Nghiên cứu đề xuất giải pháp, mô hình nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở một số địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc
Cập nhật vào: Thứ hai - 17/08/2020 01:38
Cỡ chữ
Trong nghiên cứu về hệ thống chính trị, nghiên cứu về hệ thống chính trị cấp cơ sở đóng một vai trò quan trọng, bởi lẽ đây là tầng cấp thấp nhất, nhưng lại là hợp phần trực tiếp quan hệ, tiếp xúc với dân. Hệ thống chính trị cấp cơ sở cũng chính là nơi nhạy bén nhất, đóng vai trò thường trực trong việc tiếp nhận các phản hồi của xã hội và công dân đối với các chính sách, pháp luật, quyết định nói riêng và đối với toàn bộ chế độ chính trị nói chung. Do vậy, có thể nói năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở là nhân tố quyết định đến sự ổn định và phát triển ở địa phương. Do tầm quan trọng như vậy nên nghiên cứu về hệ thống chính trị cấp cơ sở luôn luôn là một vấn đề quan trọng và cấp thiết trong nghiên cứu về hệ thống chính trị. Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, vấn đề đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao năng lực của hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở đang ngày càng được đặt ra như một đòi hỏi khách quan, cấp bách, nóng bỏng.
Đặc biệt là đối với hệ thống chính trị cấp cơ sở, yêu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn, bởi lẽ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, vượt qua khoảng cách tụt hậu, chấn hưng đất nước, bảo vệ, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và chủ quyền quốc gia phải thực sự là sự nghiệp to lớn của toàn dân, được toàn thể dân tộc ủng hộ, tham gia tích cực trên cơ sở sự đồng thuận vững chắc nhất. Những thành tựu to lớn, mang tính lịch sử mà Đảng và nhân ta đã đạt được trong suốt quá trình 30 năm đổi mới và phát triển vừa qua là những minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định nói trên, trong đó, đặc biệt là thành tựu trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và khối đại đoàn kết dân tộc, thành tựu trong phát triển kinh tế, nhất là trong phát triển nông nghiệp, thành tựu trong tổ chức triển khai các chính sách xã hội, nhất là chính sách xóa đói, giảm nghèo,...
Tuy nhiên, thực tiễn của quá trình đổi mới cũng cho thấy hệ thống chính trị cấp cơ sở là nơi đã và đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, phức tạp nhất và cũng là hợp phần có nhiều vấn đề nhất của hệ thống chính trị nước ta. Thực tiễn đã ghi nhận trong những năm vừa qua về cơ bản tình hình quốc phòng và an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo, nhưng hằng năm vẫn có hàng chục nghìn cuộc xung đột trong nội bộ nhân dân và khiếu kiện đông người. Ở một số vùng như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc thậm chí đã có dấu hiệu của bạo động. Tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nhiều khu vực, kể cả các đô thị lớn cũng nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp do tệ nạn và tội phạm gia tăng. Có nhiều vụ việc gây bức xúc lớn trong dư luận, như tình trạng cướp giật, bạo hành, hành xử hung bạo, tình trạng giang hồ, băng đảng đã có dấu hiệu của tội phạm có tổ chức quy mô lớn,... Tình trạng tham nhũng, lạm quyền của cán bộ, chính quyền địa phương cũng rất nhức nhối. Ở nhiều địa phương công năng của hệ thống chính trị cấp cơ sở bị giảm sút nghiêm trọng, quyền làm chủ của công dân bị vi phạm, vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân không được phát huy đầy đủ. Tình hình nói trên đã tạo ra những khoảng trống trong quản lý xã hội và là không gian để các loại tội phạm, tệ nạn phát triển, kể cả sự thâm nhập của một số lực lượng phản động.
Chính tình hình phức tạp nói trên đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với việc nghiên cứu nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Trƣờng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Phạm Quốc Thành đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Riêng đối với một số địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc, yêu cầu đặt ra đối với việc nghiên cứu nhằm đề xuất giải pháp mô hình nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở càng được đặt ra cấp thiết.
Việc triển khai nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp, mô hình nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở một số địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc” là hết sức cấp bách trong bối cảnh xây dựng, phát triển vùng Tây Bắc hiện nay và trong những năm tiếp theo. Tìm kiếm cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở khu vực miền núi vững mạnh, phúc đáp yêu cầu phát triển bền vững vùng là trách nhiệm của các cấp ủy đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp của các tỉnh vùng Tây Bắc, của giới nghiên cứu khoa học và của toàn Đảng, toàn dân ta.
Các kết quả nghiên cứu chính của đề tài thể hiện trên những điểm sau:
Đề tài đã nghiên cứu làm sáng tỏ các khía cạnh lý luận cơ bản liên quan đến xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở vùng trọng yếu Tây Bắc, từ đó hình thành nền tảng nhận thức cho việc tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở tại địa bàn trong thời gian tới. Trên phương diện này, đề tài đã nhận diện rõ nét hơn những khái niệm công cụ: hệ thống chính trị, hệ thống chính trị cấp cơ sở, năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở... Đề tài cũng tập trung làm sáng tỏ các đặc điểm, các mối quan hệ và vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở vùng trọng yếu Tây Bắc, phân tích các yếu tố đặc thù, khả năng tác động tới tổ chức và quá trình vận hành của hệ thống chính trị cấp cơ sở vùng trọng yếu Tây Bắc. Đề tài đã dành điểm nhấn vào việc phân tích các tiêu chí đánh giá tính phù hợp đối với năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở vùng trọng yếu Tây Bắc.
Đề tài đã phân tích, đánh giá quá trình xây dựng và thực trạng năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở tại địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc; chỉ ra hiệu quả hoạt động và mức độ đáp ứng của năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở đối với nhu cầu phát triển vùng Tây Bắc. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đề tài đã hướng sự quan tâm vào việc nhận diện những vấn đề vướng mắc, bất cập, trở lực của nhiệm vụ cải thiện, nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở một số địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc.
Trên cơ sở dự báo các biến động trong quá trình hoàn thiện và nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở vùng trọng yếu Tây Bắc, đề tài đã đề xuất được các nhóm giải pháp và mô hình cụ thể giúp nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở tại một số địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15345/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)