Nghiên cứu đề xuất mô hình, chính sách và giải pháp phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi ở Việt Nam
Cập nhật vào: Chủ nhật - 12/07/2020 23:10 Cỡ chữ
Xuất phát từ những hạn chế của các mô hình và chính sách, giải pháp phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi ở Việt Nam thời gian qua, TS. Nguyễn Trung Đông cùng các cộng sự tại Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất mô hình, chính sách và giải pháp phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất – tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi ở Việt Nam” trong 2 năm từ 2015 đến 2016.
Nghiên cứu này đã thực hiện 3 mục tiêu: (1) Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn mô hình, chính sách, giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi; (2) Phân tích thực trạng mô hình, chính sách, giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi; (3) Đề xuất hoàn thiện mô hình, chính sách, giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi.
Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Nguồn dữ liệu thu thập thông qua nghiên cứu thực địa bằng quan sát, thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu. Nhóm nghiên cứu đã tổ chức các đoàn mời nông dân, thương lái, tổ hợp tác đến thảo luận những khó khăn, thuận lợi của các hình thức hợp tác, liên kết, cơ chế liên kết và chính sách liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi, cụ thể là chăn nuôi lợn thịt, chăn nuôi gia cầm (chủ yếu là gà), chăn nuôi bò sữa và bò thịt.
Qua nghiên cứu thực trạng chính sách, giải pháp HTLK sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi, nhóm nghiên cứu đã đề xuất chính sách, giải pháp phát triển HTLK sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi như sau: (1) Hoàn thiện chính sách tín dụng thúc đẩy HTLK sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi; (2) Hoàn thiện chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư vào sản xuất - kinh doanh phục vụ liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản; (3) Hoàn thiện chính sách thúc đẩy các tác nhân tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản; (4) Giải pháp về nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia vào mô hình hợp tác liên kết; (5) Giải pháp về tuyên truyền; (6) Giải pháp về văn hóa trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi..
Đề tài có ý nghĩa thực tiễn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển và tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15398) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)
xuất phát, hạn chế, mô hình, giải pháp, phát triển, hợp tác, liên kết, sản xuất, tiêu thụ, sản phẩm, chăn nuôi, thời gian, trung đông, cán bộ, quản lý, nông nghiệp, nông thôn, thực hiện, nghiên cứu