Nghiên cứu, đề xuất mô hình sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới thuộc ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia
Cập nhật vào: Thứ năm - 25/01/2024 12:01 Cỡ chữ
Nghiên cứu đề cập đến 5 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ratanakiri, Atapeu, trong đó ba tỉnh Kon Tum, Ratanakiri, Atapeu có biên giới chung, hình thành Ngã ba Đông Dương, như là “vùng lõi” của Tam giác phát triển Lào - Campuchia - Việt Nam. Tỉnh Quảng Nam tiếp giáp tỉnh Atapeu. TP. Đà Nẵng không tiếp giáp với biên giới nhưng là cửa ngõ quan trọng để tổ chức liên kết vùng giữa khu vực Tam giác phát triển với các đường hàng hải quốc tế.
Với diện tích lớn, dân số không nhiều, khoảng trên hai triệu người, mật độ dân số nói chung là thấp (trừ Đà Nẵng) trong đó hai tỉnh Ratanakiri và Atapeu mật độ dân số chỉ khoảng 14-17 người/km2, tài nguyên đất đai có khả năng đưa vào khai thác còn lớn, kể cả các tỉnh của Việt Nam. Tài nguyên nước phong phú là tiền đề để phát triển thủy điện, thủy lợi… trên địa bàn. Nhiều nhà máy thủy điện công suất lớn đã và đang được xây dựng tại các địa phương góp phần cung cấp điện, nước tưới…cho nhu cầu ngày càng tăng của khu vực.
Mặc dù khu vực được biết đến là nơi còn chậm về phát triển kinh tế - xã hội của 3 nước (trừ Đà Nẵng) nhưng đã xuất hiện nhiều vấn đề về quản lý và sử dụng tài nguyên. Mô hình sử dụng đất đang thay đổi do dân di cư tự do và quá trình tăng cường các hoạt động nông nghiệp và khai thác rừng gỗ. Xói mòn đất ngày càng tăng, chế độ vi khí hậu đang thay đổi. Rừng của khu vực hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng do bị khai thác cạn kiệt dẫn đến mất rừng. Một trong những mối đe dọa chính là hoạt động khai thác lâm sản làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ của các quốc gia, kể cả các nước láng giềng như Trung Quốc và Thái Lan. Các cánh rừng ngày càng bị thu hẹp do các dự án phát triển hạ tầng, thủy điện, khai thác mỏ và trồng cây công nghiệp dẫn đến hậu quả là tài nguyên rừng bị khai thác trái phép và không bền vững… Bên cạnh đó, việc khai thác nguồn nước không bền vững đã làm cho mâu thuẫn sử dụng nước giữa các ngành kinh tế, giữa các chủ đầu tư và cư dân vùng hạ du trở lên gay gắt hơn bao giờ hết.
Từ thực tế trên, ThS. Vương Hồng Nhật đã phối hợp với các cộng sự tại Viện Địa lý thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất mô hình sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới thuộc ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia (gồm các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ratanakiri, Attapeu)” từ năm 2018 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng được bộ chỉ số của mô hình sử dụng bền vững TNTN xuyên biên giới (đất, nước, rừng) làm cơ sở khoa học phục vụ và khuyến cáo các bên liên quan lập kế hoạch sử dụng phù hợp; và đề xuất được các dạng mô hình sử dụng bền vững TNTN xuyên biên giới (đất, nước, rừng) khu vực nghiên cứu.
Sau bốn năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
1. Nghiên cứu tập trung quản lý TNTN xuyên biên giới gồm 4 thành phần chính gồm: a) Xây dựng các kế hoạch để trực tiếp lựa chọn những ưu tiên phát triển hoặc bảo tồn và kế hoạch quản lý các hoạt động trong khu vực; b) Xây dựng kế hoạch, phương pháp quản trị, huy động sự tham gia và chia sẻ công bằng lợi ích giữa các bên liên quan; c) Xây dựng kế hoạch kích hoạt các hoạt động đã đề ra; d) Xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá, kế hoạch đánh giá và giám sát các hoạt động này. Để thực hiện các nội dung nêu trên, một nhiệm vụ quan trong là xây dựng các kịch bản mô hình sử dụng hợp lý tài nguyên với các bước cụ thể gồm: đánh giá thể chế và chính sách sử dụng tài nguyên của các quốc gia liên quan; đánh giá các thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với việc xây dựng mô hình; xây dựng khung tổng quát của mô hình; xác định các hợp phần và các chỉ số biểu hiện các hợp phần của mô hình; xác định đường cơ sở (BAU) của các hợp phần; đề xuất các kịch bản mô hình sử dụng bền vững các dạng tài nguyên quan tâm (tài nguyên đất, nước và rừng); và kiểm định mô hình, trong đó cốt lõi là xây dựng bộ chỉ số sử dụng hợp lý tài nguyên.
2. Với cơ sở mô hình số độ cao, bản đồ địa mạo, bản đồ biến động lớp phủ. v.v... lần đầu tiên được tổng hợp, xây dựng cho toàn vùng ở tỷ lệ 1/250.000, một số bản đồ cấp tỉnh ở tỷ lệ 1/100.000 đề tài đã tiến hành đánh giá các đặc điểm nổi bật về điều kiện tự nhiên của khu vực. Lãnh thổ khu vực nghiên cứu nằm trong vùng có cấu tạo địa chất phân dị phức tạp. Sự đa dạng về nền địa chất trong khu vực được thể hiện bởi sự đa dạng về nguồn gốc, tuổi và thành phần vật chất khác nhau với sự tồn tại của cả các đá có tuổi cổ nhất (thuộc giới Arkei) đến tuổi trẻ nhất (Đệ tứ) với đầy đủ các nguồn gốc khác nhau, từ magma, trầm tích đến biến chất. Có thể xác định được 34 kiểu địa hình, gộp trong 6 nhóm kiến trúc hình thái (KTHT) khác nhau, bao gồm: (1) nhóm địa hình núi; (2) cao nguyên kiến tạo - bóc mòn; (3) cao nguyên kiến tạo - xâm thực - rửa trôi; (4) thung lũng và trũng giữa núi kiến tạo - xâm thực, xâm thực tích tụ; (5) đồi và đồng bằng bóc mòn, xâm thực rửa trôi và (6) đồng bằng tích tụ. Vỏ phong hoá nhiệt đới ẩm khá đặc trưng với lớp phủ thổ nhưỡng gồm 27 loại đất với 10 nhóm chính là đất phù sa, đất xám, đất đỏ vàng, đất mùn trên núi, đất đen, đất dốc tụ v.v…, trong đó phổ biến nhất là đất đỏ vàng chiếm trên 50% diện tích tự nhiên.
3. Khung thể chế, chính sách sử dụng và quản lý tài nguyên đất, nước, rừng của ba quốc gia đều quy định rõ ràng về sở hữu, quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý vi phạm tài nguyên theo các điều, khoản trong các bộ luật chuyên ngành và một số luật khác. Cả 3 quốc gia đều tham gia và cam kết thực hiện các công ước quốc tế liên quan đến tài nguyên đất, nước, rừng. Hệ thống luật và văn bản dưới luật đều phù hợp với các thỏa thuận trong cam kết, tuy nhiên hình thức thực hiện vẫn còn có nhiều khác biệt cho mỗi quốc gia.
4. Quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng tại khu vực nghiên cứu trong giai đoạn 2000-2018 diễn biến tương đối phức tạp. Xu hướng chủ đạo trong khai thác tài nguyên đất là giảm diện tích rừng, tăng diện tích sản xuất nông nghiệp, tăng diện tích đô thị và các công trình cơ sở hạ tầng. Nhu cầu sử dụng nước rất khác biệt giữa các địa phương, ví dụ cho nông nghiệp, các tỉnh ở Việt Nam có tổng lượng nước dùng cho nông nghiệp ở mức độ rất cao trong khi hai tỉnh Attapeu và Ratanakiri đều có mức độ sử dụng nước cho nông nghiệp thuộc loại rất thấp. Mặc dù nguồn nước khá phong phú nhưng ở hầu hết 50 huyện đều có các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm nước, bao gồm cả các nguồn tập trung như các khu công nghiệp, các khu dân cư, khu vực chăn nuôi tập trung và nguồn phân tán như từ các khu vực trồng trọt. Do nguồn ô nhiễm và các công trình thủy lợi thủy điện, mức độ rủi ro tới đa dạng sinh học cũng rất khác nhau. Kết quả giải đoán ảnh Landsat giai đoạn 1988-2018, tập trung vào giai đọa 2000 - 2018 với tổng số khoảng trên 2000 ảnh Landsat cho thấy qua 30 năm, tốc độ suy giảm rừng tự nhiên khoảng 1,5%/năm.
5. Sử dụng kỹ thuật Delphi kết hợp với tài liệu thực địa, nguồn tài liệu thu thập, đề tài đã xây dựng và tính toán định lượng giá trị của Bộ chỉ số sử dụng hợp lý các tài nguyên đất, nước, rừng khu vực xuyên biên giới Việt Nam- Lào- Campuchia với tổng cộng 74 chỉ số, cụ thể như sau: tài nguyên đất (5 chủ đề, 18 chỉ số); tài nguyên nước (5 chủ đề, 22 chỉ số); tài nguyên rừng (8 chủ đề, 34 chỉ số). Đây có thể coi là bộ chỉ số tương đối đầy đủ, cập nhật nhất để phục vụ cho việc hoạch định các chính sách, thể chế… khai thác bền vững các dạng tài nguyên nói chung và tài ngyên đất, nước, rừng khu vực nghiên cứu.
6. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng quá trình khai thác tài nguyên, sử dụng bộ chỉ số nêu trên, đề tài đã xây dựng mô hình sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nước, rừng cho khu vực với nhiều kịch bản khác nhau. Năm kịch bản sử dụng hợp lý tài nguyên đất được xây dựng theo hướng điều chỉnh các chỉ số thuộc cả 5 hợp phần để tăng dần mức độ bền vững của mô hình cho từng tỉnh cũng như toàn khu vực. Năm kịch bản sử dụng hợp lý tài nguyên nước được xây dựng theo hướng từ điều chỉnh các chỉ số của hợp phần quản trị tài nguyên nươc sau đó đến điều chỉnh các chỉ số của hợp phần chất lượng nước; Sử dụng hợp lý tài nguyên nước phải là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan và phải được thực thi và quản lý tổng hợp thống nhất và đồng bộ trên toàn bộ các lưu vực. Các kịch bản sử dụng bền vững tài nguyên rừng tập trung điều chỉnh các chỉ số về sự suy giảm diện tích rừng tự nhiên, nâng cao độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng cả rừng tự nhiên và rừng trồng, duy trì, bảo tồn và nâng cao đa dạng sinh học, giữ vững tỷ lệ diện tích rừng thuộc các vườn quốc gia, khu bảo vệ tự nhiên, rừng đặc dụng trên tổng diện tích tự nhiên.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp luận cứ khoa học cho các địa phương trong khu vực tham khảo nhằm hợp tác quản lý hiệu quả, lập quy hoạch và kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý các TNTN xuyên biên giới đối với 3 loại tài nguyên quan trọng là đất, nước và rừng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19575/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)