Nghiên cứu cơ sở khoa học về các cơ chế tự nguyện, linh hoạt về môi trường nhằm thực thi những cam kết môi trường trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Cập nhật vào: Thứ sáu - 06/01/2023 12:01
Cỡ chữ
Đứng trước xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu, Việt Nam đã sớm nhận thức được những lợi ích của việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều FTA đa phương và song phương ở trong khu vực và quốc tế. Tính đến nay, có 12 FTA Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực (Hiệp định FTA Việt Nam - EU, EVFTA) và 03 FTA đang đàm phán. Những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), vấn đề thương mại và môi trường đã được đưa vào các cam kết. Do đó, việc giải quyết và xử lý mối quan hệ giữa thương mại và môi trường hiện nay tuy là vấn đề mới, nhưng rất quan trọng của toàn thế giới và của mỗi quốc gia khi bước vào thế kỷ XXI trước xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu.
Không bỏ qua các lợi ích của quá trình tự do thương mại hóa nhưng cũng không thể phủ nhận tự do hóa thương mại làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường xuyên biên giới (xuyên quốc gia), đó là ô nhiễm môi trường từ việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, hàng hóa không đảm bảo các yêu cầu về môi trường, du nhập các loài động thực vật ngoại lai, chất thải độc hại, buôn bán trái phép các loài động thực vật quý hiếm, bất bình đẳng trong chia sẻ lợi ích tài nguyên đa dạng sinh học… Những vấn đề ô nhiễm môi trường này có thể sẽ trở thành những rào cản của quá trình tự do thương mại hóa.
Trước đây, để giải quyết tình trạng này, công cụ mệnh lệnh - kiểm soát (giám sát và cưỡng chế) được sử dụng phổ biến do một số ưu điểm của công cụ này như bình đẳng đối với mọi người gây ô nhiễm và sử dụng tài nguyên môi trường vì tất cả mọi người đều phải tuân thủ những quy định chung; có khả năng quản lý chặt chẽ các loại chất thải độc hại và các tài nguyên quý hiếm thông qua các quy định mang tính cưỡng chế cao trong thực hiện. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề môi trường mới nảy sinh trong bối cảnh tự do hóa thương mại thì công cụ mệnh lệnh – kiểm soát bộc lộ nhiều hạn chế như đòi hỏi nguồn nhân lực và tài chính lớn để có thể giám sát được mọi khu vực, mọi hoạt động nhằm xác định khu vực bị ô nhiễm và các đối tượng gây ô nhiễm. Đồng thời, để bảo đảm hiệu quả quản lý, hệ thống pháp luật về môi trường đòi hỏi phải đầy đủ và có hiệu lực thực tế. Chính vì vậy, để tăng cường vai trò chủ động của doanh nghiệp, cộng đồng và sự tham gia của các thành phần xã hội trong công tác BVMT đòi hỏi cần có cơ chế tự nguyện, linh hoạt hiệu quả, ít chi phí và bổ sung cho những hạn chế thiếu hụt của giải pháp truyền thống.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn nêu trên, nhằm thực thi hiệu quả các cam kết/nghĩa vụ về cơ chế tự nguyện, linh hoạt được quy định trong FTA, Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Môi trường cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương thực hiện “Nghiên cứu cơ sở khoa học về các cơ chế tự nguyện, linh hoạt về môi trường nhằm thực thi những cam kết môi trường trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” với mục tiêu: Làm rõ cơ sở khoa học về cơ chế tự nguyện, linh hoạt về môi trường trong các FTA thế hệ mới; Đề xuất được các giải pháp và lộ trình triển khai các cơ chế tự nguyện, linh hoạt về môi trường nhằm thực thi những cam kết môi trường trong các FTA thế hệ mới.
Đây là đề tài đầu tiên tại Việt Nam luận giải được cơ sở lý luận của các cơ chế tự nguyện, linh hoạt về môi trường, đặc biệt là các cơ chế tự nguyện, linh hoạt quy định trong các FTA thế hệ mới. Đề tài đã tổng hợp, phân tích và đánh giá kinh nghiệm áp dụng các cơ chế tự nguyện, linh hoạt của một số quốc gia trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Cam kết về cơ chế tự nguyện, linh hoạt về môi trường được quy định trong Hiệp định CPTPP với mức độ cam kết trung bình và thấp và mức độ rủi ro trung bình và thấp. Tuy nhiên, các cam kết mang tính rà buộc pháp lý và thực thi cơ chế tranh chấp trong Chương Môi trường của Hiệp định này.
Thực trạng các quy định pháp luật và thực tiễn triển khai các cơ chế tự nguyện, linh hoạt tại Việt Nam cũng đã được đánh giá và phân tích cụ thể. Các cơ chế tự 29 nguyện, linh hoạt được áp dụng tại Việt Nam như: (1) Cam kết đơn phương: áp dụng sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp tự nguyện tham gia các phong trào BVMT; (2) Thỏa thuận được đàm phán: Quan hệ đối tác công tư, ưu đãi dựa trên thị trường; (3) Các chương trình tự nguyện cộng đồng: Trợ cấp nghiên cứu phát triển (R/D), hệ thống quản lý môi trường (EMS), kiểm toán môi trường, các chương trình bảo vệ môi trường của cộng đồng, nhãn sinh thái. Đối với cơ chế linh hoạt đã áp dụng các hình thức: cơ chế phát triển sạch (CDM), Thị trường phát thải (ET), Cơ chế đồng thực hiện (JI) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên thực tiễn triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập như các quy định văn bản pháp luật còn chưa có hướng dẫn cụ thể, thiếu nhân lực, nguồn lực và cơ chế giám sát thực thi. Hạn chế về nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp cũng như các cấp quản lý cũng là một khó khăn lớn trong quá trình triển khai. Một số cơ chế tự nguyện, linh hoạt về môi trường mới chưa được áp dụng tại Việt Nam như báo cáo môi trường tự nguyện, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm tự nguyện, chương trình kiểm toán môi trường và quản lý sinh thái (EMAS) v.v…
Đề tài đã đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường áp dụng cơ chế tự nguyện, linh hoạt bao gồm các giải pháp chung và giải pháp cụ thể đối với từng hình thức áp dụng của các cơ chế tự nguyện, linh hoạt về môi trường.
Đề tài đã xây dựng được Dự thảo Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường cơ chế tự nguyện, linh hoạt về môi trường nâng cao hiệu quả quản lý môi trường và thực thi các cam kết môi trường trong các Hiệp định thương mại thế hệ mới.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18021/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)