Nghiên cứu chọn tạo giống chuối có năng suất cao, chất lượng tốt chống chịu bệnh héo vàng (Fusarium oxysporum) phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở các tỉnh phía Bắc
Cập nhật vào: Thứ sáu - 11/11/2022 01:05 Cỡ chữ
Việt Nam là nước nằm trong trung tâm phát triển cây chuối với nguồn gene phong phú trong đó có nhiều giống tốt như: Chuối tiêu Phú Thọ, tiêu hồng, chuối già hương, chuối Laba… Mặc dù vậy, năng suất chuối nước ta còn rất thấp so với nhiều nước trồng chuối xuất khẩu trên thế giới, công trình nghiên cứu về chuối còn ít và chỉ tập trung chủ yếu vào thu thập và đánh giá nguồn gen, một số biện pháp kỹ thuật canh tác như: phân bón, mật độ, phòng trừ dịch hại và nhân giống cho chuối tiêu.
Các giống chuối trồng trong sản xuất hiện nay chủ yếu là các giống tuyển chọn trong tự nhiên, tập trung chủ yếu vào giống chuối tiêu. Công tác nghiên cứu tuyển chọn giống chuối còn chưa được quan tâm đúng mức cũng là một trong những nguyên nhân gây nên chất lượng chuối chưa đồng đều, phẩm chất chưa tốt. Công tác tạo giống chuối, đặc biệt tạo các giống chống chịu với những điều kiện bất thuận của thời tiết, chống chịu sâu bệnh trong đó có bệnh héo vàng FOC gây chết hàng loạt trên chuối chưa được tiến hành. Đây là bước đi còn chậm trong công tác nghiên cứu về chọn tạo giống chuối so với các nước trên thế giới khi mà sản lượng chuối trong nước ngày càng chiếm số lượng lớn với mục đích đa dụng trong sử dụng (ăn tươi, sản xuất tinh bột, lấy thân lá…). Ở nước ta, chưa có số liệu thống kê chi tiết về bệnh héo vàng FOC, nhưng bệnh đã gây hại ở nhiều vùng trồng chuối trên cả chuối tây và chuối tiêu. Nấm gây bệnh tồn tại lâu dài trong đất, xâm nhập vào hệ thống rễ, thân ngầm, thân giả, hủy hoại hệ thống mạch dẫn làm cây héo vàng. Triệu chứng bệnh thể hiện rõ nhất ở giai đoạn cây ra hoa, tạo buồng, cây bị bệnh có thể không cho thu hoạch. Tỷ lệ bệnh cao nhất lên đến 32,2%. Việc phòng trừ bệnh bằng thuốc hóa học hầu như không có hiệu quả và làm tăng chi phí cho sản xuất.
Kế thừa các kết quả nghiên cứu ngoài nước, việc chọn tạo giống chuối mới, năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh héo vàng FOC từ biến dị soma trong quá trình nuôi cấy mô tế bào và gây đột biến vật lý (sử dụng tia phóng xạ gamma) là rất cần thiết và là hướng đi mới hứa hẹn thu được kết quả khả quan nếu được tiến hành một cách khoa học và bài bản. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống chuối bằng phương pháp nuôi cấy mô đã tương đối hoàn thiệu trên giống chuối tiêu, hàng năm sản xuất hàng triệu cây con đồng đều về chất lượng cung cấp cho sản xuất. Tuy vậy, việc nghiên cứu quy trình nhân giống chuối tây chưa được tiến hành mặc dù yêu cầu của sản xuất đòi hỏi rất cấp thiết. Các biện pháp kỹ thuật thâm canh trên giống chuối tiêu đã được tiến hành như: xác định như thời vụ trồng, số lượng và thời điểm để chồi, kỹ thuật thâm canh chuối thu hoạch vụ đông, kỹ thuật chống đổ ngã, phòng trừ sâu bệnh... Song việc áp dụng các kỹ thuật này còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ vì vậy chưa có những mô hình tập trung tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn và đồng đều về chất lượng. Để có được quy trình thâm canh các giống chuối tiêu và giống chuối tây mới được tuyển chọn, cần có các nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật cho giống chuối tiêu, nghiên cứu mới từ thiết kế vườn trồng, mật độ, phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại, sử dụng phân bón và các chế phẩm kích thích và điều hòa sinh trưởng… cho giống chuối tây để nâng cao năng suất, chất lượng các giống chuối và từng bước tạo sản phẩm chuối an toàn cho người sử dụng.
Xuất phát từ những vấn đề trên, nhóm nghiên cứu Viện nghiên cứu rau quả Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam do TS. Nguyễn Văn Dũng chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống chuối có năng suất cao, chất lượng tốt chống chịu bệnh héo vàng (Fusarium oxysporum) phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở các tỉnh phía Bắc” nhằm chọn tạo được giống chuối có năng suất cao, chất lượng quả tốt và có khả năng chống chịu được bệnh héo vàng Fusarium oxysporum (FOC) trồng thích hợp ở các tỉnh phía Bắc.
Đề tài được thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2019 với các kết quả chính đã đạt được của đề tài như sau:
1. Điều tra thu thập được 6 giống chuối: Tiêu hồng, Quảng Nam, Lào Cai và chuối Tây Hưng Yên, Quảng Trị, Thái Lan đều sinh trưởng khoẻ, ít sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt và có vị ngọt thơm. Tuyển chọn được giống chuối tây GL3-2 có tính chống chịu với bệnh héo vàng Fusarium oxysprum ở mức độ trung bình, tỷ lệ nhiễm bệnh sau 35 ngày lây bệnh nhân tạo là 28,0%, trong khi giống đối chứng là tây Hưng Yên có tỷ lệ nhiễm cao 72,0%, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống cho sản xuất thử.
2. Đã xác định được bao buồng quả chuối tiêu GL3-5 và chuối tây GL3-2 bằng túi nilon mầu trắng, dày 0,03 mm; lượng phân bón cho chuối tây GL3-2; cho chuối tiêu GL3-5: 260N: 65 P2 O5: 520 K2 O g/cây; thời vụ trồng chuối tây vào tháng 12; mật độ trồng chuối tây 2.066 cây/ha là thích hợp nhất giúp tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
3. Đã xây dựng mô hình trồng thử nghiệm giống chuối tiêu tuyển chọn GL3-5, quy mô 3 ha tại 3 tỉnh Hưng Yên, Lào Cai, Quảng Trị đạt năng suất 45,3 - 48,0 tấn/ha, tăng 15,9 - 25,6% so với đại trà. Trong 2 năm 2018, 2019 chỉ vườn xây dựng mô hình không bị nhiễm bệnh héo vàng, trong khi vườn đối chứng là: 13,1 - 21,4%. Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm giống chuối tây tuyển chọn GL3- 2, quy mô 3 ha tại 3 tỉnh Hưng Yên, Phú Thọ, Quảng Trị. Năm 2018, đạt năng suất 40,2 - 42,5 tấn/ha, tăng 13,3 - 23,9% so với đại trà. Tỷ lệ nhiễm bênh héo vàng trong 2 năm 2018, 2019 chỉ ở mức: 3,4 - 7,0%, trong khi đối chứng là: 4,3 - 26,3%.
4. Hoàn thiện quy trình nhân invitro giống chuối tây công nhận cấp cơ sở: Mẫu chồi giống chuối tây nuôi cấy mô là loại chồi nhỏ, chưa xuất hiện lá. Bổ sung vào môi trường khởi động mẫu PVP ở nồng độ 100 mg/l sẽ giảm hiện tượng hóa nâu, tăng tỷ lệ sống và hệ số nhân; Sử dụng Thidiazuron ở nồng độ 0,2 mg/l môi trường sẽ nâng cao hệ số nhân và chất lượng chồi chuối tây ở giai đoạn nhân nhanh; Sử dụng bầu ra ngôi bằng đất phù sa có bổ sung xơ dừa theo tỉ lệ 1:1(2) theo thể tích và tưới phân NPK (30-10-10) cây sẽ sinh trưởng tốt.
5. Tạo được giống chuối tiêu GL3-5 bằng biến dị soma từ giống chuối Williams, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống sản xuất thử. Giống chuối GL3-5 có chiều cao cây đạt 2,4 - 2,5m, 8 - 9 nải/buồng, quả dài 18 - 20cm, 21 - 25kg/buồng, độ đồng đều cao và đạt năng suất trên 45 tấn/ha. Đặc biệt, tỉ lệ nhiễm bệnh héo vàng thấp (dưới 14,6%), dạng quả đẹp. Giống chuối tiêu GL3-5 có khả năng phát triển tại vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.
Nhóm đề tài kiến nghị sử dụng giống chuối tây GL3-2, giống chuối tiêu GL 3-5 là giống sản xuất thử tại vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Ứng dụng quy trình trồng, chăm sóc hai giống chuối tây GL3-2 và giống chuối tiêu GL3-5 vào sản xuất. Ứng dụng quy trình nhân giống chuối tây invitro trong sản xuất cây giống chuối tây. Tiếp tục trồng và đánh giá giống chuối GL3-5 tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Trung du miền núi phía Bắc, đặc biệt khu vực bệnh héo vàng xuất hiện; Chọn lọc, đánh giá 2 dòng chuối tiêu số 7 (Ca-F-07) và FOC (Ca-F-18) chống chịu bệnh héo.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17575/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)