Nghiên cứu bảo tồn và xây dựng quy trình nhân giống cây Sơn đậu căn (Sophora tonkinensis Gapnep) bằng kỹ thuật nhân giống in vitro
Cập nhật vào: Thứ ba - 29/10/2024 00:11 Cỡ chữ
Sơn đậu căn (Sophora tonkinensis Gapnep.) thuộc họ Đậu (Fabaceae) là loài cây dược liệu quý và có giá trị kinh tế cao. Do nhu cầu sử dụng dược liệu tăng mạnh trong thời gian gần đây nên loài Sơn đậu căn đã bị khai thác kiệt quệ. Mặt khác, tỷ lệ nảy mầm từ hạt trong tự nhiên rất thấp và vùng phân bố của Sơn đậu căn bị tàn phá nghiêm trọng nên loài cây này đang trong tình trạng gần như tuyệt chủng và được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, phần II - Thực vật, 2007. Vì vậy, công tác điều tra phân bố, bảo tồn, nhân giống và phát triển Sơn đậu căn là một việc làm rất cần thiết nhằm tạo cơ sở cho cho việc khai thác và sử dụng loài cây có giá trị dược liệu này một cách hợp lý và có hiệu quả cao.
Mặc dù được xem như là loại thuốc quý trong dân gian nhưng các nghiên cứu về nhân giống cũng như chăm sóc cây Sơn đậu căn còn hạn chế. Tại Việt Nam gần như chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về phương pháp nhân giống in vitro đối với cây Sơn đậu căn. Việc nghiên cứu bảo tồn và nhân nhanh giống cây này có một ý nghĩa không nhỏ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, còn góp phần bổ sung thêm những cơ sở khoa học cho các nghiên cứu trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quảng bá thương hiệu trên trường quốc tế về một loại dược liệu quí hiếm của Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Nguyễn Thị Bình cùng với nhóm nghiên cứu tại Viện Ứng dụng công nghệ thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và xây dựng quy trình nhân giống cây Sơn đậu căn (Sophora tonkinensis Gapnep) bằng kỹ thuật nhân giống in vitro” với mục tiêu bảo tồn và xây dựng được quy trình nhân giống cây Sơn đậu căn (Sophora tonkinensis Gapnep.) bằng kỹ thuật nhân giống in vitro.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Khảo sát vùng phân bố của cây Sơn đậu căn ở Trùng Khánh - Cao Bằng cho thấy, ở vùng khảo sát đều có sự phân bố của loài Sơn Đậu căn nhưng với số lượng còn lại rất ít. Loài này phát triển tốt trong điều kiện nhiệt đới của vùng núi, chúng phân bố ở các núi đá vôi hay các đồi khô cằn ở độ cao dưới 1000m trong các khu rừng thưa. Sơn đậu căn chủ yếu mọc trên các sườn núi, độ ẩm và độ xốp cao. Có thể bắt gặp chúng ở trong rừng nơi khô ráo, trên những sườn núi cao hoặc dưới rừng trúc trên đường mòn đi lại trong rừng.
2. Đề tài đã bảo tồn thành công mô hình cây Sơn đậu căn và xây dựng được quy trình bảo tồn, trên cơ sở một số kết quả nghiên cứu biện pháp kỹ thuật sau:
- Trồng Sơn đậu căn ở mật độ 6.667 cây/ha (khoảng cách 1,5m x 1m) cây sinh trưởng tốt nhất. Trên nền mật độ đó, bón phân vô cơ với liều lượng 300kg N + 200kg P2O5 + 120kg KCl/ha và phân hữu cơ Trùn quế giúp cây Sơn đậu căn sinh trưởng khỏe mạnh.
- Theo dõi tình hình sâu, bệnh hại trên cây Sơn đậu căn, thấy xuất hiện 03 loài sâu hại, 01 loại ốc sên, 01 loại nhện đỏ và 01 loài bệnh hại. Trong đó, loài sâu bệnh hại chính trên cây là sâu róm và bệnh thối rễ. Sử dụng thuốc Trebon 10EC với liều lượng 12ml/10lít nước/lần/tuần để diệt trừ sâu róm và phun Cantop M5SC 20ml/8lít nước/lần/tuần để phòng trừ bệnh thối rễ.
3. Đã xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống in vitro Sơn đậu căn, một số kết quả nghiên cứu như sau:
- Các hóa chất và môi trường phù hợp sử dụng trong nuôi cấy in vitro loài Sơn đậu căn bao gồm: chất khử trùng: dung dịch 3% NaOCl trong 15 phút. Môi trường MS bổ sung 30 g/1 sucrose + 5,5 g/1 agar + 200 ml/l nước dừa + 1 g/l than hoạt tính + 0,75 mg/l TDZ + 0,5 mg/l IBA + 2 g/l peptone + 30 g/l dịch nghiền cà rốt, pH 5,5 là thích hợp nhất đến khả năng nhân nhanh in vitro cây Sơn đậu căn.
- Môi trường MS bổ sung 30 g/1 sucrose + 5,5 g/1 agar + 200 ml/l nước dừa + 1,0 mg/l αNAA + 1g/l than hoạt tính, pH 5,5 thích hợp nhất cho sự hình thành rễ in vitro của cây Sơn đậu căn.
- Hỗn hợp Đất mùn + Bột xơ dừa (tỷ lệ 70:30) được xác định là giá thể phù hợp cho sinh trưởng của cây con trong vườn ươm. Trồng cây trên nền giá thể đó, xác định được phân Đầu Trâu MK 30:10:5 là loại phân bón thích hợp nhất cho sự sinh trưởng cây con trong vườn ươm. 4. Nhân giống Sơn đậu căn bằng phương pháp gieo hạt, chúng tôi có những kết luận sau:
- Xử lý hạt ở nhiệt độ 500 C kết hợp với ngâm chất kích sinh trưởng ARROW-R với liều lượng 25ml/l trong 3 giờ. Các hạt sau khi nảy mầm được trồng trên hỗn hợp ruột bầu đất sạch Tribat bổ sung Đất mặt + Phân hữu cơ Genki (10%) + Phân Dynamic (10%) được xác định là phù hợp nhất cho sự nảy mầm và sinh trưởng của cây Sơn đậu căn sau 8 tháng trồng.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20309/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)