Nghiên cứu chọn tạo dòng lợn nái tổng hợp và lợn đực cuối cùng từ nguồn gen nhập nội có năng suất chất lượng cao phục vụ chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc
Cập nhật vào: Thứ năm - 09/01/2025 00:04 Cỡ chữ
Theo chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, tổng đàn lợn có mặt thường xuyên từ 29 - 30 triệu con, trong đó lợn nái từ 2,5 - 2,8 triệu con, đàn lợn được nuôi trang trại, công nghiệp chiếm 70%; sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5,0 - 5,5 triệu tấn (thịt lợn chiếm 63 - 65%), đến năm 2030 đạt từ 6,0 - 6,5 triệu tấn (thịt lợn chiếm 59 - 61%). Như vậy, để đảm bảo nâng cao sản lượng thịt lợn xuất chuồng trong khi tổng đàn lợn nái không tăng thì việc nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn giống luôn là mục tiêu hàng đầu của Nhà nước cũng như các nhà chăn nuôi. Các giống lợn năng suất cao được nhập về như Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain... đã cải thiện năng suất giống lợn trong nước. Các giống lợn này đã góp phần to lớn trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm chăn nuôi lợn ở nước ta. Tuy nhiên, các sản phẩm được nhập về có nhiều nhược điểm như giá thành cao, công tác vệ sinh phòng bệnh gặp nhiều khó khăn, việc thích nghi với điều kiện chăn nuôi tại Việt Nam còn hạn chế. Chính vì vậy, ngành chăn nuôi lợn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, kết quả chăn nuôi lợn của chúng ta chưa đủ sức cạnh tranh được so với các sản phẩm cùng loại ở thị trường khu vực và thế giới. Việc tạo được các dòng lợn nái ông bà, tổ hợp lợn nái bố mẹ và lợn đực cuối cùng có năng suất sinh sản, sinh trưởng cao để sản xuất lợn thương phẩm có khả năng sinh trưởng và tỷ lệ nạc cao, hệ số chuyển hóa thức ăn thấp và phù hợp với điều kiện Việt Nam là rất cần thiết.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn như trên, TS. Trịnh Hồng Sơn và các cộng sự tại Viện Chăn nuôi, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo dòng lợn nái tổng hợp và lợn đực cuối cùng từ nguồn gen nhập nội có năng suất, chất lượng cao phục vụ chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc” với mục tiêu có thể nghiên cứu chọn tạo được dòng lợn nái ông bà, tổ hợp lợn nái bố mẹ và lợn đực cuối cùng có năng suất sinh sản, sinh trưởng cao từ nguồn gen của Pháp, Mỹ và Canada để sản xuất lợn thương phẩm có khả năng sinh trưởng và tỷ lệ nạc cao, hệ số chuyển hóa thức ăn thấp phục vụ chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã hoàn thành được tất cả các nội dung, đúng tiến độ theo thuyết minh đã được phê duyệt. Các sản phẩm của đề tài được thực hiện đầy đủ với chất lượng tốt. Cụ thể như sau:
1. Đề tài đã chọn tạo được 02 dòng lợn ông bà có năng suất cao và ổn định (các chỉ tiêu chọn lọc có hệ số biến động thấp Cv<10%), đạt yêu mục tiêu đề tài và đã được công nhận là TBKT tại Quyết định số 241/QĐ-CN-GVN ngày 30/11/2021 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Năng suất 02 dòng lợn ông bà như sau:
+ Dòng lợn ông bà thứ nhất (dòng LVN): Lợn nái gồm 60 con có tuổi đạt khối lượng 100 kg đạt 147,92 ngày (từ 137,9 đến 153,3 ngày); tỉ lệ nạc đạt 60,32% (từ 59,7 đến 61,2%) và số con cai sữa/nái/năm trung bình đạt 28,24 con (từ 27,1 đến 30,9 con). Lợn đực gồm 10 con có tuổi đạt khối lượng 100 kg đạt 144,31 ngày (từ 139,8 đến 148,6 ngày); tỉ lệ nạc đạt 60,63% (từ 60,0 đến 61,1%); tiêu tốn thức ăn đạt 2,46 kgTA/kgTKL (từ 2,45 đến 2,47 kgTA/kgTKL).
+ Dòng lợn ông bà thứ hai (dòng YVN): Lợn nái gồm 60 con có tuổi đạt khối lượng 100 kg đạt 148,16 ngày (từ 142,4 đến 152,8 ngày); tỉ lệ nạc đạt 60,13% (từ 59,1 đến 61,3%) và số con cai sữa/nái/năm trung bình đạt 28,49 con (từ 27,1 đến 31,9 con). Lợn đực gồm 10 con có tuổi đạt khối lượng 100 kg đạt 144,78 ngày (từ 142,0 đến 147,7 ngày); tỉ lệ nạc đạt 60,77% (từ 60,0 đến 61,4%); tiêu tốn thức ăn đạt 2,46 kgTA/kgTKL (từ 2,44 đến 2,48 kgTA/kgTKL).
2. Đề tài đã tạo được 02 tổ hợp lợn bố mẹ PS1, PS2 có khả năng sinh trưởng, năng suất sinh sản cao và các chỉ tiêu chọn lọc ổn định với hệ số biến động thấp Cv<10%, kết quả đạt mục tiêu của đề tài, cụ thể như sau:
+ Về khả năng sinh trưởng: Lợn PS1 gồm 180 con có tuổi đạt 100 kg là 148,10 ngày; Tỷ lệ nạc là 60,67% và tiêu tốn thức ăn là 2,47 kgTA/kgTKL. Lợn PS2 gồm 180 con có tuổi đạt 100 kg là 148,22 ngày; Tỷ lệ nạc là 60,57% và tiêu tốn thức ăn là 2,48 kgTA/kgTKL.
+ Về năng suất sinh sản: Lợn nái PS1, PS2 khi phối với lợn đực DVN1, DVN2, PiDu đều có năng suất sinh sản tốt. Cụ thể: Lợn nái PS1 khi phối với lợn đực DVN1, DVN2, PiDu có số con cai sữa/nái/năm lần lượt là 28,0; 28,09 và 27,42 con. Lợn nái PS2 khi phối với lợn đực DVN1, DVN2, PiDu có số con cai sữa/nái/năm lần lượt là 28,27; 28,44 và 27,37 con. Hai dòng lợn nái bố mẹ PS1, PS2 đã được công nhận là TBKT tại Quyết định số 241/QĐ-CN-GVN ngày 30/11/2021 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi.
3. Đề tài đã chọn tạo được 02 dòng đực cuối cùng có năng suất cao và ổn định (các chỉ tiêu chọn lọc có hệ số biến động thấp Cv<10%), đạt yêu mục tiêu đề tài và đã được công nhận là TBKT tại Quyết định số 241/QĐ-CN-GVN ngày 30/11/2021 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Năng suất 02 dòng lợn đực cuối cùng như sau:
+ Dòng đực cuối cùng thứ nhất (dòng DVN1): Lợn nái gồm 50 con có tuổi đạt khối lượng 100 kg đạt 138,78 ngày (từ 131,4 đến 143,4 ngày); Tỉ lệ nạc đạt 62,48% (từ 62,1 đến 63,1%); tỉ lệ mỡ giắt đạt 3,19% (từ 3,0 đến 3,5%). Lợn đực gồm 10 con có tuổi đạt khối lượng 100 kg đạt 134,37 ngày (từ 131,1 đến 137,1 ngày); Tỉ lệ nạc đạt 63,11% (từ 62,6 đến 63,7%); tỉ lệ mỡ giắt đạt 2,89% (từ 2,7 đến 3,4%); tiêu tốn thức ăn đạt 2,43 kgTA/kgTKL (từ 2,40 đến 2,45 kgTA/kgTKL).
+ Dòng đực cuối cùng thứ hai (dòng DVN2): Lợn nái gồm 50 con có tuổi đạt khối lượng 100 kg đạt 139,36 ngày (từ 133,0 đến 143,0 ngày); Tỉ lệ nạc đạt 62,14% (từ 62,1 đến 62,9%); tỉ lệ mỡ giắt đạt 3,26% (từ 3,0 đến 3,5%). Lợn đực gồm 10 con có tuổi đạt khối lượng 100 kg đạt 134,11 ngày (từ 131,5 đến 136,8 ngày); Tỉ lệ nạc đạt 62,87% (từ 62,6 đến 63,5%); tỉ lệ mỡ giắt đạt 3,08% (từ 2,7 đến 3,5%); tiêu tốn thức ăn đạt 2,44 kgTA/kgTKL (từ 2,41 đến 2,48 kgTA/kgTKL).
4. Các tổ hợp lợn thương phẩm TP1, TP2, TP3, TP4, TP5, TP6 do đề tài tạo ra đều có khả năng sinh trưởng tốt, đạt mục tiêu đề tài. Cụ thể:
Lợn TP1, TP2, TP3, TP4, TP5, TP6 có tuổi đạt 100 kg lần lượt là 146,09; 146,55; 146,58; 147,10; 148,36 và 148,52 ngày. Tỷ lệ nạc đạt lần lượt là 61,60; 61,57; 61,47; 61,31; 61,71 và 61,60%. Tiêu tốn thức ăn/ kg tăng khối lượng lần lượt là 2,34; 2,29; 2,34; 2,33; 2,36 và 2,37 kg. Các tổ hợp lợn thương phẩm TP1, TP2, TP3, TP4 đã được công nhận là TBKT tại Quyết định số 241/QĐ-CN-GVN ngày 30/11/2021 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi
5. Đề tài đã xác định chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sản xuất của các dòng lợn ông bà, bố mẹ, đực cuối cùng và lợn thương phẩm được tạo ra. Cụ thể như sau:
+ Lợn ông bà: Sử dụng khẩu phần có tỷ lệ LysTH/ME trong khẩu phần ăn của lợn cái ông bà giai đoạn hậu bị với 2,06 g/Mcal ở giai đoạn 50-80kg và 1,60 g/Mcal ở giai đoạn 80kg đến phối giống lần đầu; giai đoạn mang thai là 1,53g/Mcal; giai đoạn nuôi con là 2,28 g/Mcal.
+ Lợn bố mẹ: Sử dụng khẩu phần có tỷ lệ LysTH/ME thích hợp cho lợn bố mẹ giai đoạn lợn cái hậu bị từ 50 đến 80 kg là 2,17g/Mcal; giai đoạn từ 80 kg đến phối giống lần đầu là 1,68g/Mcal; giai đoạn mang thai là 1,53g/Mcal; giai đoạn nuôi con là 2,17g/Mcal.
+ Lợn đực cuối cùng: Sử dụng khẩu phần ăn có tỷ lệ LysTH/ME cho lợn đực trong thời kỳ khai thác tinh là 1,93g/Mcal.
+ Lợn thương phẩm: Tỷ lệ LysTH/ME thích hợp trong khẩu phần ăn của lợn là 2,90 g/Mcal ở giai đoạn 20-50kg và 2,50 g/Mcal ở giai đoạn 50kg-xuất chuồng.
6. Đề tài đã hoàn thành xây dựng các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh phòng bệnh cho các dòng lợn ông bà, bố mẹ, đực cuối cùng và lợn thương phẩm được tạo ra. Các quy trình ngắn gọn, rõ ràng, thể hiện đầy đủ các yêu cầu về chuồng trại, trang thiết bị, thức ăn, nước uống, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, th y cho đàn lợn. Các quy trình đã giúp đàn lợn phát huy được tiềm năng cao về năng suất.
Từ các kết quả thu được, đề tài kiến nghị sử dụng các dòng lợn đề tài tạo ra gồm 02 dòng lợn nái (LVN, YVN), 02 tổ hợp lợn thương phẩm (PS1, PS2), 02 dòng lợn đực cuối cùng (DVN1, DVN2) và con lai thương phẩm giữa lợn đực cuối cùng và lợn bố mẹ để chuyển giao vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả trong chăn nuôi lợn ở Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20491/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)