Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể cải thiện các chỉ số (“Giá trị nhập khẩu/GDP”, “Mức độ định hướng khách hàng” và “Mức độ tinh thông của người mua”) trong hệ thống các chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ ba - 28/09/2021 02:09 Cỡ chữ
Cho đến nay, đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việt Nam đã phê chuẩn 10 FTA song phương và đa phương với các đối tác trong khu vực và trên thế giới, bao gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và 5 FTA ASEAN +1 (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand; 4 FTA song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản (VJEPA), với Hàn Quốc (KVFTA), với Chile (VCFTA), với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEUFTA). Việt Nam cũng đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA với EU, cùng ASEAN ký FTA với Hong Kong vào tháng 11/2017. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đến nay, có khoảng 60 nền kinh tế đã và đang đàm phán FTA với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam. Việc thực thi các FTA nói trên đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý, tạo thêm nhiều việc làm…
Do vậy, việc đề ra các giải pháp thiết thực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết nhằm tranh thủ hiệu quả cơ hội và lợi ích của các cam kết hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển nhanh, bền vững. Vì thế từ năm 2017 đến năm 2018, nhóm nghiên cứu của CN. Vũ Thị Thu Hà tại Viện Năng suất Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể cải thiện các chỉ số (“Giá trị nhập khẩu/GDP”, “Mức độ định hướng khách hàng” và “Mức độ tinh thông của người mua”) trong hệ thống các chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam” từ năm 2017 đến năm 2018.
Đề tài nhằm mục tiêu làm rõ bản chất, phương pháp tính toán và yếu tố tác động tới các chỉ số: “Giá trị nhập khẩu/GDP”; “Mức độ định hướng khách hàng” và “Mức độ tinh thông của người mua”; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để cải thiện các chỉ số (“Giá trị nhập khẩu/GDP”; “Mức độ định hướng khách hàng” và “Mức độ tinh thông của người mua”) của Việt Nam.
Sau một năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả sau:
- 01 tài liệu Phương pháp luận về cách tiếp cận ba chỉ số: Giá trị nhập khẩu trên GDP, Mức độ định hướng khách hàng và Mức độ tinh thông của người mua và đề xuất các giải pháp cụ thể để cải thiện ba chỉ số này đã được trình, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ.
- 01 báo cáo tổng hợp nhiệm vụ, 10 báo cáo sản phẩm KH&CN chính và 26 báo cáo chuyên đề được xây dựng đã cung cấp một lượng thông tin tổng hợp khá phong phú để thấy được ở cấp độ tổng quan lẫn chi tiết về mối tương quan của 03 chỉ số, phân tích thực trạng, các yếu tố tác động đến các chỉ số; kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ để cải thiện ba chỉ số này.
- 01 bài báo phân tích, đánh giá các yếu tố tác động và đề xuất các giải pháp cải thiện 03 chỉ số: Giá trị nhập khẩu/GDP, Mức độ định hướng khách hàng và Mức độ tinh thông của người mua trong hệ thống các chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16701/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)