“Nghiên cứu đổi mới công nghệ thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất cáp điện”
Cập nhật vào: Thứ ba - 01/06/2021 00:25 Cỡ chữ
Dây cáp điện là một sản phẩm có tính ứng dụng cao, được dùng trong tất cả các công trình kinh tế và phục vụ lớn cho sản xuất và sinh hoạt của xã hội hiện đại. Nhu cầu sử dụng dây cáp điện hiện nay trên phạm vi cả nước là tương đối lớn. Tuy nhiên một số nhà thầu vẫn có thói quen nhập khẩu trực tiếp các loại dây cáp điện chính hãng: tiêu chuẩn quốc tế về Việt Nam để sử dụng, vì chưa dám đặt niềm tin vào thị trường dây cáp điện trong nước. Chính điều này đặt ra một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện trong nước. Làm sao để cho ra một quy trình sản xuất hoàn thiện dây và cáp điện, để có thế có nhiều đơn hàng hơn, phục vụ được ngày càng nhiều hơn nhu cầu trong nước.
Một trong các doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty TNHH Công nghiệp Quang Nam. Hiện nay, công ty đã thiết kế, chế tạo thành công các dây chuyền, thiết bị phục vụ cho ngành sản xuất cáp điện từ cỡ nhỏ đến cỡ lớn có khả năng thay thế hoàn toàn các dây chuyền nhập ngoại từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... Công ty đang là nhà cung cấp thiết bị cho rất nhiều cơ sở sản xuất trong và ngoài nước, có thể kể đến các đối tác lớn như Công ty TNHH Thiết bị điện LiOA, Công ty Cổ phần cáp điện LS-Vina, Công ty TNHH Cáp điện lực Thăng Long, Kwang Do Cable Co., ltd, Sangjin Electric Wire Co., ltd, Kumhwa cable Co. ltd... Trong các nhu cầu về thị trường của công ty thì nhu cầu sản xuất dây chuyền 19 sợi chiếm tỷ trọng lớn, được các doanh nghiệp sản xuất cáp điện trong và ngoài nước thường xuyên sử dụng, dễ dàng ứng dụng đổi mới, nâng cao các thiết bị cho các dây chuyền sản xuất khác. Nhận thấy tầm quan trọng trong việc chế tạo dây chuyền sản xuất cáp điện có các tính năng kỹ thuật tiên tiến, kiểu dáng hiện đại, giá thành cạnh tranh và có thể xuất khẩu, nhóm nghiên cứu do TS. Vũ Quang Hà, Công ty TNHH Công nghiệp Quang Nam là chủ nhiệm đã quyết tâm thực hiện nghiên cứu đổi mới công nghệ và được Bộ KH-CN hỗ trợ cho phép thực hiện Đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Nghiên cứu đổi mới công nghệ thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất cáp điện”
Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:
1. Đề tài đã tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu bảo đảm yêu cầu về hàm lượng khoa học, tính thực tiễn và đáp ứng mục tiêu đề ra theo thuyết minh và hợp đồng:
- Nghiên cứu đổi mới công nghệ dây chuyền sản xuất cáp điện để nâng cao năng lực, nguồn lực khoa học và công nghệ trong việc thiết kế, chế tạo, lắp ráp, vận hành và nâng cao mức độ tự động hóa, nhằm nâng cao chất lượng, tăng năng suất và hạ giá thành sản phẩm.
- Hoàn thiện công nghệ và xây dựng Bộ tài liệu thiết kế dây chuyền sản xuất cáp điện 19 sợi có tính năng kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ, tự động hóa hoàn toàn và kiểu dáng hiện đại.
- Chế tạo thành công dây chuyền thiết bị của dây chuyền sản xuất cáp điện 19 sợi.
2. Các kết quả chính của Đề tài bao gồm:
+ Dây chuyền thiết bị sản xuất cáp điện 19 sợi tiết diện từ 16 mm2 đến 240 mm2, đạt tiêu chuẩn TCVN 5064:1994
+ Hồ sơ đổi mới thiết kế, đổi mới công nghệ chế tạo và lắp ráp dây chuyền và thiết bị mới cung ứng cho các nhà máy, xí nghiệp sản xuất cáp điện 19 sợi đáp ứng yêu cầu của dây chuyền sản xuất hiện đại.
+ Các quy trình công nghệ chế tạo, lắp ráp, vận hành và bảo trì các chi tiết và cụm chi tiết cuả các thiết bị trong dây chuyền sản xuất cáp điện 19 sợi.
+ Bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng, vận hành, bảo dưỡng dây chuyền thiết bị sản xuất cáp điện 19 sợi
+ Phần mềm mô phỏng và kiểm tra quy trình công nghệ sản xuất cáp điện 19 sợi
Như vậy, Đề tài đã hoàn thành các nội dung, đã chế tạo thành công dây chuyền sản xuất cáp điện đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật khắt khe, vận hành tự động và được thị trường đánh giá cao. Các cơ quan, đơn vị chức năng trong các tỉnh thuộc khu vực có thể kế thừa kết quả này, tiếp thu quy trình công nghệ, nhân rộng mô hình để tăng cường mức độ tham gia vào chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15533/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)