Nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất vùng đồng bằng sông Hồng và đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó
Cập nhật vào: Thứ tư - 01/03/2023 11:06 Cỡ chữ
Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình), với diện tích tự nhiên 2.125.600 ha (chiếm 6,42% diện tích tự nhiên cả nước). Dân số vùng ĐBSH cao nhất cả nước, đến năm 2019 có 22.543.607 người (chiếm 23,4% dân số cả nước); mật độ dân số là 1.060 người/km2, cao hơn trung bình cả nước 3,66 lần (cả nước: 290 người/km2). ĐBSH có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có cả miền núi, trung du và đồng bằng châu thổ là điều kiện cơ bản để phát triển nền sản xuất hàng hóa nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện. ÐBSH được mệnh danh là vựa lúa; hàng năm, tổng sản lượng lương thực có hạt, thực phẩm và nhiều loại nông sản khác đứng thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long); góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực và nông sản xuất khẩu. Với đặc thù là vùng “đất chật, người đông”, tài nguyên đất vùng ĐBSH đã được khai thác triệt để cho các mục đích sử dụng khác nhau.
Trong những năm qua, tài nguyên đất vùng ĐBSH có sự biến động mạnh về diện tích và chất lượng do tác động của con người và tự nhiên. Diện tích đất nông nghiệp trên đầu người liên tục giảm do chuyển đổi sang phát triển công nghiệp, đô thị, kết cấu hạ tầng... Tài nguyên đất vùng ĐBSH vốn được coi là trù phú và màu mỡ nhưng đang bị tác động mạnh bởi các quá trình thoái hóa như rửa trôi, bạc màu, xâm nhập mặn... Bên cạnh đó, vùng ĐBSH là vùng có địa hình thấp nên thường xuyên chịu ngập úng vào mùa mưa bão, tình trạng hạn hán trong mùa khô diễn ra với quy mô và cường độ ngày càng tăng. Tác động của BĐKH đến tài nguyên đất và sử dụng đất (SDĐ) là một vấn đề phức tạp. Những nghiên cứu về vấn đề này ở Việt Nam chưa nhiều. Việc đánh giá định lượng tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) đất là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững (PTBV) của Đất nước; là cơ sở và tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh và an sinh xã hội. Đặc biệt, đối với vùng ĐBSH là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhằm cung cấp các luận cứ khoa học để tăng cường quản lý hiệu quả và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, lồng ghép thích ứng với BĐKH vào QHSDĐ và phát triển nông nghiệp của vùng.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Lưu Thế Anh thực hiện “Nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất vùng đồng bằng sông Hồng và đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó” với mục tiêu: Đánh giá được nguyên nhân biến động tài nguyên đất vùng ĐBSH dưới tác động của biến đổi khí hậu giai đoạn 1985 - 2015; Đánh giá được hiện trạng và dự báo xu thế biến động tài nguyên đất theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất, phục vụ quy hoạch và xây dựng kế hoạch SDĐ vùng ĐBSH; Đề xuất được giải pháp tổng hợp sử dụng tài nguyên đất hợp lý, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSH.
Tài nguyên đất được hình thành phụ thuộc chặt chẽ vào điều kiện phát sinh đất, nguồn gốc và các quá trình thổ nhưỡng chủ đạo ở vùng ĐBSH. Chất lượng đất và độ phì tự nhiên của đất luôn gắn liền với cấu trúc và thành phần khoáng vật của đá mẹ. Các yếu tố hình thành đất (đá mẹ/mẫu chất, địa hình, khí hậu, nước, sinh vật, thời gian, con người) có quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại với nhau tạo thành một thể thống nhất độc lập trong quá trình phát sinh và phát triển của đất. Quan điểm này được vận dụng để nghiên cứu, phân tích sự tương tác đặc thù giữa các yếu tố phát sinh trong điều kiện khu vực nghiên cứu, từ đó làm rõ tính đặc trưng của các quá trình phát sinh đất.
Tài nguyên đất có liên quan chặt chẽ quá trình hình thành, sử dụng đất (SDĐ) và tác động của môi trường. Những thay đổi của tài nguyên đất phức tạp và đa dạng, gắn liền với lịch sử phát sinh, phát triển và sử dụng các loại đất của con người. Các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên đất đã góp phần làm gia tăng hoặc hạn chế các quá trình thoái hóa đất. Khi phân tích các nguyên nhân gây ra biến động tài nguyên đất, cần xem xét đến lịch sử khai thác và biến động trong quá khứ. Vì vậy, để xác định đúng nguyên nhân biến động, cần xem xét các hệ thống SDĐ trong quá khứ và hiện tại, làm cơ sở dự báo cho tương lai. Suy giảm chất lượng đất là hệ quả không mong muốn do tác động từ hoạt động KT-XH và quá trình tự nhiên, làm phá vỡ cân bằng sinh thái của đất, làm suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng dinh dưỡng của đất canh tác, làm giảm các điều kiện sống và làm tăng các yếu tố giới hạn. Thay đổi chất lượng đất thường kéo dài liên tục trong thời gian dài. Vì vậy, tiếp cận theo quan điểm lịch sử - viễn cảnh là cần thiết trong nghiên cứu này.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Theo phân loại phát sinh đất tỷ lệ 1:250.000, tài nguyên đất vùng ĐBSH đa dạng và phong phú với 11 nhóm đất và 37 đơn vị đất. Trong đó, nhóm đất phù sa có diện tích lớn nhất với 653.405,8 ha (chiếm 30,74% diện tích tự nhiên toàn vùng); tiếp đến là nhóm đất đỏ vàng có 481.842,5 ha (chiếm 22,67%); nhóm đất mặn có 133.544,9 ha (chiếm 6,28%); nhóm đất phèn có 88.176,9 ha (chiếm 4,15%); nhóm đất xám bạc màu có 34.082,0 ha (chiếm 1,60%); nhóm đất cát có 28.761,2 ha (chiếm 1,35%); nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi có 13.905,1 ha (chiếm 0,65%); nhóm đất thung lũng cos7.203,2 ha (chiếm 0,34%); nhóm đất đen có 1.331,6 ha (chiếm 0,06%); nhóm đất lầy và than bùn cos800 ha (chiếm 0,04%); nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá có diện tích nhỏ không đáng kể (549,2 ha; chiếm 0,03%). Nhóm đất phù sa được hình thành từ bồi đắp của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình phân bố rộng khắp các tỉnh, trên địa hình bằng phẳng, đây là tài nguyên quốc gia có giá trị và vô cùng quý giá mà tự nhiên đã ưu đãi cho vùng ĐBSH để hình thành vùng chuyên canh trồng lúa nước lớn thứ hai cả nước, chỉ sau đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu.
Tính đến 31/12/2018, các tỉnh vùng ĐBSH đã khai thác đưa vào sử dụng 37,2% diện tích quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp (SXNN) (tương ứng 791.700 ha); 23,2% cho lâm nghiệp (493.700 ha); 15,1% cho đất chuyên dụng (320.700 ha; 6,9% cho đất ở (145.900 ha); 4,7% đất chưa sử dụng (100.700 ha); còn lại là các loại đất khác. Như vậy, có thể thấy quỹ đất trự trữ cho tương lại của vùng ĐBSH không còn nhiều, trong khi vùng BĐSH vốn được biết đến là nơi đất trật, người đông. Mật độ dân số 1.066 người/km2 (cao cấp gấp 3,7 lần trung bình cả nước); bình quân diện tích đất SXNN đạt 0,035 ha/người; thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước và thấp hơn 3,3 lần bình quân của cả nước (0,12 ha/người), thấp hơn mức trung bình trong khu vực châu Á (0,09 ha/người) và trung bình thế giới (0,2 ha/người) và thấp hơn nhiều lần so với Lào, Campuchia và Thái Lan rất nhiều (trung bình 0,24 ha/người). Cần thiết phải giữ ổn định diện tích đất SXNN ở vùng ĐBSH, đặc biệt là đất trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18168/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)