Nghiên cứu, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc
Cập nhật vào: Thứ ba - 09/05/2023 00:01 Cỡ chữ
Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua biên giới với Trung Quốc thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển thương mại nói riêng và kinh tế - xã hội các tỉnh biên giới nói chung, góp phần nâng cao đời sống dân cư vùng biên giới; phát triển hạ tầng thương mại; tăng thu ngân sách; chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương; duy trì, củng cố quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng, để phát huy tiềm năng, lợi thế của các cửa khẩu biên giới và quan hệ thương mại với Trung Quốc góp phần thúc đẩy thương mại biên giới (TMBG) theo hướng ổn định và bền vững, giảm nhập siêu trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam cần quan tâm xây dựng các giải pháp, biện pháp đồng bộ để giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, cụ thể là:
- Hoạt động XNK của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung thường ở vào thế lúng túng, bị động, chạy theo phía Trung Quốc do không nắm rõ thông tin về thị trường và chính sách của Trung Quốc và yêu cầu của doanh nghiệp Trung Quốc (thay đổi phương thức giao nhận, địa điểm nhập khẩu, bị ép giá…) dẫn đến việc nhiều mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế sản xuất, xuất khẩu như nông sản, trái cây… xuất khẩu không ổn định khi nguồn cung tăng cao hoặc khó tiêu thụ khi vào chính vụ thu hoạch; hơn nữa, hiện Trung Quốc cũng đã tiến hành quy hoạch trồng nhiều loại trái cây trước kia vốn là thế mạnh của Việt Nam với quy mô lớn như thanh long, dưa hấu, nên khi chính vụ trùng nhau thì việc xuất khẩu càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung được đánh giá trên các khía cạnh “XNK chính ngạch” hay “XNK tiểu ngạch” hay dưới góc độ mua bán, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, hoạt động tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu. Điều này một phần là do Việt Nam chưa hoàn chỉnh được những cơ chế, chính sách quản lý và điều hành chiến lược trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung.
- Việc Trung Quốc đã và đang ban hành nhiều quy định đối với hàng nhập khẩu, trong đó có các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu về tiêu chí kỹ thuật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra thực địa vùng nguyên liệu và cơ sở xản xuất đã tác động trực tiếp tới sản xuất, xuất khẩu nhiều mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông, lâm, thủy sản, trái cây tươi…, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị tốt về vấn đề này và vẫn chủ quan khi đánh giá thị trường Trung Quốc là một thị trường “dễ tính” nên chưa có định hướng chiến lược lâu dài cho phát triển sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này. Đây cũng là một trong những thách thức lớn trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
- Từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, dịch bệnh do virus corona mới bùng phát từ Vũ Hán (Covid-19), Trung Quốc đã có tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, là quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu sẽ bị tác động mạnh. Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan, trong tháng 1/2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 2,75 tỷ đôla, giảm đến hơn 35% so với tháng 12/2019. Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm hơn 20%. Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, các mặt hàng nông sản và thủy sản bị tác động xấu mạnh nhất (trong đó dưa hấu và thanh long chịu tác động đầu tiên).
Do vậy, việc xây dựng Đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững TMBG Việt Nam-Trung Quốc” là rất cần thiết và cấp bách được Cơ quan chủ trì Cục Xuất nhập khẩu cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Trần Quốc Toản thực hiện với mục tiêu: Đánh giá toàn diện thực trạng TMBG Việt Nam - Trung Quốc và đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững TMBG Việt Nam - Trung Quốc.
Thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển thương mại nói riêng và kinh tế - xã hội các tỉnh biên giới nói chung, góp phần nâng cao đời sống dân cư vùng biên giới. Phát triển TMBG tạo khả năng mở rộng hợp tác kinh tế, qua đó tạo môi trường an ninh - chính trị ổn định, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền khu vực biên giới của hai nước.
Các điều ước quốc tế song phương và đa phương đưa ra các quy định nhằm xác định, phân định những khác biệt giữa thương mại theo thông lệ quốc tế với TMBG do những đặc trưng “có chung biên giới” giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể về quy mô, loại hình, chủng loại hàng hóa... trong hoạt động thương mại TMBG lại do những cam kết song phương giữa hai quốc gia có chung biên giới và được áp dụng không giống nhau trên thế giới. Đối với hoạt động XNK qua biên giới, chính sách quản lý nhà nước của Việt Nam hiện nay cũng phân định một cách tương đối giữa XNK theo thông lệ quốc tế (chính ngạch) và XNK/trao đổi biên giới (tiểu ngạch), tuy nhiên, cần có sự phân định rõ hai hình thức này để có các biện pháp quản lý nhà nước đối với TMBG một cách thống nhất, phù hợp và bền vững trong bối cảnh phía Trung Quốc thay đổi các chính sách TMBG theo hướng ngày càng chặt chẽ, dựa trên các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế.
Với mục tiêu đánh giá toàn diện thực trạng TMBG Việt Nam - Trung Quốc và đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững TMBG Việt Nam - Trung Quốc đã đạt được một số kết quả sau:
- Nêu lên một số vấn đề chung và kinh nghiệm quốc tế trong phát triển TMBG;
- Điều tra, đánh giá thực trạng TMBG Việt Nam - Trung Quốc;
- Phân tích, đánh giá thực trạng chính sách và giải pháp phát triển TMBG Việt Nam - Trung Quốc;
- Trên cơ sở đó, cùng với những kết quả nghiên cứu từ chương 1 và 2, ở phần cuối, đề tài đã trình bày một số quan điểm, định hướng và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững TMBG Việt Nam - Trung Quốc cũng như đề xuất một số kiến nghị đối với Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18246/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)