Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất nội dung bồi dưỡng kiến thức về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương
Cập nhật vào: Thứ tư - 13/09/2023 00:04 Cỡ chữ
Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia. Việc kết thúc đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn Hiệp định là một chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cấp, các ngành với mục tiêu nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới nói riêng và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, việc Hiệp định được hai bên ký kết và được Nghị viện châu Âu phê chuẩn có vai trò rất lớn của Quốc hội Việt Nam với việc ban hành các văn bản pháp luật cũng như tiến hành các hoạt động ngoại giao cần thiết và kịp thời để xử lý những vấn đề mà EU quan tâm.
Sau khoảng 10 năm từ lúc bắt đầu khởi động đàm phán, EVFTA đã được ký vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Trong quan hệ thương mại với EU, vào năm 2018, Việt Nam đạt mức thặng dư lên đến gần 28 tỷ USD và duy trì thặng dư trung bình trong 8 năm qua ở mức 19 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương khi được thực thi, Hiệp định sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Thực tiễn đòi hỏi để có thể thực hiện thành công Kế hoạch thực thi EVFTA, thì trước hết và đồng thời phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức của ngành Công Thương, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2020.
Thực tế, trước khi Hiệp định mới được ký kết và mới có hiệu lực, các chương trình bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế của Trường và của các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng thuộc và không thuộc Bộ Công Thương đã có đề cập đến kiến thức về Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, các nội dung trình bày thường là ngắn gọn (do các khoá học được tổ chức ngắn ngày) và chưa được cập nhật (do Hiệp định chưa được ký kết chính thức). Kể từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực (giữa năm 2019), đã có một số hội thảo, toạ đàm, lớp tập huấn về Hiệp định EVFTA. Nhưng các khoá học này cũng thường quá ngắn (1 đến 2 ngày), các nội dung còn chung chung (như chỉ đề cập đến các cơ hội, thách thức, các vấn đề và giải pháp), địa điểm tổ chức thường ở các địa phương, vì thế học viên thường đến từ địa phương đó.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan Chủ trì Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương trực thuộc Bộ Công Thương cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Thiện Nam thực hiện “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất nội dung bồi dưỡng kiến thức về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương” với mục tiêu Nghiên cứu đề xuất nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) cho cán bộ, công chức và viên chức ngành Công Thương.
Bồi dưỡng/tập huấn là các hoạt động giảng và học để cung cấp và tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng nhằm giúp công chức và viên chức có thể thực hiện hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ. Đó là quá trình truyền thụ khối kiến thức mới một cách có hệ thống để người công chức thông qua đó trở thành người có văn bằng mới hoặc cao hơn trình độ trước đó, “đào tạo là các hoạt động học tập để nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động để thực hiện có hiệu quả hơn chức năng và nhiệm vụ của mình”.
Đây là hoạt động làm cho công chức, viên chức trở thành người có năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định gắn với vị trí việc làm, khung năng lực của tổ chức. Quá trình đào tạo được tiến hành trong khoảng thời gian dài và được hiểu là quá trình chuẩn bị cho nguồn nhân lực phát triển trong tương lai. Đặc trưng của đào tạo là phải gắn liền với những thay đổi của môi trường, đáp ứng đòi hỏi của công việc và môi trường trong hiện tại và tương lai.
Bồi dưỡng là hoạt động trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Có nhiều hình thức bồi dưỡng như: bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch là trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động công vụ cho ngạch công chức; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý là trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc cho từng 10 vị trí lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo vị trí việc làm là trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp cẩn thiết để làm tốt công việc được giao. Quá trình bồi dưỡng được thực hiện trong thời gian ngắn, mục tiêu là đáp ứng ngay nhu cầu cần cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản lý cho người học. Khối lượng kiến thức, kỹ năng được quy định tại các chương trình bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng công chức. Kết quả của các khóa bồi dưỡng là người học thu nhận được những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho vị trí việc làm đang đảm nhận, được nhận chứng chỉ ghi nhận kết quả bồi dưỡng.
EVFTA và EVIPA là hai hiệp định thế hệ mới về tăng cường hoạt động thương mại tự do và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết và thực hiện với thế giới bên ngoài vì những kỳ vọng về lợi ích to lớn từ đó cho sự phát triển của đất nước trong những năm tới. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội, đến mọi người dân, về những lợi ích quốc gia, những cơ hội cùng thách thức to lớn, những tác động của hai hiệp định này đối với người dân, doanh nghiệp, tổ chức KTXH và Chính phủ thì việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các đối tượng như CBCCVC nói chung là rất cần thiết.
Trên cơ sở nội dung và phạm vi của nhiệm vụ NCKH cấp bộ năm 2020 được giao, kết quả thực hiện nghiên cứu đề tài đã đạt được mục tiêu đề ra với kết quả nghiên cứu cụ thể là: Một là: Làm rõ được sự cần thiết và cơ sở lý luận để đề xuất nội dung và xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức về EVFTA và EVIPA cho công chức, viên chức ngành Công Thương. Trong đó bao gồm; Nghiên cứu tổng quan và nghiên cứu sâu 6 nội dung của EVFTA và EVIPA; Đề xuất những nội dung kiến thức về EVFTA và EVIPA cần đề xuất và đưa vào chương trình bồi dưỡng; và chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng cơ bản đến việc đề xuất nội dung và xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức về EVFTA và EVIPA. Hai là: Phân tích làm rõ thực trạng hiểu biết và nội dung bồi dưỡng kiến thức về Hiệp định kiến thức về EVFTA và EVIPA của công chức, viên chức ngành Công Thương, trong đó gồm:
+ Phân tích thực trạng nội dung bồi dưỡng kiến thức về EVFTA và EVIPA cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương.
+ Làm rõ thực trạng hiểu biết và nhu cầu bồi dưỡng kiến thức về EVFTA và EVIPA của cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương.
+ Đánh giá thực trạng nội dung bồi dưỡng và hiểu biết, nhu cầu bồi 112 dưỡng kiến thức về EVFTA và EVIPA của cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương. Ba là: Đề xuất nội dung và chương trình bồi dưỡng kiến thức về EVFTA và EVIPA cho cán bộ, công chức và viên chức ngành Công Thương, trong đó:
+ Nghiên cứu bối cảnh và đưa ra quan điểm về việc đề xuất nội dung và xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức về EVFTA và EVIPA.
+ Một số yêu cầu chung đối với chương trình bồi dưỡng kiến thức về EVFTA và EVIPA cho cán bộ, công chức và viên chức ngành Công Thương.
+Nghiên cứu đề xuất nội dung kiến thức của chương trình bồi dưỡng về EVFTA và EVIPA cho cán bộ, công chức và viên chức ngành Công Thương.
+ Nghiên cứu đề xuất điều kiện thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức về Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA cho cán bộ, công chức và viên chức ngành Công Thương.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18741/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)