Nghiên cứu chọn tạo 3 dòng gà lông màu thả vườn có năng suất chất lượng cao
Cập nhật vào: Thứ năm - 19/12/2019 21:34 Cỡ chữ
Ở Việt Nam những năm gần đây chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gà có sự tăng trưởng khá, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2017 đạt 5,8% (theo báo cáo của Cục Chăn nuôi). Trong đó, chăn nuôi gà lông màu chiếm một tỷ trọng cao, trên 70% về đầu con và sản lượng. Theo kết quả điều tra chăn nuôi tháng 10 năm 2017, đàn gia cầm cả nước ước có 385,5 triệu con, tăng khoảng 6,6%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1,03 triệu tấn, tăng 7,3%; sản lượng trứng gia cầm đạt 10,6 triệu quả, tăng 12,6%. Một số tỉnh có sản lượng trứng gia cầm lớn tăng cao là: Thái Nguyên tăng 33,04%, Bắc Giang tăng 15,02%; Phú Thọ tăng 41,58%; Thanh Hóa tăng 14,86%; Hà Tĩnh tăng 19,48%; Bình Định tăng 27,81%; Lâm Đồng tăng 18,23%; Long An tăng 26,97%; Tiền Giang tăng 20,47% và Sóc Trăng tăng 38,99%.
Cùng với sự gia tăng về thu nhập và mức sống, nhu cầu của người tiêu dùng về thịt trứng gia cầm có chất lượng tốt ngày càng gia tăng. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu đó, gần đây một số cơ sở khoa học và doanh nghiệp trong nước đã và đang nỗ lực nghiên cứu sản xuất một số giống gà vừa có năng suất cao hơn các giống gà nội, vừa có chất lượng thịt, trứng xấp xỉ các giống gà bản địa. Một số nhóm giống và tổ hợp lai đã từng bước được đưa vào sản xuất. Trong 5 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của rất nhiều giống gà lông màu bản địa. Song song với đó là việc hình thành nên những doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh giống gà lông màu với quy mô vừa và lớn. Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện các doanh nghiệp nội đang chiếm trên 90% thị phần giống gà lông màu với quy mô khoảng 150 - 200 triệu con/năm.
Tuy nhiên, phần lớn các tổ hợp lai và nhóm giống này chỉ tồn tại trong sản xuất một thời gian ngắn và cũng chỉ mới phù hợp với một số vùng miền nhất định. Trước thực trạng đó, chúng tôi gồm Cơ quan chủ quản Viện chăn nuôi cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn đã tiến hành thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo 3 dòng gà lông màu thả vườn có năng suất chất lượng cao” nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của sản xuất gà thả vườn ở nước ta.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Qua 3 thế hệ chọn lọc lai tạo, đã chọn tạo được 3 dòng gà lông màu có các chỉ tiêu về đặc điểm ngoại hình và năng suất thịt, trứng đạt và vượt mục tiêu đề ra của đề tài. Cụ thể:
a) Dòng trống VP3 có màu lông ổn định qua các thế hệ chọn lọc. Lúc trưởng thành, gà trống có màu lông đồng nhất đặc trưng của dòng là nâu đỏ, gà mái có màu lông vàng đốm đen; gà trống và mái đều có mào cờ màu đỏ tươi, chân, mỏ màu vàng. Khối lượng cơ thể 20 tuần tuổi của gà trống bình quân 2.040 gam, gà mái là 1.713 gam. Năng suất trứng đến 68 tuần tuổi đạt 162,82 quả/mái, vượt 16,3% so với mục tiêu đề ra; khối lượng trứng ở 37 - 38 tuần tuổi là 54,56 gam. Vỏ trứng có màu vàng nhạt phù hợp thị hiếu người tiêu dung.
b) Đối với 2 dòng mái VP4, VP5 có màu lông ổn định qua 3 thế hệ chọn lọc và có sự khác biệt giữa 2 dòng. Dòng VP4 lúc trưởng thành, gà trống có màu lông đồng nhất là đỏ đốm đen và gà mái có màu lông nâu vàng, điểm các đốm đen ở cổ và cánh, đuôi có lông đen. Gà trống và mái đều có mào cờ màu đỏ tươi, chân và mỏ màu vàng. Dòng mái VP5 lúc trưởng thành, con trống cũng có màu lông đồng nhất là đỏ đốm đen, gà mái có màu lông nâu vàng điểm nhiều đốm đen ở cổ và sọc đen ở lưng, gà trống và mái đều có mào cờ màu đỏ tươi; chân, mỏ màu vàng. Ở cả 2 dòng VP4 và VP5 con trống và mái có rái tai màu phấn trắng. Khối lượng cơ thể 20 tuần tuổi của dòng mái VP4 đạt bình quân 1.955 gam đối với con trống và 1653 gam đối với con mái. Năng suất trứng 68 tuần tuổi của dòng VP4 đạt 185,73 quả/mái vượt 19,8% so với mục tiêu đề ra. Khối lượng trứng ở 37 - 38 tuần tuổi bình quân là 54,76 gam. Khối lượng cơ thể 20 tuần tuổi của dòng mái VP5 đạt bình quân 1.945 gam đối với con trống và 1.536 gam đối với con mái. Năng suất trứng 68 tuần tuổi đạt 186,82 quả/mái, vượt13,2% so với mục tiêu đề ra. Khối lượng trứng ở 37 - 38 tuần tuổi bình quân là 56, 58 gam. Qua kết quả khảo sát trứng của 2 dòng mái ở thời điểm 32 tuần tuổi cho thấy độ chịu lực của trứng đạt tương ứng 2,99; 3,39 kg/cm2 . Chỉ số hình dạng 1,30; 1,37, độ dày vỏ trứng 0,32; 0,36 mm. Như vậy trứng của các dòng có hình dạng khá cân đối. Tỷ lệ lòng đỏ tương ứng 27,63; 28,98%, tỷ lệ lòng trắng 59,51; 61,95%. Đơn vị Haugh tương ứng 79,21; 80,54 đạt tiêu chuẩn trứng ấp.
c) Tổ hợp lai thương phẩm 2 và 3 dòng giữa dòng trống VP3 với 2 dòng mái VP4 và VP5 đạt các chỉ tiêu năng suất tốt và ngoại hình đẹp. Khối lượng cơ thể 15 tuần tuổi của co lai VP345 và VP354 có đạt tương ứng 2.080gam đối với gà trống và 1.848 gam đối với gà mái và; 2.080 gam đối với gà trống 1.944 gam đối với gà mái và. Tiêu tốn thức ăn cho 01 tăng khối lượng cơ thể tương ứng là 3,42; 3,23 kg. Tổ hợp lai 2 dòng VP34 và VP35 có khối lượng cơ thể 15 tuần tuổi tương ứng 2.365 gam; 2471 đối với trống và 1.968gam, 1.993 gam đối với mái. Tiêu tốn thức ăn cho 01 kg tăng khối lượng cơ thể tương ứng là 3,0 kg và 3,17 kg.
d) Đã xác định được mức protein phù hợp cho 2 dòng mái VP3, VP4 ở các giai đoạn 0 - 8 tuần tuổi, 9 - 20 tuần tuổi và trên 20 tuần tuổi tương ứng là 20% - 15% - 19%. Trên đàn gà thịt thương phẩm cũng đã xác định được mức protein thích hợp cho các giai đoạn 0 - 4 tuần tuổi, 5 - 8 tuần tuổi và 9 - 16 tuần tuổi tương ứng là 20%; 17%; 16%.
đ) Trên cơ sở kết quả đạt được đề tài đã tổng hợp và hoàn thành được 03 quy trình, bao gồm: (1) Quy trình nhân giống 3 dòng gà lông màu thả vườn VP3, VP4 và VP5; (2) Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng gà sinh sản VP4, VP5; và (3) Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng gà thương phẩm VP34, VP35.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15256/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)