Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định bộ tiêu chí đánh giá rủi ro do biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước mặt nhằm đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh, thử nghiệm cho quy hoạch tài nguyên nước của một tỉnh điển hình
Cập nhật vào: Thứ hai - 24/07/2023 00:01
Cỡ chữ
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), một trong những đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất là tài nguyên nước. Tác động tiêu cực của BĐKH đến tài nguyên nước (TNN) về cả số lượng và chất lượng như làm thay đổi hệ số dòng chảy, quá trình bốc thoát hơi, nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người… Quá trình tác động này ngày một gia tăng dưới tác động mạnh mẽ của BĐKH. Tại tỉnh Quảng Ngãi, theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016, BĐKH được biểu hiện như sau: Nhiệt độ trung bình năm, nhiệt độ mùa đông, nhiệt độ mùa xuân, nhiệt độ mùa hè, nhiệt độ mùa thu tại tỉnh Quảng Ngãi đều có xu thế tăng ở tất cả các thời kỳ của cả hai kịch bản RCP4.5 và kịch bản RCP8.5 so với thời kỳ nền (1986 - 2005). Tuy nhiên sự gia tăng nhiệt độ theo kịch bản RCP8.5 là nhiều hơn, trong đó nhiệt độ mùa thu là tăng nhiều hơn cả so với các mùa khác và so với nhiệt độ trung bình năm. Bên cạnh đó, lượng mưa trung bình năm và lượng mưa mùa đông, lượng mưa mùa thu đều có xu thế tăng ở tất cả các thời kỳ của cả hai kịch bản RCP4.5 và kịch bản RCP8.5 so với thời kỳ nền (1986 - 2005). Tuy nhiên sự gia tăng lượng mưa theo kịch bản RCP4.5 nhiều hơn so với kịch bản RCP8.5, trong đó lượng mưa mùa đông tăng nhiều hơn và tăng nhiều nhất là ở cuối thế kỷ 21 với mức tăng 65,8 %. Theo kịch bản RCP4.5 (kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp): Vào đầu thế kỷ 21 (năm 2030) mực nước biển dâng cho khu vực tỉnh Quảng Ngãi khoảng 13 cm (8 ÷ 18 cm), vào giữa thế kỷ 21 (năm 2050) mực nước biển dâng khoảng 23 cm (14 ÷ 32 cm) và vào cuối thế kỷ 21 (năm 2100) mực nước biển dâng khoảng 54 cm (33 ÷ 76 cm). Nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 0,86 % diện tích tỉnh Quảng Ngãi nguy cơ bị ngập, tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển như Đức Phổ (3,62 %), Sơn Tịnh (3,24 %), Tư Nghĩa (3,49 %).
Hiện nay ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào đưa ra được cơ sở khoa học để xác định bộ tiêu chí rủi ro do BĐKH đến TNN mặt, đặc biệt là xây dựng theo cách tiếp cận mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), nhóm nghiên cứu của ThS. Bùi Đức Hiếu tại Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định bộ tiêu chí đánh giá rủi ro do biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước mặt nhằm đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh, thử nghiệm cho quy hoạch tài nguyên nước của một tỉnh điển hình” từ năm 2017 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá rủi ro do biến đổi khí hậu nhằm đề xuất các giải pháp điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tài nguyên nước mặt cấp tỉnh; và áp dụng thử nghiệm bộ tiêu chí cho tỉnh Quảng Ngãi
Đề tài đã nghiên cứu và đề xuất được bộ tiêu chí đánh giá rủi ro do biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước mặt và có thể áp dụng với một tỉnh điển hình với 4 bộ tiêu chí với 12 chỉ số và 41 chỉ thị đánh giá, tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc điểm của từng địa phương có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Bộ chỉ số được xây dựng theo cách tiếp cận mới của IPCC với các thành phần tạo nên rủi ro, bao gồm: Hiểm họa (Hazard), Độ phơi lộ (Exposure) và tính dễ bị tổn thương (Vulnerability. Đề tài đã áp dụng bộ chỉ số trên cơ sở sử dụng mô hình toán và số liệu thống kê tỉnh để tính toán giá trị rủi ro do biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước mặt tỉnh ở tỉnh Quảng Ngãi.
Kết quả tính toán rủi ro trong thời điểm hiện tại là 0,33 và tương lai theo kịch bản biến đổi khí hậu RCP 4.5 và RCP 8.5 (2016-2035) là 0,32 và 0,33; theo RCP 4.5 và RCP 8.5 (2046-2065) là 0,33 và 0,34 và được đánh giá ở mức thấp. Kết quả của đề tài có thể làm cơ sở cho công tác quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh Quảng Ngãi và các nội dung liên quan.
Các nghiên cứu liên quan cho đến nay mới chỉ xem xét đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu đến một số khía cạnh của tài nguyên nước mặt, cũng như chưa xây dựng được phương pháp và bộ tiêu chí phục vụ cho việc đánh giá này. Điểm mới của đề tài này là đưa ra phương pháp cũng như xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước mặt.
Bên cạnh đó, với bộ tiêu chí xây dựng được, đề tài sẽ sử dụng để áp dụng thí điểm cho tỉnh Quảng Ngãi, ngoài ý nghĩa trong việc kiểm định bộ tiêu chí, còn có ý nghĩa trong việc đề xuất các nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh trong bối cảnh BĐKH.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18663/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)