Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng khung chuẩn trao đổi thông tin số quốc gia
Cập nhật vào: Thứ hai - 01/03/2021 21:17 Cỡ chữ
Để có thể thành công trong việc xây dựng xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức thì việc quy hoạch, phát triển hạ tầng thông tin là cần thiết, cho phép hạ tầng thông tin hoạt động có hiệu quả là trao đổi dữ liệu/thông tin số. Trong các cách tiếp cận xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia thì cách tiếp cận trước hết quy hoạch và xây dựng tiêu chuẩn rồi phát triển theo nhu cầu của quốc gia, lĩnh vực thường được ưu tiên vì đảm bảo tính thống nhất nhưng vẫn kinh tế.
Trong các tiêu chuẩn cần xây dựng sớm thì chuẩn trao đổi dữ liệu/thông tin số là quan trọng. Đây chính là lý do TS. Nguyễn Việt Hải cùng các cộng sự tại Viện Khoa học Công nghệ VINASA thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng khung chuẩn trao đổi thông tin số quốc gia”. Thời gian thực hiện kéo dài từ năm 2015 đến năm 2018.
Đề tài nhằm từng bước tiếp cận chuẩn thông tin thế giới, tiến tới đảm bảo thông tin có thể kết nối, trao đổi thông suốt trong phạm vi quốc gia giữa các cấp, các ngành và các lĩnh vực; quy hoạch và xây dựng hệ thống chuẩn hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại, đồng bộ thống nhất, có thể kết nối, trao đổi thuận tiện trong nước và với quốc tế.
Sản phẩm chính của đề tài là khung chuẩn trao đổi thông tin số và áp dụng khung để xây dựng dự thảo tiêu chuẩn trao đổi thông tin số cho bảy lĩnh vực, nhưng để hình thành cơ sở khoa học cho cả việc quy hoạch hạ tầng thông tin quốc gia thì kết quả nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực trao đổi thông tin số và thực tế tại Việt Nam được đúc kết lại trong khung hạ tầng thông tin quốc gia như một kết quả. Hơn nữa, kinh nghiệm áp dụng khung chuẩn trao đổi thông tin số cho các lĩnh vực cũng cho phép đề xuất mô hình xây dựng tiêu chuẩn kết hợp giữa cách tiếp cận nhà nước là chính với việc xã hội hóa nhằm khuyến khích các hiệp hội cũng như các chuyên gia tham gia vào công việc này.
Khung chuẩn trao đổi thông tin số được áp dụng thử nghiệm vào bảy lĩnh vực khác nhau đã cho thấy hiệu quả của cách tiếp cận cũng như các lợi ích mang lại. Việc có thể nhanh chóng xây dựng tiêu chuẩn trao đổi dữ liệu cho từng lĩnh vực cùng chuyển giao kinh nghiệm triển khai xây dựng sẽ giúp nhanh chóng hình thành các tiêu chuẩn cùng giải pháp kỹ thuật cụ thể để trao đổi dữ liệu. Đồng thời, việc sử dụng khung chuẩn cùng các quy tắc đặc thủ hóa cho phép vừa đáp ứng nhu cầu thực tế, vừa đảm bảo tính nhất quán khi hòa vào hệ thống trao đổi thông tin số toàn quốc gia mà không cần làm lại. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng dự thảo TCVN về trao đổi thông tin số phải đảm bảo: tính mở và minh bạch; tính đồng thuận; cân bằng các đại diện
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15400 tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)