Nghiên cứu áp dụng các mô hình bổ cập, lưu trữ và tái sử dụng tài nguyên nước phục vụ nâng cao hiệu quả sử dụng nước đồng bằng ven biển Miền Trung
Cập nhật vào: Thứ ba - 24/12/2024 12:03 Cỡ chữ
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, có hai loại mô hình 3R đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi, đó là mô hình 3R trong quản lý chất thải (Reduce - Recycle - Reuse, được hiểu là Tiết giảm, tái chế, tái sử dụng) và mô hình 3R trong quản lý tài nguyên nước (Recharge – Retention – Reuse, được hiểu là Bổ cập, lưu giữ, tái sử dụng). Điểm giống nhau của hai mô hình này là cùng hướng đến mục tiêu bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả, tiết kiệm và bền vững. Mô hình 3R “Recharge - Retention - Reuse” nghiên cứu các biện pháp làm tăng lượng nước sạch có thể sử dụng, đầu tư công nghệ thu gom, lưu trữ nước sạch để phục vụ cho các mục đích sử dụng và tái sử dụng của con người. Trong bối cảnh cần tìm ra biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn nước nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, việc nghiên cứu mô hình 3R “Recharge - Retention - Reuse” là thực sự cần thiết, nhằm giúp thúc đẩy và thực hiện công nghệ giúp cho người dân tối đa hóa việc sử dụng nước có sẵn, đặc biệt là cho người dân ở các vùng khan hiếm nước và vào thời điểm khô hạn.
Việt Nam được nhận định là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, với lượng mưa trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 1.940 - 1.960mm (tương đương tổng lượng nước khoảng 640 tỷ m3/năm), thuộc số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tài nguyên nước ở nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức như thiếu giải pháp điều phối nguồn nước giữa các mùa, cũng như giải pháp quy hoạch, phát triển nguồn nước. Vì vậy, việc điều phối tài nguyên nước, sử dụng, lưu trữ và tái sử dụng nước để khai thác sử dụng nước hiệu quả là rất cấp thiết. Đó là lý do nhóm nghiên cứu của ThS. Nguyễn Tiến Bách tại Trung tâm Giám sát tài nguyên nước và Hỗ trợ phát triển lưu vực sông thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu áp dụng các mô hình bổ cập, lưu trữ và tái sử dụng tài nguyên nước (3r: recharge, retention, reuse) phục vụ nâng cao hiệu quả sử dụng nước đồng bằng ven biển miền trung áp dụng thí điểm tại tỉnh bình thuận” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021.
Dưới đây là các kết quả mà đề tài đã thu được:
- Đã đánh giá các đặc điểm địa chất thủy văn, tiềm năng nước dưới đất và hiện trạng khai thác nước dưới đất của khu vực đồng bằng ven biển miền Trung. Xác định điều kiện áp dụng mô hình 3R phục vụ nâng cao hiệu quả sử dụng nước khu vực ven biển miền Trung: thông qua các kết quả nghiên cứu mô hình 3R trên thế giới và ở Việt Nam, đồng thời dựa vào các đặc tính, đặc điểm khu vực ven biển miền Trung kết hợp với việc phân tích, đánh giá các điều kiện áp dụng các quá trình R cho từng khu vực đồng bằng ven biển miền Trung, nhóm nghiên cứu đã đưa ra điều kiện áp dụng mô hình 3R cho từng khu vực cụ thể.
- Xây dựng công trình thí điểm tường chắn tại Khu phố Long Sơn, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận với cấu tạo tường như sau: Hàng 1: 25 lỗ khoan cách nhau 2m với tổng chiều dài khoảng 50m; Hàng 2: 25 lỗ khoan cách nhau 2m với tổng chiều dài khoảng 50m nằm song song và so lo cách 1,5m với Hàng 1.
- Ứng dụng mô hình ModFlow đánh giá trữ lượng nước dưới đất và lan truyền mặn trong nước dưới đất trước và sau xây tường chắn tại Khu phố Long Sơn, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận. Ứng dụng mô hình 3R trong quản lý nguồn nước, xây dựng các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nước góp phần nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm áp lực đối với nguồn nước, giảm ô nhiễm nguồn nước (từ việc tái sử dụng), góp phần duy trì dòng chảy trên các con sông, tăng độ phì nhiêu của đất… tác động tích cực đến hệ sinh thái, cảnh quan và môi trường.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20416//2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)