Nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tác động, thích ứng với thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn vùng Bán đảo Cà Mau
Cập nhật vào: Thứ tư - 01/11/2023 11:04 Cỡ chữ
Bán đảo Cà Mau (BĐCM) nằm ở phía Tây Nam đồng bằng sông Cửu Long, giới hạn bởi phía Bắc là kênh Cái Sắn, phía Đông Bắc là sông Hậu, phía Tây Nam là biển Tây và phía Đông là biển Đông. Do quá trình bồi đắp phù sa của sông Hậu, hình thành địa hình cao ở ven sông Hậu và thấp dần về phía sông Cái Lớn-Cái Bé và biển Tây, tạo ra khu vực “lòng chảo” trung tâm Bán đảo có cao độ thấp rất khó khăn tiêu thoát nước mùa mưa.
BĐCM thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 27oC, hàng năm có 2 mùa rõ rệt. Lượng mưa trung bình năm 1.700 mm, cao nhất ven biển Tây 2.400mm, nhỏ nhất vùng Đông Bắc khoảng 1.500mm. Chế độ thuỷ văn ở BĐCM bị chi phối bởi thuỷ triều biển Đông, biển Tây, dòng chảy sông Mêkông, nước mặn phân bố trên phần lớn diện tích của bán đảo là đặc điểm quan trọng nhất liên quan đến quản lý thiên tai phục vụ phát triển bền vững của khu vực.
Nhằm làm rõ bản chất của hạn và mặn ở BĐCM nhằm hỗ trợ công tác quản lý thiên tai phục vụ phát triển bền vững của khu vực. Cụ thể là: Đánh giá được nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt và sản xuất, xu thế diễn biến xâm nhập mặn và hạn hán vùng Bán đảo Cà mau; Đánh giá được khả năng tạo nguồn nước ngọt phục vụ dân sinh và sản xuất vùng Bán đảo Cà Mau; và Đề xuất được các giải pháp khai thác, sử dụng nước hiệu quả và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn và hạn hán vùng BĐCM, PGS.TS. Nguyễn Đăng Tính và các cộng sự thuộc Cơ sở 2 - Đại học Thủy Lợi (nay là Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi tại tỉnh Bình Dương) đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tác động, thích ứng với thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn vùng Bán đảo Cà Mau” để từ đó cung cấp các kết quả nghiên cứu như là cơ sở xây dựng một bộ công cụ hỗ trợ cho các cơ quan chức năng và các địa phương trong khu vực BĐCM có thể tham khảo, sử dụng trong quản lý thiên tai liên quan đến hạn và mặn.
Sau một thời gian triển khai thực hiệnm tháng 11 năm 2016 đến hết tháng 11 năm 2019, những đóng góp chính có tính mới của đề tài như sau:
1) Đề tài đã phân tích và đề xuất được lần đầu tiên ở Việt nam “chỉ số mặn” (SSI, Standardized Salinity Index) làm công cụ đánh giá mức độ mặn bao gồm 5 mức từ thấp nhất là mức “bình thường” cho đến mức cao nhất là “Mặn nghiêm trọng” dựa trên mức độ sai lệch so với mức bình quân nhiều năm; Trên cơ sở mức độ mặn, đề tài cũng xác định mức xâm nhập sâu của nước mặn 4g/l trên sông Hậu ứng với mức trung bình nhiều năm và các mức độ mặn khác nhau. Trên cơ sở phân tích mức độ mặn, đề tài đề xuất điều chỉnh Quy định về cấp độ rủi ro thiên tai do mặn tại quyết định số 44/2014 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với điều kiện cụ thể của BĐCM.
2) Đề tài đã phân tích số liệu mưa và dòng chảy đến nhiều năm tại BĐCM trên cơ sở đó đề xuất các mức đánh giá hạn khí tượng, nông nghiệp và thủy văn trong đó nghiên cứu cho thấy chỉ số hạn thủy văn đóng vai trò quan trọng nhất liên quan đến phân bố mặn trên BĐCM; đề tài lần đầu tiên đề xuất sử dụng chỉ số thiếu hụt dòng chảy (SDI- Streamflow Drought Index) để đại diện cho chỉ số hạn thủy văn. Phân tích mối liên hệ giữa hạn thủy văn với mức độ mặn ở BĐCM, đề tài cho thấy có thể căn cứ vào hạn thủy văn để cảnh báo sớm mức độ phân bố mặn tại khu vực nghiên cứu phục vụ xây dựng và vận hành kế hoạch sản xuất nông nghiệp tại BĐCM một cách phù hợp.
3) Đề tài đã tính toán được trữ lượng khai thác nước dưới đất cho phép (khoảng trên bảy trăm ngàn mét khối/ngày đêm) trên cơ sở mô hình cân bằng giữa lượng nước chảy vào các tầng chứa nước và lượng nước bơm hút từ các giếng khoan. Kết quả này cho thấy lượng nước khai thác hiện tại đã vượt quá trữ lượng có thể khai thác an toàn, là một trong những nguyên nhân gây lún sụt đất nghiêm trọng khu vực ĐBSCL, đặc biệt vùng BĐCM vì vậy nhất thiết phải có các giải pháp nhằm hạn chế khái thác sử dụng nước dưới đất.
4) Nghiên cứu đã đề xuất được các giải pháp để giảm thiểu tác động của thiên tai do hạn và mặn, bao gồm:
- Ưu tiên giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn BĐCM bằng chương trình thu gom và trữ nước mưa; đề xuất này đã được gửi đến cơ quan Tổng cục thủy lợi, Bộ NN&PTNT và đang được tham khảo để triển khai chương trình này. Đề xuất này cũng được báo cáo trực tiếp với Ban giám hiệu trường Đại học Thủy Lợi để xây dựng mô hình thu gom nước mưa phục vụ sinh hoạt cho hộ gia đình điển hình ở các vùng khan hiếm nước vùng Bán đảo Cà Mau.
- Đề xuất mô hình phân tích đánh giá mức độ thích nghi của hệ thống sản xuất làm công cụ cho việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích nghi;
- Đề xuất được sơ đồ chuyển nước ngọt từ sông Hậu để cung cấp cho vùng ven biển thuộc Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu phục vụ dân sinh và sản xuất công nghiệp, ưu tiên các công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và thủy sản để hạn chế tiến tới ngưng khai thác nước dưới đất để giải quyết vấn đề lún sụt đất ở ĐBSCL; đề xuất này cũng đã được gửi tới Bộ NN&PTNT để cơ quan này nghiên cứu sử dụng; tài liệu này cũng đã được cơ quan chức năng tham khảo để hình thành đề xuất dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới;
- Đề xuất được giải pháp mở rộng quy mô một số cống chính của hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp nhằm tăng cường khả năng lấy nước mặn có chất lượng tốt hơn vào mùa khô để mở rộng sản xuất thủy sản khu vực bắc Bạc Liêu và một phần của Cà Mau, Kiên Giang đồng thời có thể vận hành tiêu thoát nước mưa về hướng biển Đông để giảm ngập úng cho khu vực thấp của BĐCM vào mùa mưa.
5) Nghiên cứu đã tập hợp toàn bộ các cơ sở dữ liệu dưới dạng bản đồ GIS có thể cung cấp thông tin về mưa nhiều năm trong khu vực BĐCM; phân bố theo không gian và thời gian nước mặn và nước ngọt (thường gọi là Bản đồ xâm nhập mặn) cho các năm trung bình (2012), các năm mặn nghiêm trọng và bản đồ phân vùng tài nguyên nước mặt (mặn quanh năm/ ngọt quanh năm/ và luân phiên); phân bố nước nhạt dưới đất; đơn vị đất đai và thích nghi sản xuất nông nghiệp…
Cơ sở dữ liệu này có thể được phát triển để lưu trữ trên webserver để các địa phương và các nhà nghiên cứu khác sử dụng. Những thông tin từ cơ sở dữ liệu này rất cần thiết cho việc quản lý thiên tai hạn, mặn ở BĐCM; nó có thể được phát triển ở mức cao hơn để trở thành công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan quản lý và kể cả người dân để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với hoàn cảnh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
6) Đề tài đã đề xuất được công cụ cảnh báo sớm hạn và mặn ở BĐCM, công cụ này có thể phục vụ cho công tác quản lý thiên tai do hạn mặn của các cấp đồng thời hỗ trợ cho các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh kế hoạch và ứng phó kịp thời với thiên tai do hạn mặn ở khu vực nghiên cứu.
Đề tài kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu nghiên cứu xây dựng công cụ hỗ trợ quản lý hạn-mặn ở ĐBSCL trong đó chỉ số SSI được xây dựng để đánh giá mức độ hạn-mặn cho toàn bộ ĐBSCL đồng thời kết nối mô hình cảnh báo sớm với các số liệu đầu vào thời gian thực (near real ttime). Cần một nghiên cứu chi tiết cho vùng có nước mặn/ ngọt luân phiên trên cơ sở đó đề xuất được các giải pháp thủy lợi quy mô nhỏ phục vụ chuyển đổi sinh kế cho người dân trong khu vực này và mở rộng cho toàn vùng ĐBSCL.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19019/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)