Nghiên cứu chế độ nuôi dưỡng thích hợp nhằm hạn chế các bệnh do rối loạn trao đổi chất ở bò sữa
Cập nhật vào: Thứ ba - 28/06/2022 01:40 Cỡ chữ
Ở bò sữa, rối loạn trao đổi chất là nguyên nhân chính dẫn đến các rối loạn về sinh lý khác như rối loạn về sinh sản, viêm vú, viêm tử cung và các bệnh khác. Bệnh axit dạ cỏ (acidosis) là một bệnh do tình trạng giảm pH dạ cỏ. Bệnh khá phổ biến ở đàn bò sữa và thường biểu hiện ở thể lâm sàng (clinical acidosis) và thể cận lâm sàng (sub-clinical acidosis) hay còn gọi là acidosis mãn tính (SARA). Bệnh ketosis cận lâm sàng và lâm sàng là một bệnh mà các thể xeton lưu hành trong máu cao. Ngoài ra, bệnh hạ canxi huyết (sốt sữa) theo ước tính tỷ lệ mắc bệnh sốt sữa từ 5 – 10% và gây thiệt hại dáng kể về kinh tế. Các bệnh này gây ra thiệt hại kinh tế thông qua sản xuất sữa giảm, liên quan với các bệnh khác.
Thống kê trên đàn bò sữa tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho biết số lượng bò sữa bị viêm chân móng do nhiễm acidosis ước tính khoảng 10%, bệnh ketosis (xeton huyết) lâm sàng và cận lâm sàng ở miền Bắc giao động từ 10-55%. Kết quả nghiên khảo sát tại ba tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang cho thấy bò bị bệnh toan huyết là 96,2% và xeton huyết là 85,86%. Tuy nhiên, trên thực tế đàn bò sữa bị mắc các bệnh có liên quan đến trao đổi chất như sốt sữa, chân móng, lệch dạ múi khế, … còn chưa được thống kê rõ. Đặc biệt là các nghiên cứu tổng thể về bệnh trao đổi chất ở đàn bò sữa Việt Nam chưa có nhiều công bố. Do đây là bệnh có liên quan đến trao đổi chất nên các biện pháp về dinh dưỡng để giải quyết các vấn đề về chế độ chăm sóc nuôi dưỡng ngày càng được các nhà khoa học quan tâm. Ở bò sữa, thời gian chuyển tiếp giữa 3 tuần trước đến 3 tuần sau khi đẻ là thời điểm nhạy cảm nhất trong chu kỳ sinh sản của bò sữa. Các rối loạn thường thấy ở bò sữa bao gồm viêm vú lâm sàng (16,5%), nhiễm trùng móng (14,0%), sát nhau (7,8%), sốt sữa (4,9%), nhiễm trùng tử cung (4,6%) và lệch dạ múi khế (3,5%), ketosis lâm sàng (7-15%), tùy thuộc vào loại đàn và các phương pháp chẩn đoán. Các thiệt hại của bệnh dựa trên các yếu tố như giảm cân, mất sữa, gia tăng chi phí lao động, chi phí thú y và điều trị, các vấn đề liên quan khả năng sinh sản và bệnh sinh sản …
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Chăn nuôi cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Ngô Đình Tân thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế độ nuôi dưỡng thích hợp nhằm hạn chế các bệnh do rối loạn trao đổi chất ở bò sữa” với mục tiêu xác định được chế độ nuôi dưỡng hợp lý nhằm giảm thiểu các bệnh do rối loạn trao đổi chất, nâng cao hiệu quả kinh tế và tính bền vững trong chăn nuôi bò sữa năng suất cao.
Rối loạn trao đổi chất ở bò sữa xảy ra chủ yếu trước và sau khi đẻ, các rối loạn trao đổi chất thường thấy là: Axit dạ cỏ (acidosis); Ketosis và Hạ canxi huyết (sốt sữa) và các liên quan đến các bệnh này làm giảm sức khỏe và khả năng sản xuất sữa của bò và liên quan đến các bệnh viêm móng, gan nhiễm mỡ, lệch dạ múi khế, viêm tử cung, viêm vú, sót nhau, bại liệt và chướng hơi dạ cỏ, áp xe gan. Để giải quyết phần lớn các bệnh rối loạn trao đổi chất này đề tài đã tập trung giải quyết các bệnh axit dạ cỏ (acidosis), sốt sữa (milk fever) và ketosis.
Để giảm thiểu các bệnh liên quan đến acidosis. Trong quá trình nuôi dưỡng bò cao sản đã kiểm soát chặt chẽ các yếu tố thức ăn bằng cách: 1) kiểm soát lượng thức ăn thu nhận, tỷ lệ tinh thô của khẩu phần phải hợp lý, tiến hành cho ăn chế độ ăn trộn đạng TMR, cho ăn làm nhiều lần trong ngày. Đảm bảo ăn thô có kích thước khoảng 2,6 cm, thức ăn tinh không nghiền quá mịn; 2) Sử dụng biện pháp bổ sung chất đệm có chứa bicarbonate natri, oxit magie vào khẩu phần ăn, hoặc dùng virginiamycin 200 gr/con/ngày cũng có thể ổn định pH dạ cỏ; 4) Trong quá trình nuôi dưỡng áp dụng biện pháp thích nghi dần với thức ăn tinh cho hệ vi sinh vật dạ cỏ, điều chỉnh việc bắt đầu bổ sung thức ăn tinh dần theo năng suất sữa của bò.
Để giảm thiểu các bệnh có liên quan đến ketosis: Trên cơ sở đánh giá điểm thể trạng của bò để xác định bò gầy (BCS < 3) và bò béo (BCS > 4), duy trì điểm thể trạng ở bò trước khi đẻ không quá 4 thang điểm 5. Ngoài ra việc bổ sung các chất phụ gia nhằm giảm thiểu bệnh này cho bò sữa cao sản để giảm nguy cơ xảy ra bệnh như propylene glycol, calcium propionate, ... Về dinh dưỡng của khẩu phần cho bò cao sản giai đoạn cuối của chu kỳ và giai đoạn cạn sữa để duy trì điểm thể trạng từ 3 - 3,5. Đã thiết kết bô sung thức ăn tinh vào khẩu phần bò cạn sữa để thích nghi cho hệ vi sinh vật dạ cỏ ở 2 - 3 tuần trước khi đẻ.
Kết quả khảo sát cho thấy quy mô đàn bò ở miền Bắc là 10,57 con/trại thấp hơn miền Nam là 37,25 con/trại. Đàn bò cái sinh sản ở cả hai miền trung bình từ 52,69 đến 62,03%, còn lại là đàn bò hậu bị và bê. Đàn bò có năng suất trung bình khá cao giao động từ 18,68 đến 20,72 kg/ngày ở miền Bắc và từ 22,56 đến 23,24 kg/ngày ở miền Nam. Nguồn thức ăn thô xanh chủ yếu là cỏ voi (100% trang trại sử dụng), cây ngô từ 64,79 đến 80,79% trại sử dụng, tỷ lệ số trại sử dụng ủ chua từ 54,8 đến 78,87%, ngoài ra còn sử dụng thêm cỏ khô, phụ phẩm nông nghiệp. Nguồn thức ăn tinh hỗn hợp bên cạnh việc sử dụng nguồn thức ăn bán trên thị trường, người chăn nuôi cũng chủ động bổ sung thêm các loại nguyên liệu khác như bột ngô, đỗ tương, bột sắn, bã bia, các loại thức ăn bổ sung khoáng đa vi lượng…
Tỷ lệ số trại sử dụng hình thức cho ăn tinh thô riêng rẽ chiếm từ 36,62 đến 82,88%; Số trại sử dụng thức ăn TMR ở miền Nam có tỷ lệ cao hơn hẳn so với miền Bắc (56,34 so với 0,90%). Về cơ cấu khẩu phần ở giai đoạn đầu và giữa kỹ tiết sữa tỷ lệ tinh/thô là 49,04 đến 50,24% ở đầu kỳ tiết sữa, 51,56 đến 52,84% ở giữa kỳ tiết sữa. Ở giai đoạn cạn sữa, hầu hết các trang trại chưa trú trọng sử dụng các biện pháp can thiệt vào khẩu phần ăn cho bò để phòng rối loạn trao đổi chất như bổ sung các chất phụ gia, ... nên dễ có nguy cơ mắc bệnh ketosis và hạ canxi huyết.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Thức ăn của đàn bò sữa khá đa dạng gồm thức ăn thô, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung năng lượng, protein và bổ sung các loại khoáng, men, … mà ít sử dụng các chất phụ gia để tăng cường hiệu quả sử dụng thức ăn và giảm một số bệnh trao đổi chất như axit dạ cỏ, ketosis và hạ canxi huyết ở bò sữa
- Chế độ nuôi dưỡng đàn bò khá hợp lý đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bò ở từng giai đoạn sinh lý khác nhau. Bò được cho ăn đầy đủ dinh dưỡng với phương thức cho ăn từ ≥2 lần/ngày. Mặc dù hình thức cho ăn tinh-thô riêng rẽ vẫn còn chiếm ≥36,63%. Ở miền Nam tỷ lệ các trang trại sử dụng thức ăn dạng TMR là 56,34%, ở miền Bắc chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể (0,9%).
- Thời gian mắc bệnh axit dạ cỏ chủ yếu ở đầu kỳ tiết sữa với tỷ lệ từ 0,96 đến 24,45% ở miền Bắc và từ 3,13 đến 14,05% ở miền Nam; Bệnh ketosis chủ yếu xảy ra ở những tuần đầu tiên sau khi đẻ với tỷ lệ từ 0,48 đến 6,22% (miền Bắc), từ 0,73 đến 4,15% (miền Nam). Bệnh hạ canxi huyết thường xảy ra ở những ngày xung quanh lúc đẻ với tỷ lệ từ 1,2 đến 9,09% ở miền Bắc và miền Nam từ 1,91 đến 4,78%.
- Nguyên nhân của bệnh axit dạ cỏ thông thường do bò cho ăn chế độ ăn thức ăn tinh-thô riêng rẽ, ở khẩu phần có từ 50% thức ăn tinh trở lên; Bệnh ketosis thường xảy ra ở chế độ ăn có mật độ năng lượng thấp chưa đủ nhu cầu cho sản xuất ở giai đoạn sau khi đẻ; Bệnh hạ canxi huyết thường xảy ra ở thời điểm xung quanh lúc đẻ và ở bò có năng suất cao và được ăn chế độ ăn DCAD cao ở giai đoạn cạn sữa.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17276/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)