Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất các giải pháp bảo tồn tại chỗ, chuyển chỗ một số loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu ở Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu
Cập nhật vào: Thứ sáu - 17/11/2023 12:03 Cỡ chữ
Việt Nam được biết đến là một quốc gia có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài đặc hữu do trải dài trên nhiều vĩ độ, có nhiều kiểu hình hệ sinh thái và địa hình chia cắt. Đa dạng sinh học trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đang đứng trước nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng, các nguyên nhân chính là do khai thác quá mức, mất và suy thoái sinh cảnh sống, ảnh hưởng của loài ngoại lai, ô nhiễm môi trường và bệnh dịch. Gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) được coi là một trong những nguyên nhân chính gây suy thoái đa dạng sinh học.
Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, tác động của BĐKH tới các loài sinh vật đã được chứng minh một cách định lượng nhờ hệ thống theo dõi và giám sát đa dạng sinh học được vận hành từ nhiều thập kỷ trước đây. Biến đổi khí hậu đã và sẽ làm thay đổi các điều kiện sinh thái của các loài nguy cấp, quý hiếm, do vậy ảnh hưởng đến tình trạng quần thể và sự tồn tại của các loài. Các loài động vật có biên độ sinh thái hẹp sẽ chịu ảnh hưởng lớn, kích thước quần thể suy giảm, mất cân bằng giới tính có thể xảy đối với các loài có tỉ lệ giới tính phụ thuộc vào nhiệt độ ấp trứng. Ở phạm vi rộng lớn hơn, hệ sinh thái hay quần xã cũng có sự thay đổi về nhóm loài ưu thế, sự xáo trộn phân bố của các loài có thể là nguyên nhân gây tuyệt chủng hàng loạt không kịp thích ứng với sự biến đổi của môi trường. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn các loài nguy cấp quý, hiếm và đặc hữu trong bối cảnh mới đang trở lên rất cấp thiết.
Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH. Một nước nhiệt đới như Việt Nam lại có nhiều loài đặc hữu, kích thước quần thể nhỏ, có vùng phân bố và biên độ sinh thái hẹp thì ảnh hưởng của BĐKH tới đa dạng sinh học sẽ càng nặng nề hơn. Tuy nhiên, chúng ta chưa có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh BĐKH. Mặc dù hệ thống Khu bảo tồn và Vườn quốc gia với diện tích trên 2.2 triệu ha đã được thiết lập. Tuy nhiên, quần thể của các loài nguy cấp, quý, hiếm tiếp tục thuy thoái cả ở bên trong và bên ngoài ranh giới các Khu bảo tồn. Thậm chí một số loài đã bị tuyệt chủng như Tê giác một sừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên, hoặc không được ghi nhận trong một thời gian dài như Gà lôi lam mào trắng ở khu vực miền Trung.
Trong bối cảnh BĐKH, quần thể của các loài nguy cấp, quý hiếm sẽ bị suy giảm mạnh, do vậy yêu cầu về bảo tồn chúng theo hình thức bảo tồn tại chỗ 2 (nguyên vị) đang trở nên rất cấp thiết. Để nâng cao hiệu quả bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm này trong bối cảnh mới, cần có các giải pháp về khoa học, công nghệ, về công tác tổ chức và tài chính ở các khu bảo tồn (KBT) và vườn quốc gia (VQG).
Đứng trước yêu cầu thực tiễn về bảo tồn và đáp ứng nhu cầu phát triển, rất cần có những nghiên cứu một cách hệ thống trên diện rộng để thu thập số liệu, thông tin cập nhật về đa dạng sinh học, đồng thời đưa ra các giải pháp về chính sách, kỹ thuật và tài chính để bảo tồn tài nguyên sinh vật của Việt Nam trong bối cảnh BĐKH thông qua hình thức bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ.
Trong bối cảnh áp lực lên đa dạng sinh học do biến đổi khí hậu ngày càng tăng, việc nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ trở lên rất cấp thiết. Đối với hoạt động bảo tồn ngoại vi, việc thiếu các quy định liên quan tới điều kiện của các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, các quy trình gây nuôi, cứu hộ và tái thả động vật hoang dã đã hạn chế hiệu quả của công tác bảo tồn ngoại vi, ví dụ hoạt động cấp phép, kiểm tra và thanh tra cho các cơ sở bảo tồn đa 3 dạng sinh học và gây nuôi động vật hoang dã. Do vậy, việc xây dựng các cơ sở khoa học để đề xuất cách chính sách và giải pháp, các văn bản pháp luật liên quan tới vấn đề này là rất cấp thiết.
Xuất phát từ thực tiễn trên TS. Nguyễn Đắc Mạnh và nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Lâm nghiệp đã thực hiện hực hiện “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất các giải pháp bảo tồn tại chỗ, chuyển chỗ một số loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu ở Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu” với mục tiêu: Đánh giá thực trạng bảo tồn tại chỗ, chuyển chỗ một số loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu ở Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu; Xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn, cơ sở dữ liệu nhằm đề xuất các giải pháp bảo tồn tại chỗ, chuyển chỗ một số loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu ở Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu; Hỗ trợ hiệu quả hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và thực thi Luật Đa dạng sinh học thông qua việc tăng cường công tác bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ các loài nguy cấp, quý, hiếm và đặc hữu tại Việt Nam; Đề xuất giải pháp bảo tồn tại chỗ, chuyển chỗ một số loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu ở Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu.
Tổng số 51 loài thú đã được đánh giá về mức độ tổn thương. Trong số này, có 18 loài được xác định có mức độ tổn thương cao, trong đó cao nhất là nhóm linh trưởng. Trong số 20 loài linh trưởng được lựa chọn để đánh giá thì có đến 11 loài có mức độ tổn thương cao, 4 loài có mức độ tổn thương trung bình và chỉ có 5 loài có mức độ tổn thương thấp. Các loài có tổng điểm cao nhất là Voọc xám, Voọc mông trắng, Voọc mũi hếch, Voọc đen má trắng. Đặc biệt, Voọc xám là loài có mức độ tổn thương cao nhất do khả năng thích ứng thấp, các yếu tố khi hậu trong vùng phân bố của chúng biến động mạnh và mức độ nhạy cảm cao.
Mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu được đánh giá cho 50 loài chim. Trong số này có 16 loài được xếp ở mức độ tổn thương cao, trong đó cao nhất là loài Vạc hoa, Quắm lớn, Ô tác, Quắm cánh xanh, Gà lôi lam mào trắng, Niệc cổ hung, Trĩ sao.... Cơ bản các loài được đánh giá có mức độ tổn thương cao đều phân bố ở các khu vực mà trong tương lai các yếu tố nhiệt độ và lượng mưa thay đổi lớn.
Mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu được đánh giá cho 21 loài bò sát. Trong số này có 8 loài được xếp ở mức độ tổn thương cao. Các loài có mức độ tổn thương cao chủ yếu rơi vào nhóm các loài rùa. Đây là nhóm động vật vừa có mức độ nhạy cảm cao vừa có khả năng thích ứng thấp. Các loài thuộc nhóm rùa thường có vòng đời dài nên khó có khả năng tiến hóa để thích ứng với sự biến động của các yếu tố môi trường, cụ thể là điều kiện khí hậu. Ngoài ra, đây là nhóm loài không có khả năng di chuyển tốt nên khó có thể di cư tới các khu vực 13 có điều kiện khí hậu phù hợp hơn trong tương lai.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Các hoạt động trực tiếp liên quan tới bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu ứng phó với biến đổi khí hậu rất hạn chế. Chỉ có một vài nghiên cứu hoặc hoạt động đề cập tới mối liên hệ giữa tài nguyên rừng và biến đổi khí hậu được thực hiện.
- Đề tài xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá mức độ tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới các loài động vật và xác định được danh sách các loài thú, chim, bò sát, ếch nhái và thực vật dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
- Đề tài xây dựng được cơ sở dữ liệu cho 98 loài động vật và 28 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu. Các dữ liệu này đã được nhập vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia
- Đề tài mô hình hóa và xây dựng bộ bản đồ phân bố cho 10 loài động vật và 10 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu được ưu tiên bảo vệ tại Việt Nam dưới sức ép của biến đổi khí hậu.
- Đề tài biên soạn 1 bản dự thảo điều kiện nuôi trồng, các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và hướng dẫn kỹ thuật cứu hộ, tái thả và chuyển chỗ cho 04 nhóm loài động vật hoang dã.
- Đề tài đề xuất được 11 giải pháp bảo tồn tại chỗ các loài nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
- Đề tài xây dựng được 4 mô hình bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ cho loài Hoàng liên gai lá dài và loài Cá cóc tam đảo.
- Đề tài biên soạn được 1 sách chuyên khảo “Bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm và đặc hữu trong cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam” và Atlat “Các loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu ở Việt Nam”.
- Đề tài đề xuất 5 nhóm giải pháp chính và 17 hoạt động cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn chuyển chỗ cho một số loài nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18843/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)