm thành công, đang trong quá trình kiểm tra và bổ sung thêm một số chức năng nghiệp vụ liên quan đến hai hệ thống trước khi đưa vào ứng dụng trong thực tế (dự kiến triển khai vào tháng 11/2018).
- Môđun kết nối, liên thông Hệ thống QLVBĐH với Trục liên thông văn bản quốc gia đã thử nghiệm thành công và đã đưa vào vận hành chính thức để đáp ứng ngay yêu cầu kết nối, liên thông văn bản của Bộ với các đơn vị ngoài Bộ. Kết quả đã đáp ứng cơ bản các yêu cầu của Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Với những kết quả nghiên cứu, thử nghiệm đã đạt được, chắc chắn sẽ khai thông và tạo thuận lợi cho các nhiệm vụ liên quan đến việc kết nối, liên thông thông tin, dữ liệu giữa các HTTT được triển khai tại Bộ, nhất là trong quá trình xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15849/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)