Nghiên cứu điều trị ung thư buồng trứng bằng liệu pháp vi rút tiêu hủy u (Oncolytic Virotherapy)
Cập nhật vào: Thứ hai - 06/05/2024 00:31
Cỡ chữ
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 14 triệu trường hợp mới mắc và 7,5 triệu người chết vì ung thư. Trong số các ca ung thư mới, ung thư buồng trứng chiếm 3,4% (0,23 triệu ca) và tỉ lệ chết chiếm 4,3% trong tổng số các ca tử vong do ung thư (0,15 triệu ca, năm 2012). Tại Việt Nam, năm 2012, có 125.036 trường hợp được chẩn đoán mới mắc và 94.743 trường hợp tử vong vì bệnh lý ung thư. Có một số phương pháp trị liệu cho loại ung thư này như trị liệu bằng liệu pháp ly giải tế bào ung thư bằng vi rút qua đường phúc mạc.
Trị liệu ung thư bằng vi rút đã có lịch sử gần 100 năm. Tuy nhiên, thời kỳ trị liệu bằng vi rút ly giải tế bào ung thư (Oncolytic vi rút, OLV) được mở ra bắt đầu từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Cơ chế của trị liệu bằng vi rút ly giải tế bào ung thư (OLV) được hiểu như là các OLV có khả năng xâm nhập và nhân lên đặc hiệu trong tế bào ung thư của khối u. Khi OLV giải phóng ra khỏi tế bào gây ly giải và phá hủy tế bào ung thư khối u. Các OLV được giải phóng tiếp tục lây nhiễm vào các thế bào ung thư khác, tạo ra một làn sóng tấn công của OLV vào các tế bào khối u. Đồng thời quá trình này sẽ kích thích đáp ứng miễn dịch chống ung thư.
Ở Việt Nam, công nghệ tiên tiến sản xuất vaccine sởi đã được làm chủ, Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) đã sản xuất và cung cấp cho toàn quốc vaccine sởi có chất lượng cao, dùng chủng ngừa an toàn trên người. Mặt khác, trong lĩnh vực ứng dụng vaccine sởi điều trị ung thư, nhóm nghiên cứu Học viện Quân y đã nghiên cứu tác dụng phối hợp vaccine sởi và vaccine quai bị điều trị trên 10 dòng ung thư máu của người khác nhau, kết quả cho thấy phối hợp 2 vaccine hoặc dùng đơn lẻ đều có tác dụng kháng ung thư máu rõ rệt. Đặc biệt, trên dòng bạch cầu tủy cấp, cho thấy hiệu quả kháng ung thư rõ rệt cả trên thí nghiệm in vitro, in vivo và ex vivo.
Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn trên, TS. Đặng Thành Chung và nhóm nghiên cứu tại học viện Quân y đã phối hợp với POLYVAC thực hiện đề tài cấp nhà nước KC10.27/16-20: “Nghiên cứu điều trị ung thư buồng trứng bằng liệu pháp vi rút tiêu hủy u (Oncolytic Virotherapy)” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020 với các mục tiêu sau: xây dựng được qui trình tạo chế phẩm chứa vi rút sởi giảm độc lực sử dụng trong điều trị ung thư; đánh giá được tính an toàn và tác dụng kháng tế bào ung thư buồng trứng của chế phẩm trên thực nghiệm; và đánh giá kết quả liệu pháp vi rút tiêu hủy u trong điều trị ung thư buồng trứng.
Qua quá trinh nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
Một là đã xây dựng được qui trình tạo chế phẩm chứa vi rút sởi giảm độc lực sử dụng trong điều trị ung thư, gồm các bước cơ bản sau: sản xuất các loại dung dịch, môi trường sử dụng cho sản xuất và kiểm định; sản xuất virus sởi giảm độc lực bán thành phẩm; tinh chế, cô đặc virus sởi giảm độc lực bán thành phẩm; pha virus sởi thành phẩm; kiểm định chất lượng sản phẩm; và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng virus sởi thành phẩm dùng điều trị ung thư buồng trứng.
Hai là đã đánh giá được tính an toàn và tác dụng kháng tế bào ung thư buồng trứng của chế phẩm trên thực nghiệm.
*Tính an toàn của chế phẩm MeV trên thực nghiệm. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã đánh giá tính an toàn của tiêm vaccine virus sởi giảm độc lực trên chuột và khỉ. Kết quả cho thấy vaccine virus giảm độc lực tiêm với các liều 105, 106, 107 TCID50 là an toàn trên chuột và khỉ (với p > 0,05).
* Tác dụng kháng tế bào ung thư buồng trứng của chế phẩm MeV trên thực nghiệm. Kết quả cho thấy khả năng li giải tế bào ung thư biểu mô buồng trứng - OVCAR3 của virus vaccine sởi in vitro.
Ba là đã đánh giá được kết quả liệu pháp vi rút tiêu hủy u trong điều trị ung thư buồng trứng.
- Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định khả năng ức chế sự phát triển khối u khi sử dụng MeV trên mô hình chuột thiếu hụt miễn dịch mang khối ung thư buồng trứng người. Trong thời gian 21 ngày theo dõi điều trị, thể tích trung bình khối u ở nhóm đối chứng tăng dần sau khi ghép tế bào ung thư vào chuột, trong khi ở các nhóm điều trị thể tích khối u giảm dần. Ở các thời điểm của nghiên cứu thì thể tích khối u ở các chuột của nhóm đối chứng lớn hơn có ý nghĩa thống kê so với thể tích khối u ở các nhóm điều trị đơn MeV (p < 0,05).
- Theo dõi điều trị cho thấy thời gian sống trung bình của chuột nude ở các nhóm điều trị dài hơn so với nhóm đối chứng (nhóm điều trị MeV liều 106 và 107 TCID50 là 21 ngày; nhóm MeV liều 105 TCID50 là: 20,80 ± 0,894 ngày; nhóm đối chứng là 19,50 ± 3,472 ngày) với p < 0,05. MeV có khả năng hoạt hóa miễn dịch làm tăng sự huy động tế bào tua (DC), tế bào giết tự nhiên (NK), tế bào bạch cầu đơn nhân (M) trong lách và khối u chuột.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19655/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)