Nghiên cứu đặc điểm sinh học và phân tử của plasmid mang gen beta- lactamase phổ rộng (ESBL) của vi khuẩn E. coli kháng kháng sinh có nguy cơ lây nhiễm giữa người và lợn
Cập nhật vào: Thứ sáu - 11/11/2022 13:06 Cỡ chữ
Vi khuẩn kháng thuốc khó điều trị hiện nay có nguồn gốc di truyền có thể lây nhiễm giữa các loài và giống khác nhau. Việc sử dụng kháng sinh rộng rãi và không được kiểm soát (dùng thuốc không đầy đủ, không tuân thủ quy định và kháng sinh không đạt tiêu chuẩn) là những yếu tố quan trọng làm cho quá trình điều trị bệnh không có hiệu quả và làm tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn (WHO 2002).
Plasmid mang gen beta-lactamase (bla) là yếu tố di truyền chủ yếu của vi khuẩn gram âm (E. coli, P. aeruginosa) đề kháng với kháng sinh nhóm cephalosporin - là nhóm kháng sinh được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh do vi khuẩn E. coli ở người và vật nuôi. Các gen kháng kháng sinh của E. coli phân lập từ bệnh nhân là blaCTX (25.5%), SHV (38.1%), và phổ biến nhất là blaTEM (76.3%) trong đó nhiều chủng E. coli được phát hiện mang đồng thời cả gen blaTEM và blaCTX-M. Việc một chủng vi khuẩn gây bệnh cùng một lúc sở hữu nhiều gen ESBL khác nhau, ví dụ như sự kết hợp của blaTEM + blaSHV, blaCTX-M + blaSHV, blaTEM + blaCTX-M, blaTEM + blaCTX-M + blaSHV sẽ giúp tăng khả năng đề kháng với kháng sinh β-lactam.
Nhằm phân tích thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh cephalosporin trong điều trị bệnh ở người và vật nuôi tại các địa phương. Xác định được tỷ lệ nhiễm các chủng vi khuẩn E. coli có khả năng sản sinh enzyme betalactamase phổ rộng (ESBL) kháng kháng sinh nhóm Cephalosporin; Xác định được mức độ tương đồng kiểủ gen va mối quan hệ phả hệ một số gen kháng kháng sinh (SHV, TEM, CTX-M) của các chủng E. coli phân lập từ lợn, môi trường, và người chăn nuôi tại địa điểm nghiên cứu, với các khu vực khác trong nước và trên thế giới, nhóm nghiên cứu của Viện thú y, do TS. Đặng Thị Thanh Sơn làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và phân tử của plasmid mang gen beta- lactamase phổ rộng (ESBL) của vi khuẩn E. coli kháng kháng sinh có nguy cơ lây nhiễm giữa người và lợn” để làm sáng tỏ cơ chế của hiện tượng lan truyền plasmid mang gen kháng thuốc nhóm beta-lactame giữa người và lợn. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần xây dựng chiến lược về sử dụng kháng sinh an toàn, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn kháng thuốc ở nước ta.
Các nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm:
1. Điều tra cơ bản về hiện trạng sử dụng kháng sinh nhóm Cephalosporin trong phòng trị bệnh đường tiêu hóa ở người và lợn tại một số địa phương tại tỉnh Thái Bình và huyện Sóc Sơn- Hà Nội.
2. Nghiên cứu xác định mức độ kháng với kháng sinh khác nhóm Cephalosporin của các chủng vi khuẩn E. coli phân lập ở lợn, môi trường chăn nuôi, và người chăn nuôi (bao gồm 8 loại kháng sinh các thế hệ 2, 3, và 4 thuộc nhóm cephalosporin: Ceftazidime, Cefpodoxime, Ceftriaxone, Cefuroxime, Cefepime, Cefoperazone, Cefamandole, và Cefpirome). Nghiên xác định các chủng E. coli có khả năng sản sinh enzym ESBL.
3. Xác định mức độ tương đồng kiểu gen và mối quan hệ phả hệ của các gen SHV, TEM, và CTX-M của các chủng vi khuẩn E. coli sản sinh men ESBL phân lập được.
4. Phối hợp với trường Đại học Copenhagen - Đan Mach thực hiện nội dung nghiên cứu về tính đa dạng gen kháng Cephalosporin của các chủng vi khuẩn E. coli phân lập được trên người và lợn tại Việt Nam. Đây là nội dung mơi chưa có trong thuyết minh đề tài. Kinh phí thực hiện nội dung này do trường Đại học Copenhagen tài trợ.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được các kết quả như sau:
1. Đã tiến hành điều tra thu thập thông tin về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại 100 hộ nuôi lợn ở Thái Bình và Sóc Sơn
2. Đã thu thập 95 mẫu phân lợn nền chuồng, 95 mẫu tăm bông hậu môn lợn, và 95 mẫu chất thải người chăn nuôi tại các hộ phía trên
3. Đã phân lập được 254 chủng E. coli từ chất thải lợn, 263 chủng từ chất thải người chăn nuôi để xác định tính maanc cảm kháng sinh
4. Đã xác định tỷ lệ vi khuẩn E. coli kháng thuốc mang gen CTX, TEM và SHV
5. Đã xác định mức độ tương đồng gen kháng thuốc của các chủng phân lập từ người và lợn
6. Đã xác định được 24 nhóm gen kháng cephalosporin CTX từ một số chủng E. coli, trong đó gen kháng ở lợn thuộc 12 nhóm và ở người thuộc 13 nhóm. Các chủng sản sinh ESBL/AmpC khác nhau được phát hiện các nhóm gen khác nhau, ở lợn là (CTX-M-15, CTX-M-27, CTX-M-55, CTX-M-65 and CMY-2) và ở người là (CTX-M-14, CTX-M-15, CTX-M-27 and CMY-2).
Kết quả của đề tài nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ cơ chế của hiện tượng truyền lây gen kháng thuốc beta-lactame qua plasmid giữa người và lợn để từng bước ngăn chặn nguy cơ 8 lây nhiễm vi khuẩn kháng thuốc ở nước ta, nhằm từng bước giảm thiểu chi phí điều trị bệnh tiêu chảy ở người và vật nuôi. Đồng thời cũng là cơ sở định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo về gen kháng thuốc truyền lây giữa người và vật nuôi của vi khuẩn Các báo cáo và bài báo khoa học của đề tài là những tài liệu tham khảo hữu ích về AMR/gen kháng thuốc của vi khuẩn E. coli ở người và vật nuôi tại Việt Nam.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm có được bằng chứng khoa học chính xác về đặc điểm kiểu hình và kiểu gen của vi khuẩn kháng thuốc tai Việt Nam. Đây là hướng nghiên cứu mới về vi khuẩn kháng thuốc (AMR) tại Việt Nam. Các bài báo sản phẩm của đề tài là tài liệu khoa học hữu ích trong đào tạo và nghiên cứu về vi khuẩn kháng thuốc. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để tiếp tục xây dựng các nghiên cứu về vi khuẩn kháng thuốc nhằm xây dựng bộ sô liệu về quản lý vi khuẩn kháng thuốc tại Việt Nam, hỗ trợ Chương trình hành động Quốc gia về giám sát vi khuẩn kháng thuốc do Bộ NN&PTNT phê duyệt tháng 7/2017.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17585/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)