Nghiên cứu biến động nguồn nước thượng lưu, điều kiện khí hậu cực đoan ở đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất
Cập nhật vào: Thứ hai - 27/05/2024 00:06
Cỡ chữ
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là đồng bằng quan trọng nhất của nước ta, với diện tích tự nhiên vào khoảng 4 triệu ha (xấp xỉ 1/9 diện tích của cả nước), đã đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực quốc gia, hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, chiếm hơn 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 57% tổng sản lượng thủy sản của cả nước. Tuy là một đồng bằng có giàu tiềm năng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến nước như: lũ lụt hàng năm, xói lở bờ sông, ven biển, xâm nhập mặn, hạn hán, đất phèn và nước phèn, ô nhiễm nguồn nước. ĐBSCL nằm ở hạ nguồn lưu vực Mê Công, các tác động do phát triển ở thượng lưu cùng với các tác động do biến đổi khí hậu và nước biển dâng là nguy cơ cho sự phát triển ổn định trên đồng bằng.
Các tác động do khai thác chưa hợp lý tài nguyên đất và nước ở thượng lưu và vận hành của các hồ chứa thủy lợi - thủy điện hiện đã góp phần gây ra những tác động bất lợi đến ĐBSCL như mất lũ, phù sa giảm, diễn biến xói lở bờ sông và vùng ven biển cùng với những diễn biến xâm nhập mặn bất thường khó lường. Đề tài “Nghiên cứu biến động nguồn nước thượng lưu, điều kiện khí hậu cực đoan ở đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất” nhằm chủ động các giải pháp thích ứng trên đồng bằng để khai thác hiệu quả các tác động có lợi và hạn chế các tác động bất lợi về thay đổi dòng chảy và xâm nhập mặn. Đề tài do TS. Tô Quang Toản và nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2020.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu chính như sau: đánh giá được thực trạng biến động của nguồn nước thượng lưu do các hoạt động phát triển và sử dụng nước, biến đổi khí hậu và những tác động của chúng đến phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; xây dựng được các kịch bản chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế xã hội phù hợp với hạn hán, xâm nhập mặn do các kịch bản sử dụng nước thượng lưu trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; và đề xuất được các giải pháp phù hợp, ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn do biến động nguồn nước thượng lưu cho một số tỉnh điển hình.
Dưới đây là một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:
- Phân tích ảnh viễn thám cho thấy những xu thế thay đổi không gian ngập lũ vùng ĐBSCL, theo đó, gia tăng đáng kể diện tích ngập hàng năm ở các vùng trung tâm đồng bằng và vùng ven biển, xu thế ngược lại với việc giảm lũ từ thượng nguồn gia tăng diện tích được bảo vệ cho sản xuất hàng năm ở các vùng thượng đồng bằng phù hợp với xu thế giảm lũ từ thượng nguồn sông Mê Công do tác động của các thủy điện.
- Đã phân tích tính toán chỉ ra, trong 12 kịch bản BĐKH lưu vực Mê Công đến 2100, chưa xét đến tác động của các hồ thủy điện thì số năm lũ lớn vượt báo động Cấp III dao động trong khoảng 6-31% số năm.
- Đã thiết lập được các công cụ ban đầu phục vụ dự báo lũ và xâm nhập mặn cho các năm qua và góp phần cung cấp thông tin cho các cấp chính quyền địa phương chỉ đạo kịp thời bố trí chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện dòng chảy các năm, góp phần tăng diện tích Thu Đông (năm 2017 tại An Giang), giảm thiệt hại cho sản xuất vụ Đông Xuân các năm gần đây, đặc biệt 2019-2020. Kết quả mô phỏng chuyển dịch sớm vụ Đông Xuân và dịch chuyển muộn ở vụ Hè Thu đã góp phần cung cấp thông tin hỗ trợ chỉ đạo sản xuất.
- Đã xây dựng được một số kịch bản chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phù hợp với các thay đổi về lũ, hạn hán và xâm nhập mặn do ảnh hưởng của các kịch bản sử dụng nước thượng lưu, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong giai đoạn ngắn và trung hạn, giảm diện tích lúa Đông Xuân 300 ngàn ha (duy trì 1.400 ha), duy trì lúa Hè Thu và gia tăng sản xuất Thu Đông khoảng 300 ngàn ha là kịch bản then chốt sẽ góp phần khắc phục các bất cập về nguồn nước hiện nay.
- Đã chỉ ra cần tăng cường chuyển đổi sản xuất theo hướng giảm phụ thuộc vào nước ngọt, rải vụ Đông Xuân và Hè Thu ở các tháng kiệt, giảm đến bỏ hoàn toàn diện tích 3 vụ ở vùng Bán Đảo Cà Mau, thay thế các mô hình chuyển đổi lúa cá, lúa tôm, 2 lúa và nuôi trồng thủy sản vùng Bán Đảo Cà Mau để chủ động thích ứng với BĐKH, đất lún và tác động từ thượng nguồn.
Việc chuyển đổi đất lúa sang các cây trồng khác (cây ăn quả, cây dược liệu) có thể đem lại hiệu quả cao hơn, nhưng còn nhiều bất cập liên quan đến thị trường, kỹ thuật, vốn đầu tư do đó, cần thực hiện từng bước với điều hạ tầng kỹ thuật cho phép và nhu cầu thị trường ổn định.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19888/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)