Nghiên cứu đa dạng sinh học các đảo đá vôi, quần đảo đá vôi vùng biển Việt Nam, đề xuất giải pháp và mô hình sử dụng, bảo tồn và phát triển bền vững
Cập nhật vào: Thứ ba - 15/08/2023 00:38
Cỡ chữ
Việt Nam quốc gia biển - đảo, được đánh giá là một trong những khu vực có mức độ đa dạng sinh học biển cao của thế giới. Trong đó đặc biệt các đảo đá vôi trên biển có các sinh cảnh đặc thù tạo ra các hệ sinh thái hoặc phụ hệ sinh thái đặc biệt mà các khu vực khác không có được như hệ sinh thái hang động ngầm, hang động nổi, hệ sinh thái hồ nước mặn, phụ hệ sinh vật bám, các rạn san hô, cỏ biển, rừng mưa nhiệt đới trên đảo v.v... Trên vùng biển Việt Nam có khoảng trên 2000 đảo đá vôi tập trung chủ yếu ở vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng và một số đảo thuộc vùng biển tỉnh Kiên Giang.
Tuy nhiên, do các hoạt động khai thác, phát triển kinh tế xã hội từ đất liền hoặc trên đảo đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hệ sinh thái ở đây. Trong các chương trình nghiên cứu cấp Quốc Gia, cấp Bộ, Ngành hệ sinh thái các đảo đá vôi trên biển còn ít được biết đến. Các vấn đề đa dạng sinh học, bảo tồn mới được đánh giá rời rạc trong một số công trình ở mức độ sơ lược và chủ yếu tập trung vào đa dạng sinh học trên cạn của đảo. Sức ép của phát triển kinh tế xã hội, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, kể cả ô nhiễm xuyên biên giới đã và đang gây ra những những hậu quả to lớn cho vùng biển Việt Nam nói chung và các đảo nói riêng. Để sử dụng có hiệu quả các đảo, quần đảo biển nước ta, rất cần phải có bộ số liệu đầy đủ về tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học tại hệ thống đảo đá vôi còn ít được biết đến ở biển Việt Nam.
Tuy những kết quả nghiên cứu đạt được trước đây là đáng trân trọng nhưng rõ ràng không còn đáp ứng được thực tiễn phát triển của vùng hải đảo hiện nay. Các lỗ hổng số liệu khoa học, về biến động hệ sinh thái, vấn đề xác định các dạng tài nguyên và môi trường nổi trội, mối quan hệ giữa ô nhiễm môi trường với biến động hệ sinh thái cũng như đề xuât mô hình sử dụng, các giải pháp quản lý bền vững còn là vấn đề chưa có lời giải. Đặc biệt ở các vùng đảo đá vôi với số đảo khoảng trên 2000 đảo, chiếm khoảng 80% diện tích các đảo ven bờ Việt Nam. Vì vậy, những đòi hỏi cấp bách về một bộ số liệu tin cậy, có đủ cơ sở khoa học về tài nguyên và môi trường, đa dạng sinh học hệ thống các đảo, quần đảo đá vôi là vấn đề cấp bách cần nghiên cứu nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng biển - đảo Việt Nam.
Với tất cả các lý do nêu trên, đề tài: “Nghiên cứu đa dạng sinh học các đảo đá vôi, quần đảo đá vôi vùng biển Việt Nam” do Cơ quan chủ trì Văn phòng các chương trình trọng điểm nhà nước cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài GS. TS. Đỗ Cung Thông thực hiện với mục tiêu: Đánh giá được đặc điểm đa dạng sinh học các đảo đá vôi, quần đảo đá vôi vùng biển Việt Nam; Xây dựng được luận cứ khoa học cho mô hình khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học trên các đảo đá vôi, quần đảo đá vôi khu vực nghiên cứu.
Nghiên cứu đa dạng sinh học các đảo trên biển, gắn liền với nghiên cứu đa dạng sinh học vùng biển của thế giới từ thế kỷ 19 và bùng nổ mạnh mẽ vào các năm của thế kỷ 20. Nguồn tài nguyên phong phú ở các đảo cùng với vị thế quan trọng trên biển, đảo đã trở thành đối tượng nghiên cứu của hầu hết các nước có biển. Sự khai thác quá mức đa dạng sinh học đã làm suy giảm đáng kể nguồn lợi sinh vật và 1/3 số loài có thể biến mất nếu không được bảo vệ. Để bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sống, năm 1962, Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (IUCN) công bố danh sách của 1000 khu bảo vệ trên thế giới. Tới năm 2003, con số này tăng lên 102.102 khu, tổng diện tích của các khu bảo vệ khoảng 18,8 triệu km2. Trong đó, có đến 17,1 triệu km2 là các khu bảo vệ trên đất liền (chiếm 11,5% diện tích đất đai của thế giới); 1,64 triệu km2 còn lại là các khu bảo tồn biển - đảo và đại dương (chiếm khoảng 0,5 % diện tích dại dương thế giới).
Số liệu thống kê cho thấy, trong vòng hơn 40 năm qua, diện tích các khu bảo vệ trên toàn thế giới đã tăng gần 8 lần. Công tác bảo tồn thiên nhiên đã được các nước trên thế giới quan tâm đầu tư mở rộng về quy mô diện tích và số lượng các khu bảo tồn. Mốc quan trọng trong nghiên cứu đa dạng sinh học nói chung và biển đảo nói riêng là sự thành công của Công ước Đa dạng sinh học năm 1993. Theo Công ước đa dạng sinh học (ĐDSH) năm 1993: đa dạng sinh học là sự phong phú của mọi cơ thể sống có từ tất cả các nguồn trong các hệ sinh thái trên cạn, dưới nước, ở biển và mọi tổ hợp sinh thái mà chúng tạo nên; ĐDSH bao gồm sự đa dạng trong loài (đa dạng di truyền hay còn gọi là đa dạng gen), giữa các loài (đa dạng loài) và các hệ sinh thái (đa dạng hệ sinh thái). ĐDSH có nhiều giá trị to lớn tập trung vào 3 nhóm chính: giá trị kinh tế, giá trị nhân văn, giá trị tài nguyên và môi trường.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Các yếu tố môi trường cơ bản như nhiệt độ, độ muối, pH, DO của quần đảo đá vôi thuận lợi cho sinh vật phát triển. Tuy vậy vẫn tồn tại một số yếu tố gây ra ô nhiễm cục bộ cho từng khu vực như dầu, kim loại nặng, dinh dưỡng và vi sinh vật. Đặc biệt mức độ tích lũy các chất ô nhiễm trong trầm tích khá cao là cần lưu ý hơn cả.
Đảo và quần đảo đá vôi biển Việt Nam có mức độ đa dạng cao về các hệ sinh thái (HST) như rừng mưa nhiệt đới trên đảo, rừng ngập mặn, HST hang động, các hồ nước mặn (Áng), HST Tùng, HST cỏ biển, HST vùng triều, san hô và HST đáy mềm. Trong đó các hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên đảo, hang động, Tùng, Áng, san hô là 5 HST tiêu biểu nhất, tạo ra các giá trị nổi bật về thẩm mỹ và đa dạng hệ sinh thái có giá trị toàn cầu của các đảo đá vôi biển Việt Nam.
Đảo và quần đảo đá vôi là trung tâm đa dạng cao về số lượng loài và các loài quý hiếm. Đã xác định được 4219 loài sinh vật sống ở trên cạn và dưới biển, sinh vật sống trên đảo chiếm số lượng nhiều nhất - 2692 loài, 63,80% tổng số loài và sinh vật biển 1527 loài, tương ứng với 36,20%. Có tổng số 310 loài chiếm 7,34% tổng số loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và Danh lục của IUCN. Trong số này, trên cạn 187 loài và dưới nước 123 loài. Đặc biệt có loài Voọc Cát Bà được ghi nhận là loài có giá trị bảo tồn toàn cầu.
Đã xác định 8 giá trị cơ bản của đảo và quần đảo đá vôi biển Việt Nam: Môi trường, vị thế, giảm nhẹ thiên tai, giá trị du lịch, giá trị bảo tồn, nguồn lợi thực vật, nguồn lợi thực vật. Trong đó 2 giá trị là bảo tồn và du lịch là những giá trị cốt lõi của đảo và quần đảo đá vôi.
Nhân tố ảnh hưởng chính đến các đảo đá vôi vùng biển Việt Nam bao gồm: Tác động trực tiếp của con người thông qua các hình thức sử dụng các giá trị đa dạng sinh học của đảo phục vụ cuộc sống, ô nhiễm trầm tích biển, ô nhiễm môi trường nước biển và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hoạt động nhân sinh, nhất là nuôi biển trong các vụng kín ở đảo, đặc biệt là nuôi đáy là tác động mạnh đến HST. Du lịch sinh thái trên các vịnh mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đang gây nhiều hệ lụy cho môi trường đảo. Mức độ ô nhiễm dầu, kim loại nặng tích lũy trong trầm tích là đáng kể nhất. Trong môi trường nước chủ yếu là ô nhiễm dinh dưỡng và ô nhiễm vi sinh vật. Biến đổi khí hậu đã và sẽ gây ra những biến động lớn cho cấu trúc khu hệ sinh vật ở trên đảo và vùng nước bao quanh.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18713/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)