Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất xây dựng mô hình kinh tế xanh cấp xã lưu vực sông Lam
Cập nhật vào: Thứ sáu - 23/08/2024 00:11 Cỡ chữ
Thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH), cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH) là những vấn đề lớn mang tính toàn cầu, đã và đang làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI; là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc khủng hoảng về khí hậu, ĐDSH, nhiên liệu, thực phẩm, nước và khủng hoảng hệ thống tài chính, mất an ninh lương thực… Sự xuất hiện của các cuộc khủng hoảng trong một vài thập kỷ qua là những bằng chứng chứng minh rõ ràng hơn về những thách thức đó. Hướng đến nền kinh tế xanh là hướng tiếp cận được phát triển trong nửa sau thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 được nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ các nước đang hướng tới như một động lực mới cho phát triển bền vững (PTBV), góp phần loại trừ dần cách tiếp cận kinh tế nâu trước đây.
Lưu vực sông (LVS) là vùng đất mà trong phạm vi đó nước mặt, nước dưới đất chảy tự nhiên vào sông và thoát ra một cửa chung hoặc thoát ra biển (Luật tài nguyên nước, 2012). LVS gồm có LVS liên tỉnh và LVS nội tỉnh. Các yếu tố cơ bản cấu thành cuộc sống là nước, năng lượng, nông nghiệp, sức khỏe và ĐDSH, có quan hệ mật thiết với nhau, đều gắn chặt với dòng sông. Mỗi một LVS sẽ chứa đựng các đặc trưng riêng về tự nhiên (khí hậu, đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên), hệ sinh thái, đặc trưng về dân cư và các dân tộc, về các giá trị văn hóa, về mối liên kết và các hoạt động kinh tế trên lưu vực với hệ tự nhiên… Mỗi dòng sông luôn là khởi điểm, là yếu tố nền cho các hoạt động phát triển vùng đồng thời cho nhiều hoạt động phát triển ngành như: nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch… và phát triển các tiểu vùng, các địa phương trong vùng lãnh thổ đó. Khai thác, phát huy các giá trị và chức năng của các dòng sông sẽ đóng góp rất lớn sự phát triển bền vững của các địa phương, vùng lãnh thổ, mỗi quốc gia. Xuất phát từ các đặc thù của mỗi LVS, các ý nghĩa của kinh tế xanh trong bối cảnh hiện nay - bối cảnh của các khủng hoảng, xung đột, BĐKH và các nguy cơ về an ninh lương thực, an ninh năng lượng… thì việc tích hợp sáng kiến “kinh tế xanh” để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế xanh LVS không chỉ phù hợp với xu hướng chung của thế giới mà còn góp phần rất lớn nhằm đạt được cùng một lúc nhiều mục tiêu của PTBV, giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra về nhu cầu chính sách cũng như thực tiễn hiện nay. Trên cơ sở tích hợp các đặc trưng của lưu vực với các kiến thức và công nghệ xanh, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sẽ được thiết kế nhằm phát huy tối ưu các mục tiêu hướng đến về kinh tế, xã hội, môi trường và ứng phó với BĐKH cho mỗi tiểu lưu vực và toàn lưu vực, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu của kinh tế xanh và đồng thời phát huy được các giá trị và đặc trưng của mỗi LVS, chất lượng của các mục tiêu PTBV sẽ được nâng cao.
Xuất phát từ những nhận định ở trên, TS. Lại Văn Mạnh cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất xây dựng mô hình kinh tế xanh cấp xã lưu vực sông Lam” với mục tiêu cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất được các mô hình kinh tế xanh ở lưu vực sông Lam, xây dựng và trình diễn một số mô hình kinh tế xanh đặc thù cấp xã, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp phát triển và nhận rộng các mô hình kinh tế xanh cho các LVS ở Việt Nam.
Thông qua việc áp dụng cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu đã chọn, đề tài đã đạt được những kết quả nổi bật sau:
Thứ nhất, đề tài đã tổng quan tài liệu nghiên cứu, đề ra phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục tiêu, nội dung thuyết minh được phê duyệt. Qua đó cho thấy kinh tế xanh là chủ đề đã được nghiên cứu và công bố bởi nhiều học giả trong nước và quốc tế nhưng nghiên cứu về các mô hình kinh tế xanh cấp xã LVS nói chung và sông Lam nói riêng vẫn có tính mới. Các cách tiếp cận chủ yếu được sử dụng trong đề tài gồm: (i) tiếp cận hệ thống; (ii) tiếp cận vốn xã hội chung; (iii) tiếp cận dựa vào thị trường; (iv) tiếp cận dựa vào nội lực của cộng đồng; (v) tiếp cận dựa vào hệ sinh thái; (vi) tiếp cận có sự tham gia, tiếp cận kết hợp từ trên xuống và từ dưới lên, tiếp cận tổng hợp liên ngành, liên vùng, liên nhà. Hệ thống các phương pháp kỹ thuật được đề tài sử dụng đảm bảo tính khoa học, có sự tin cậy và góp phần thực hiện đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ và mục tiêu đã được phê duyệt, đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thứ hai, thông qua quá trình nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lý luận và kinh nghiệm quốc tế về phát triển các mô hình kinh tế xanh cấp xã LVS, áo cáo tổng hợp Chương 2 đã trình bày những nội dung chính về “Cơ sở khoa học, thực tiễn về các mô hình kinh tế xanh, lựa chọn tiêu chí nhận diện, đánh giá mô hình kinh tế xanh cấp xã LVS” cụ thể như sau: (i) đề tài đã cho thấy phát triển theo hướng xanh đang được nhiều quốc gia, tổ chức hướng đến và khái niệm được sử dụng phổ biến và công nhận rộng rãi là do Chương trình môi trường liên hợp quốc phát triển. Theo đó, “nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”; (ii) thông qua hệ thống hóa các luận cứ khoa học, kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi sang kinh tế xanh theo cách tiếp cận không gian của LVS, nghiên cứu đã chứng minh LVS không bị giới hạn bởi địa giới hành chính; LVS được xem là vùng địa lý mà trong phạm vi đó, nước mặt, nước dưới đất chảy tự nhiên vào sông và tương tác với các tài nguyên liên quan và với con người. LVS có tính chất đa chức năng và giá trị vô cùng quan trọng với tự nhiên và sự phát triển của xã hội con người. Chính vì vậy, với quan điểm kinh tế xanh dựa vào vốn tự nhiên làm nền tảng, mục tiêu hướng đến thì tiếp cận để chuyển đổi kinh tế xanh theo không gian LVS là cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả; (iii) Nghiên cứu đã xây dựng định nghĩa về mô hình kinh tế xanh cấp xã LVS “là mô hình hướng tiếp cận phát triển ở cấp cơ sở nhỏ nhất gắn với các đặc trưng về quản lý hành chính ở cấp xã của Việt Nam trên cơ sở cân nhắc đầy đủ các điều kiện tự nhiên, con người và áp dụng các thành tựu tiến bộ của khoa học kỹ thuật để bố trí, lựa chọn không gian sản xuất, sinh sống, phương thức quản lý, điều hành phù hợp nhằm góp phần cải thiện đời sống người dân, giảm thiểu rủi ro sinh thái, ứng phó với BĐKH và giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường trên địa bàn xã và trên toàn LVS; (iv) đề tài đã đề xuất phương pháp, tiêu chí nhận diện, đánh giá các mô hình kinh tế xanh cấp xã LVS.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20012/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)