Nghiên cứu đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với bao bì, dụng cụ thủy tinh gốm sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và tư vấn hỗ trợ thực hành tại doanh nghiệp
Cập nhật vào: Thứ hai - 11/11/2024 12:06 Cỡ chữ
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, sản phẩm bao bì, dụng cụ thủy tinh, gốm sứ và tráng men dùng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm tương đối đa dạng. Các sản phẩm sứ trong nước sản xuất phổ biến có thể kể đến như của sứ Minh Long, sứ Hải Dương và sứ Bát Tràng, thủy tinh bao bì Hải Phòng. Các sản phẩm ngoại nhập phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc với các sản phẩm từ bình dân đến cao cấp, một số ít xuất xứ từ các nước Châu Âu và Mỹ chủ yếu là các sản phẩm cao cấp.
Thực tế về mặt quản lý nhà nước đã có các quy định quản lý chất lượng về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ làm bằng thủy tinh gốm sứ và tráng men tiếp xúc với thực phẩm như Thông tư 35/2015/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ làm bằng thủy tinh gốm sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; QCVN 12-4:2015/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ làm bằng thủy tinh gốm sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Việt Nam hiện đã có các quy định về quản lý chất lượng về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ làm bằng thủy tinh gốm sứ và tráng men tiếp xúc với thực phẩm. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có thống kê, nghiên cứu hay đánh giá cụ thể nào liên quan đến mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với bao bì, dụng cụ thủy tinh gốm sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Đa số các doanh nghiệp sản xuất không kiểm tra và không công bố mức độ đáp ứng của sản phẩm mình sản xuất đối với các yêu cầu của quy chuẩn quốc gia. Chính vì vậy, người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm cũng khó có thể biết được sản phẩm có thực sự an toàn hay không. Xuất phát từ những lý do trên, năm 2020, nhóm nghiên cứu của KS. Vũ Thúy Nga tại Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đề xuất và được Bộ Công Thương giao thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với bao bì, dụng cụ thủy tinh gốm sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và tư vấn hỗ trợ thực hành tại doanh nghiệp”.
Mục tiêu của đề tài là nâng cao chất lượng và quản lý hàng hóa ngành gốm sứ thủy tinh tăng sức cạnh tranh trên thị trường đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng; và tạo môi trường lành mạnh phát triển bền vững cho các doanh nghiệp.
Đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đánh giá thực trạng sự đáp ứng các yêu cầu về an toàn đối với các loại bao bì, dụng cụ thủy tinh gốm sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phổ biến trên thị trường trong nước.
- Đề ra các giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm gốm sứ thủy tinh và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng. Tạo môi trường lành mạnh giúp phát triển bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất.
- Hướng dẫn 03 doanh nghiệp sản xuất gốm sứ dân dụng đáp ứng các yêu cầu về an toàn đối với các loại bao bì, dụng cụ thủy tinh gốm sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
- Khảo sát đánh giá nguồn hàng hóa gốm sứ thủy tinh dân dụng trên thị trường, đồng thời đưa ra kết luận về thực trạng thôi nhiễm chì, cadimi và một số kim loại khác trong bao bì dụng cụ gốm sứ thủy tinh tiếp xúc với thực phẩm. Trên cơ sở đó, đưa ra các dự thảo, chương trình hành động, các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện kiểm soát quá trình thôi nhiễm kim loại nặng trong quá trình sử dụng.
- Tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời quảng bá và tăng năng suất lao động khi áp dụng các hướng dẫn về hệ thống đảm bảo chất lượng, hướng dẫn về hệ thống kiểm soát chất lượng và hệ thống kiểm soát tài liệu. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20337/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)