Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm tủ khóa thông minh dựa trên công nghệ IoT, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo
Cập nhật vào: Thứ năm - 24/10/2024 00:08 Cỡ chữ
Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh ở Việt Nam với số lượng giao dịch ngày càng gia tăng. Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD. Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT tăng vọt. Năm 2019, cả nước có 39,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng 11,8% so với năm 2018 và tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 năm..Trong số 10 sàn TMĐT có tổng số lượt truy cập website cao nhất tại thị trường Đông Nam Á 6 tháng đầu năm 2019, có tới 5 là của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, gồm có Tiki, Sendo, thegioididong, Điện Máy Xanh và FPT Shop. Bối cảnh Covid càng khiến cho nhu cầu giao dịch TMĐT lớn hơn và dự báo số lượng giao dịch còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao của TMĐT, dịch vụ logistics cũng đã có những bước phát triển đột phá. Đã có rất nhiều hãng chuyển phát tham gia vào thị trường, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để đáp ứng nhu cầu giao nhận hàng hóa nói chung và giao nhận chặng cuối nói riêng. Tuy nhiên, giao hàng nhanh và đúng hẹn vẫn còn là một thách thức. Nghiên cứu iPrice và Parcel Perform cho thấy 37,22% khách hàng khu vực Đông Nam Á không hài lòng với tốc độ giao hàng, trong đó, tốc độ giao hàng trung bình của Việt Nam là 5,6 ngày, lâu hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia (3,8 ngày), Singapore (3,3 ngày), Thái Lan (2,5 ngày). Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ giao hàng là việc người vận chuyển (shipper) không gặp trực tiếp được người nhận hàng vì những lý do khác nhau. Thông thường, shipper sẽ liên lạc và hẹn trước địa điểm và thời gian giao hàng. Tuy nhiên, có thể có những biến động trong quá trình giao hàng khiến cho hai bên không gặp nhau như kế hoạch. Các đợt giao hàng của shipper lại liên quan đến nhiều món hàng của nhiều khách hàng khác nhau, khiến cho việc thiết lập một lịch trình giao hàng tối ưu càng trở nên phức tạp và việc chậm một số đơn hàng sẽ ảnh hưởng đến các đơn hàng tiếp theo, khiến tỷ lệ không hài lòng tăng cao và nhiều đơn hàng có thể bị hủy bỏ. Từ thực tế trên, năm 2021, ThS. Nguyễn Văn Chương cùng các cộng sự tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm tủ khóa thông minh (Smart Locker) dựa trên công nghệ IoT, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng và thiết kế thử nhiệm một mô hình tủ khóa thông minh sử dụng cho công việc giao nhận hàng hóa trong TMĐT; và nghiên cứu, thử nghiệm để đề xuất khuyến nghị tiếp tục phát triển, hoàn thiện và đưa vào áp dụng trong thực tế.
Đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
- Tiến hành nghiên cứu, đánh giá tình hình ứng dụng mô hình tủ khóa thông minh hiện nay: Qua khảo sát và phân tích từ nhiều góc độ khác nhau nhóm thực hiện đề tài nhận định nhu cầu về tủ khóa thông minh hiện nay là có nhưng chưa phổ biến rộng, nhiều bởi một số yếu tố như là mô hình mới nên người dùng chưa biết tới, mô hình cung cấp dịch vụ chưa đa dạng, linh hoạt nên chưa tạo sự tham gia thường xuyên của người dùng.
- Từ việc nghiên cứu, quan sát và phân tích nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra được thiết kế thiết bị tủ khóa thông minh, sau đó, chế tạo thiết bị tủ khóa thông minh từ thiết kế đã lựa chọn.
- Phát triển phần mềm khai thác, quản lý trên Web và trên App cho thiết bị di động và thử nghiệm hệ thống bước đầu với các chức năng chính như tính năng khai thác, quản lý dành cho phía quản trị hệ thống, tính năng khai thác, sử dụng dành cho phía người dùng…
Kết quả nghiên cứu thúc đẩy chuyển đổi số thành công công việc giao nhận hàng hóa trong TMĐT. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT và giao nhận hàng hóa để từ đó có những quyết định phù hợp trong việc ứng dụng tủ khóa thông minh. Các doanh nghiệp và người dùng có thêm nhiều thông tin về hiệu quả, cũng như ý nghĩa của việc áp dụng thiết bị tủ khóa thông minh trong TMĐT và giao nhận hàng hóa.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20267/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)