Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, hoạt động nhân sinh nhằm đề xuất giải pháp, mô hình phát triển bền vững khu vực ven sông Hậu
Cập nhật vào: Thứ sáu - 14/07/2023 11:02 Cỡ chữ
Sông Hậu chảy theo hướng Bắc Nam, có chiều dài khoảng 230 km, chảy trên vùng châu thổ có địa hình bằng phẳng từ vùng biên giới Campuchia thuộc tỉnh An Giang đến khu vực ven biển thuộc tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Lòng sông được mở rộng dần về phía biển, đáy sông có độ sâu biến đổi đổi từ 10-30 m, có nơi sâu nhất đến 40 m. Địa hình ở khu vực ven sông hậu khá bằng phẳng, phần lớn có độ cao trung bình từ 0,7 - 1,2 m. Khu vực ven sông Hậu địa bàn của 446 xã/phường, của 28 huyện, thị thuộc 7 tỉnh và thành phố gồm: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Trà Vinh. Khu vực ven sông Hậu là hợp phần quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là khu vực có lĩnh vực nông nghiệp phát triển bao gồm các sản phẩm từ lúa gạo, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Tổng sản lượng lúa của các huyện/thị trong khu vực vào năm 2016 là khoảng 4,9 triệu tấn, ngô là 97.193 tấn, thủy sản 816.509 tấn, tổng số gia súc (bò, trâu, lợn) là khoảng 940.906 con, số lượng gia cầm gần 9 triệu con. Số liệu thống kê cho thấy vai trò quan trọng của các địa phương ven sông Hậu đối với việc đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy kinh tế cho khu vực và cho đất nước.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) và các hoạt động xây đập thủy điện và điều tiết dòng chảy sông ở thượng nguồn (ICEM, 2010), các hoạt động xây dựng công trình thủy lợi, xây dựng nhà cửa sát bờ sông, xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, khai thác cát đáy sông Hậu và các phụ lưu, khai thác nước ngầm đang diễn ra mạnh mẽ, làm cường hóa thiên tai và ô nhiễm môi trường ở khu vực ven sông Hậu. Các tác động của BĐKH và thiên tai (xói lở bờ sông và bờ biển, nhiễm mặn, lũ lụt, hạn hán…) đến nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, du lịch… tại các địa phương ven sông Hậu ngày càng nghiêm trọng và gây ra nhiều tổn thất kinh tế, xã hội, môi trường và hệ sinh thái.
Nhằm xây dựng được luận cứ khoa học cho PTBV khu vực ven sông dưới tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh; đánh giá và dự báo được các tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh khu vực ven sông Hậu; đề xuất được cơ chế, chính sách, giải pháp và mô hình PTBV khu vực ven sông Hậu, nhóm thực hiện đề tài, Phòng thí nghiệm Trọng điểm Địa môi trường và Ứng phó Biến đổi khí hậu, do PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, hoạt động nhân sinh nhằm đề xuất giải pháp, mô hình phát triển bền vững khu vực ven sông Hậu”.
Qua quá trình nghiên cứu, thực hiện, đề tài đã rút ra một số kết luận sau:
1) Đề tài đã xây dựng được luận cứ khoa học cho PTBV khu vực ven sông dưới tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh:
Bộ tiêu chí đánh tác động của BĐKH, thiên tai ở khu vực ven sông Hậu gồm các nhóm tiêu chí:
i) Nhóm tiêu chí nhận thức, thái độ của người dân về tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh;
ii) Nhóm tiêu chí tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh đối với sản xuất lúa;
iii) Nhóm tiêu chí tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh đối với trồng cây ăn quả;
iv) Nhóm tiêu chí tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh đối với nuôi trồng thủy sản;
v) Nhóm tiêu chí tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh đến hoạt động/lĩnh vực du lịch.
Bộ tiêu chí là cơ sở để xây dựng bộ phiếu điều tra, khảo sát, lấy ý kiến của người dân về các vấn đề tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh ở khu vực ven sông Hậu.
2. Đề tài đã đánh giá và dự báo được các tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh khu vực ven sông Hậu:
- Khu vực ven sông Hậu đang chịu tác động mạnh mẽ từ BĐKH và thiên tai: hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, lũ bất thường, lũ lụt, bão...
- Kết quả phân vùng tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh khu vực ven sông Hậu gồm: phân vùng mức độ nguy hiểm, MĐTT; và phân vùng tổng hợp tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh.
- Các kết quả dự báo tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh đến các các hoạt động sinh kế chính gồm trồng lúa, trồng cây ăn quả, NTTS, du lịch; việc làm, thu nhập, di cư, đến môi trường, suy thoái tài nguyên trong 5 năm tới đã được thực hiện trên cơ sở phân tích số liệu điều tra xã hội học và ý kiến dự báo của người dân địa phương.
3. Đề tài đã xây dựng và đề xuất được mô hình PTBV khu vực ven sông Hậu trong bối cảnh BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh.
Các mô hình PTBV gồm: mô hình PTBV tổng quát, mô hình PTBV trong lĩnh vực trồng trọt, NTTS và du lịch được đề xuất dựa trên nghiên cứu cơ sở thực tiễn về điều kiện tự nhiên, KT-XH, tác động của BĐKH, thiên tai, hoạt động nhân sinh; thực tiễn thực hiện các mô hình này ở các địa phương khu vực ven sông Hậu.
Trên cơ sở đó, đề tài đã đề xuất khung nội dung mô hình PTBV và nhân rộng các mô hình PTBV trên ra các địa phương khác. Cấu trúc của các mô hình PTBV gồm: nguyên tắc, quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu và các nội dung về phát triển bền vững kinh tế, PTBV xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH, giảm phát thải KNK và khả năng nhân rộng mô hình.
4. Đề tài đã đề xuất được cơ chế, chính sách, giải pháp PTBV khu vực ven sông Hậu như sau:
- Các cơ chế PTBV khu vực ven sông Hậu được đề xuất gồm: Cơ chế PTBV, sáng tạo, bao trùm; cơ chế điều phối tiểu vùng thông qua thành lập Ban ứng phó BĐKH và PTBV lưu vực sông Hậu; thực hiện các cơ chế liên kết vùng để huy lợi thế so sánh, tạo ra tính cạnh tranh cao hơn cho một vùng, tạo ra động lực phát triển kinh tế và thực hiện tốt các chức năng bảo tồn tài nguyên, sinh thái, môi trường; cơ chế chia sẻ dữ liệu liên ngành để thông tin kịp thời cho tư vấn và ra quyết định phát triển KTXH, ứng phó BĐKH và bảo vệ môi trường; cơ chế thu hút các nguồn lực, đầu tư; cơ chế tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững và cơ chế hợp tác quốc tế.
- Các chính sách PTBV khu vực ven sông Hậu được đề xuất gồm: Xây dựng quy hoạch tổng thể về PTBV vùng ven sông Hậu nói riêng thích ứng với BĐKH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương khu vực ven sông Hậu, giữa vùng ven sông Hậu với các vùng khác của ĐBSCL và với cả nước; Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp về KTXH, BĐKH cho khu vực ven sông Hậu và tích hợp với cơ sở dữ liệu vùng ĐBSCL; Phát triển khoa học – công nghệ trong sản xuất, ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai; Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của nhà nước, khuyến khích thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế để PTBV; Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu về PTBV, ứng phó BĐKH; Thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế, với các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công, Ủy hội sông Mê Công quốc tế, các tổ chức quốc tế trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước, hỗ trợ PTBV ĐBSCL thích ứng BĐKH.
- Các giải pháp PTBV khu vực ven sông Hậu được đề xuất gồm: Các giải pháp chung để PTBV, ứng phó BĐKH gồm 6 giải pháp; Các giải pháp thích ứng BĐKH, phòng chống tai biến thiên nhiên để PTBV gồm 11 giải pháp; Các giải pháp giảm nhẹ BĐKH để PTBV gồm 8 giải pháp.
Từ kết quả thu được, đề tài đề nghị các cơ quan hữu quan cho phép ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18500/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)