Nghiên cứu địa tầng các trầm tích Devon vùng Bắc - Tây Bắc đới cấu trúc Sông Hiến
Cập nhật vào: Thứ tư - 20/11/2024 00:06 Cỡ chữ
Trên thế giới nghiên cứu Địa tầng phân tập (Sequence stratigraphy) được các nhà địa chất, địa vật lý tập trung nghiên cứu và áp dụng trong công tác tìm kiếm và thăm dò dầu khí một cách có hiệu quả. Ở Việt Nam, từ những năm 1980 các nhà địa chất đã bắt đầu tiếp cận với hướng nghiên cứu địa tầng phân tập. Tuy nhiên, cho đến nay các ứng dụng phương pháp Địa tầng phâp tập đối với các trầm tích trước Kainozoi còn rất hạn chế, đặc biệt là các trầm tích Devon thì chưa có một công trình nghiên cứu nào được thực hiện.
Các trầm tích Devon phân bố ở Bắc Bộ Việt Nam nói chung và ở vùng Bắc Tây Bắc đới cấu trúc Sông Hiến nói riêng đã được điều tra, nghiên cứu chuyên đề về cổ sinh và địa tầng và đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự thống nhất trong việc phân chia các phân vị địa tầng. Thực tiễn, công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất 1: 50.000 và 1: 200.000 đã gặp khó khăn và không thống nhất trong phân chia và liên hệ địa tầng ở những khoảng địa tầng chưa tìm thấy hoặc không có hóa thạch. Đây là những tồn tại rất quan trọng cần giải quyết nhằm đảm bảo tính thống nhất quốc tế về địa chất và khoáng sản Việt Nam. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Đức Phong tại Viện khoa học địa chất và khoáng sản đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu địa tầng các trầm tích Devon vùng Bắc - Tây Bắc đới cấu trúc Sông Hiến” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu chính xác hoá trật tự và khối lượng của các phân vị địa tầng Devon vùng Bắc Tây Bắc đới cấu trúc Sông Hiến; và làm sáng tỏ đặc điểm cổ sinh thái, luận giải điều kiện môi trường thành tạo trầm tích giai đoạn Devon vùng nghiên cứu.
Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Phân tích, lựa chọn mô hình địa tầng phân tập áp dụng phù hợp cho nghiên cứu trầm tích Devon vùng Bắc Tây Bắc đới cấu trúc Sông Hiến.
- Chính xác hóa được trật tự địa tầng và khối lượng của các phân vị địa tầng: Loạt Sông Cầu (gồm 3 hệ tầng Si Ka (S4 sk), Bắc Bun (D1 bb) và Mia Lé (D1 ml)), hệ tầng Si Phai (D1-D3 sp) và hệ tầng Tốc Tát (D3fr-C1t tt) ở 03 mặt cắt Lũng Cú - Ma Lé (LT.01), Séo Hồ (LT.02) và Si Phai (LT.03) trong vùng nghiên cứu. Trong đó hệ tầng Si Ka được xếp lại tuổi từ Devon sớm thành Silur muộn.
- Xác lập 3 nhóm tướng và 15 tướng: Nhóm tướng biển nông ven bờ: (1) Tướng đá cát kết hạt nhỏ đến vừa biển nông ven bờ (tướng SA); (2) Tướng đá bột kết biển nông ven bờ (tướng SI); (3) Tướng đá bột kết xen thấu kính sạn kết vôi biển nông ven bờ (tướng SG); (4) Tướng đá bột kết chứa vôi biển nông ven bờ (tướng SC); (5) Tướng đá vôi sét chứa bột kết biển nông ven bờ (tướng MS); (6) Tướng đá sét kết chứa đá bột kết biển nông ven bờ (tướng SM); Nhóm tướng biển nông gần bờ: (7) Tướng đá vôi dăm sườn máng thềm, biển nông gần bờ (tướng BL); (8) Tướng đá vôi, đá vôi dolomit biển nông gần bờ (tướng LD); (9) Tướng đá sét vôi, vôi sét phân lớp mỏng biển nông gần bờ (tướng ML); (10) Tướng đá vôi sọc dải, đá vôi vân đỏ phân lớp mỏng biển nông gần bờ (tướng VL); (11) Tướng đá phiến sét vôi biển nông gần bờ (tướng CS); Nhóm tướng biển nông xa bờ: (12) Tướng đá phiến sét biển nông xa bờ (tướng SH); (13) Tướng đá vôi phân lớp mỏng nông xa bờ (tướng TL); (14) Tướng đá vôi, đá vôi silic phân lớp mỏng biển nông xa bờ (tướng SL); (15) Tướng đá phiến silic xen đá vôi vi hạt biển nông xa bờ (tướng SS).
- Xác lập 7 phức tập (SD1 - SD7) cho các trầm tích Silur trên - Devon vùng Bắc Tây Bắc đới cấu trúc Sông Hiến. - Bước đầu làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa các trầm tích Silur trên - Devon vùng Bắc - Tây Bắc đới cấu trúc Sông Hiến chủ yếu được khống chế bởi dao động mực nước biển toàn cầu và khu vực bao gồm 7 giai đoạn phát triển tương ứng với 7 chu kỳ dao động mực nước biển.
- Bước đầu làm sáng tỏ đặc điểm và phân bố biển nông ven bờ, biển nông gần bờ và biển nông xa bờ giúp khôi phục hoàn cảnh cổ địa lý thành tạo các trầm tích Devon vùng Bắc - Tây Bắc đới cấu trúc Sông Hiến.
- Thành lập 03 sơ đồ tướng đá - cổ địa lý của 3 giai đoạn Silur muộn - Devon sớm, Devon giữa và Devon muộn ở vùng Bắc Tây Bắc đới cấu trúc Sông Hiến và lân cận tỷ lệ 1: 2.000.000.
Kết quả nghiên cứu sẽ giúp các nhà địa chất có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn trong nghiên cứu bồn trầm tích, là cơ sở khoa học, phương pháp luận cho công tác điều tra, tìm kiếm các khoáng sản liên quan. Ngoài ra, đây còn là tài liệu hữu ích cho công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20352/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)