Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh Xoan đào cung cấp gỗ lớn ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc
Cập nhật vào: Thứ năm - 26/12/2024 12:04 Cỡ chữ
Xoan đào (Pygeum arboreum Endl.) là loài cây bản địa, gỗ lớn, sinh trưởng nhanh. Gỗ Xoan đào có giác và lõi phân biệt, giác màu trắng hồng, lõi màu hồng nhạt và có vân thớ đẹp nên được sử dụng làm đồ mộc rất phổ biến và hiện nay đang được thị trường rất ưa chuộng, giá gỗ xẻ hiện nay tại Hà Nội lên tới 25-30 triệu/m3. Xoan đào có vùng phân bố sinh thái rộng, từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Do có đặc điểm sinh trưởng nhanh, thích nghi với nhiều vùng sinh thái, gỗ có giá trị cao và được sử dụng rộng rãi nên Xoan đào đã và đang được gây trồng ở một số tỉnh phía Bắc nước ta. Mặc dù đã được gây trồng ở một số tỉnh phía Bắc, song đến nay Xoan đào chưa được phát triển trên diện rộng và năng suất, chất lượng rừng trồng Xoan đào ở các vùng sinh thái nhìn chung đạt được chưa cao. Nguyên nhân chính là do còn thiếu các nghiên cứu về chọn giống, nhân giống và biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh Xoan đào, đặc biệt là các nghiên cứu ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc, là các vùng thích hợp để phát triển rừng trồng Xoan đào và có thị trường tiêu thụ gỗ Xoan đào lớn.
Xuất phát từ những tồn tại nêu trên, TS. Hoàng Văn Thắng đã phối hợp với nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học lâm nghiệp Việt nam thực hiện đề tài: "Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh Xoan đào (Pygeum arboreum Endl.) cung cấp gỗ lớn ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc" trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2021.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: chọn được ít nhất 100 cây trội; bước đầu chọn được ít nhất 02 xuất xứ tốt và 05 gia đình có triển vọng/vùng; xây dựng được Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống Xoan đào (hạt, hom), được Bộ công nhận ít nhất 01 tiến bộ kỹ thuật; Xây dựng được Hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh Xoan đào cung cấp gỗ lớn; và xây dựng được 6ha khảo nghiệm giống kết hợp xây dựng vườn giống hữu tính (3ha/vùng) và 10 ha thí nghiệm rừng trồng thâm canh Xoan đào cung cấp gỗ lớn (5 ha/vùng), có năng suất của các công thức thí nghiệm tốt vượt ít nhất 15% về thể tích thân cây so với mô hình đại trà trong sản xuất.
Dưới đây là các kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:
+ Đề tài đã chọn được 108 cây trội Xoan đào thuộc 6 xuất xứ ở 6 tỉnh phía Bắc, trong đó xuất xứ Hòa Bình 23 cây, Sơn La 14 cây, Lào Cai 21 cây, Tuyên Quang 18 cây, Phú Thọ 14 cây và Bắc Giang 18 cây. Cây trội tại Lào Cai đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận nguồn gốc giống.
+ Các khảo nghiệm Xoan đào ở hai vùng sau 27-31 tháng tuổi cho tỷ lệ sống của các gia đình đạt từ 56,3-87,5%. Bước đầu đã xác định được có 3 xuất xứ triển vọng là Lào Cai, Tuyên Quang và Bắc Giang. Xuất xứ Lào Cai cho có triển vọng nhất ở cả hai nơi đã được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng VAFS-XĐ.HT. Tại Lào Cai đã xác định được 5 gia đình có triển vọng nhất của hai xuất xứ Lào Cai, Tuyên Quang và ở Bắc Giang đã chọn được 9 GĐ triển vọng nhất của 3 xuất xứ Bắc Giang, Lào Cai và Tuyên Quang. Các gia đình có triển vọng này có thể thích thân cây vượt từ 55,6-120,7% so với trung bình quần thể.
+ Sau 41-42 tháng tuổi theo dõi ở 2 nơi cho thấy, Xoan đào trồng trong các thí nghiệm bón phân đều có tỷ lệ sống tương đối cao, đạt từ 80-89,2%. Công thức bón phân với lượng cao hơn so với lượng phân đã xác định theo nhu cầu của cây cho sinh trưởng của Xoan đào tốt nhất.
+ Sau 31-42 tháng tuổi tỷ lệ sống của Xoan đào trong các thí nghiệm phương thức trồng giao động từ 80,8-89,2%. Xoan đào hỗn giao với Sồi phảng và Xoan đào thuần loài nằm trong nhóm cho sinh trưởng của Xoan đào tốt nhất. So với mô hình rừng trồng Xoan đào trong sản xuất thì Xoan đào trồng thâm canh trong công thức tốt nhất có thể tích thân cây vượt từ 79,5-252,6% so với sản xuất.
Kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng Xoan đào với mục tiêu kinh doanh gỗ lớn theo hướng bền vững ở các tỉnh phía Bắc nước ta.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20430//2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI