Nghiên cứu công nghệ sản xuất da chống thấm nước (waterproof) đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu
Cập nhật vào: Thứ ba - 18/07/2023 00:01 Cỡ chữ
Trong nhiều năm qua, ngành Da - Giầy luôn là ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Nằm trong vùng kinh tế năng động của châu Á, nước ta đã từng bước tiếp nhận sự dịch chuyển sản xuất giầy, dép từ cuối thế kỷ 20 của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và tận dụng các ưu đãi do các hiệp định, tổ chức kinh tế - thương mại mà Việt Nam là thành viên mang lại. Là một trong những ngành công nghiệp có lợi thế xuất khẩu, ngành công nghiệp Da - Giầy Việt Nam có đóng góp đáng kể cho kinh tế đất nước. Mặc dù cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU cùng các nước trên thế giới là rất lớn, song ngành Da - Giầy Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thử thách không hề nhỏ khi tỷ lệ sản xuất gia công của ngành còn cao, chiếm tới 70%, khiến lợi nhuận thấp và hạn chế sự năng động của các doanh nghiệp; giá trị xuất khẩu lại tập trung hầu hết trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mặt khác, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm về da, nhất là các sản phẩm có chất lượng cao ngày càng lớn trong khi khả năng cung ứng của các cơ sở thuộc da trong nước và chất lượng da thuộc còn rất hạn chế.
Da chống thấm nước được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghiệp quốc phòng, quân đội cho đến các ngành công nghiệp nặng (công nghiệp dầu khí, công nghiệp thủy sản, v.v...); trong sản xuất các sản phẩm giầy bảo hộ lao động của các ngành công nghiệp thường xuyên tiếp xúc với môi trường ẩm ướt hay trong các sản phẩm giầy đặc chủng dùng trong quân đội, giầy leo núi, v.v... hay với các sản phẩm da bọc đệm, nội thất; da áo, găng tay... Ở trong nước, các nghiên cứu về lĩnh vực này còn rất hạn chế. Mặc dù đã có một số nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Da - Giầy về da chống thấm nước hay da thuộc phục vụ công nghiệp quốc phòng tuy nhiên các nghiên cứu cũng chưa hoàn thiện công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng tương đương của nước ngoài do những hạn chế về mặt hóa chất và thiết bị.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế nhằm tạo ra một loại nguyên liệu da thành phẩm chống thấm nước chất lượng cao, nhóm thực hiện đề tài, Viện Nghiên cứu Da - Giầy, do ThS. Phạm Phú Dũng đã đề xuất và được giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất da chống thấm nước (waterproof) đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu” nhằm nâng cao giá trị, mở rộng phạm vi ứng dụng của loại da thuộc chống thấm nước trong nhiều sản phẩm khác nhau, xây dựng quy trình công nghệ sản xuất da chống thấm nước khả thi từ nguyên liệu da bò phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và thử nghiệm sản xuất da chống thấm nước quy mô nhỏ và ứng dụng trong chế biến mặt hàng giầy bảo hộ lao động chất lượng cao.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được một số kết quả như sau:
1. Tổng quan về sản phẩm da chống thấm nước; ứng dụng sản phẩm da chống thấm nước tại Việt Nam
+ Tổng quan về da chống thấm nước;
+ Thực trạng công nghệ sản xuất da chống thấm nước;
+ Thực trạng nguyên liệu, hóa chất sử dụng.
2. Nghiên cứu lựa chọn công nghệ sản xuất da chống thấm nước
+ Lựa chọn công nghệ và xác định các yếu tố ảnh hưởng tới quy trình thuộc da chống thấm nước theo tài liệu nghiên cứu;
+ Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất da chống thấm nước phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
3. Sản xuất thử nghiệm da chống thấm nước để sản xuất da mũ giầy đảm bảo tiêu chí thấm nước theo ISO 17702
+ Thực nghiệm, đánh giá và hiệu chỉnh quy trình công nghệ sản xuất da chống thấm nước;
+ Sản xuất thử nghiệm da chống thấm nước quy mô nhỏ;
+ Phân tích, đánh giá các chỉ tiêu cơ lý hóa của da thành phẩm;
+ Xác lập quy trình công nghệ sản xuất da chống thấm nước khả thi.
4. Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế và xây dựng phương án phát triển sản phẩm:
+ Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế;
+ Đề xuất phương án phát triển sản phẩm và ứng dụng công nghệ trong thực tế.
Đề tài đã xây dựng được một quy trình công nghệ thuộc và hoàn thiện da chống thấm nước khá khả thi. Kết quả cho thấy, quy trình công nghệ sản xuất da chống thấm nước tạo nên sản phẩm da thuộc có chất lượng đạt yêu cầu (tính chất cơ lý hóa và tiêu chí chống thấm nước) với chi phí sản xuất cao hơn không nhiều so với các loại da thuộc thông thường; da thuộc chống thấm nước rất thích hợp để sản xuất chế biến các mặt hàng giầy bảo hộ lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài có thể mở ra khả năng ứng dụng nghiên cứu sâu rộng và triển khai mở rộng kết quả nghiên cứu trong thực tế sản xuất và chế biến nhằm tạo ra sản phẩm da thuộc chất lượng, có phạm vi ứng dụng rộng rãi; đáp ứng yêu cầu trong việc sản xuất đa dạng các mặt hàng da giầy khác nhau, đặc biệt là mặt hàng giầy đặc chủng: giầy bảo hộ lao động, giầy quân đội, v.v...
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18479/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)