Nghiên cứu đổi mới toàn diện công tác lập quy hoạch đô thị ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ ba - 26/10/2021 03:51 Cỡ chữ
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại học đất nước, tốc độ đô thị hóa của nước ta cũng ngày càng tăng nhanh, hệ thống đô thị quốc gia được quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 1998, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 24%, năm 2009 là 29,6%, đến 2018 đã đạt 38%, trong năm 2019 và đến đầu năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam dự báo sẽ đạt khoảng 40%. Trong đó quy hoạch đô thị đã thực sự góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những thành công đã đạt được, công tác lập quy hoạch đô thị ở Việt Nam hiện còn nhiều tồn tại về phương pháp luận, tính tương thích với nền kinh tế thị trường, chưa phù hợp với tiến trình cải cách hành chính và chưa có sự tham gia thỏa đáng của các bên liên quan.
Vì thế, trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2019, TS. Ngô Trung Hải cùng các cộng sự tại Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đổi mới toàn diện công tác lập quy hoạch đô thị ở Việt Nam” với mục tiêu đề xuất đổi mới toàn diện công tác lập quy hoạch đô thị phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế mà có thể giải quyết những tồn tại hạn chế trong phương pháp quy hoạch truyền thống, nhằm xây dựng các đô thị Việt Nam hiện đại, bản sắc và bền vững.
Nội dung đổi mới phương pháp luận, mô hình đô thị đến quy trình lập quy hoạch đô thị, nội dung nghiên cứu, sản phẩm quy hoạch đã đảm bảo phù hợp với xu hướng chỉ đạo Chính phủ giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính trong quản lý đô thị vừa đảm bảo tình lồng ghép trong quy hoạch, rút ngắn quy trình lập và phê duyệt quy hoạch, nhanh chóng đưa ý tưởng quy hoạch đô thị vào dự án đầu tư.
Hơn nữa, giảm chi phí đầu tư công, làm rõ trách nhiệm đầu tư của chính quyền hay tư nhân phát triển dự án. Tổng thời gian dự kiến rút gọn được khoảng 2- 3 năm cho việc lập quy hoạch 4 bước sang 2 bước, trừ hai đô thị đặc biệt chuyển từ 4 bước sang còn 3 bước.
Bên cạnh đó vẫn kiểm soát một cách linh hoạt Tầm nhìn, định hướng chung (đã lồng ghép ngành) trong lai, tránh được việc điều chỉnh quá nhiều các quy hoạch – do các dự án phát triển có nhu cầu riêng, phù hợp với nhu cầu đầu tư và phát triển dự án cua chủ đầu tư. Chính quyền đô thị kiểm soát các định hướng không gian cơ bản chứ không kiểm soát quá sâu vào từng chi tiết của các dự án phát triển (cần dùng quy chuẩn và tiêu chuẩn để kiểm soát).
Trong quá trình lập Tầm nhìn, lập khung phát triển có thể áp dụng các phương pháp lập quy hoạch đô thị theo hướng chiến lược ví dụ như Quy hoạch cấu trúc chiến lược, Quy hoạch ý tưởng hoặc Chiến lược phát triển đô thị… Các phương pháp này được khuyến khích áp dụng trong giai đoạn này nhằm phát huy tính ưu việt của các phương pháp nghiên cứu mang tính lồng ghép và linh hoạt.
Nhưng trong Quy hoạch chung đổi mới việc lồng ghép quy hoạch phân khu đã đảm bảo chức năng sử dụng đất, các khung giao thông và kết nối phát triển giữa các Khu vực phát triển đô thị đã được xác định nhằm quản lý phát triển một cách linh hoạt. Việc lồng ghép Qui hoạch chi tiết và Thiết kế đô thị nhằm đảm bảo tính thống nhất về phương pháp/quy trình quy hoạch với các quốc gia phát triển vừa tăng tính hiệu quả của đồ án quy hoạch chi tiết hiện nay nặng về quy hoạch sử dụng đất mà thiếu phần nghiên cứu về không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị. Đồng thời chính thức đưa thiết kế đô thị vào quy trình quy hoạch hiện nay, tránh được việc hiểu nhầm về thuật ngữ này.
Tóm lại, việc đổi mới quy trình rút gọn và phương pháp lồng ghép chiến lược trong bối cảnh hiện nay đảm bảo tăng tính hiệu quả của công tác quản lý quy hoạch đô thị và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Hơn nữa không làm thay đổi quá nhiều hệ thống văn bản pháp luật hiện hành cũng như cách thức lập quy hoạch đô thị hiện nay. Các nhà quản lý đô thị có thể dùng kiến thức hiện nay để quản lý đô thị, ra các quyết định thích hợp không mất thời gian thay đổi văn bản hướng dẫn.
Những phương pháp quy hoạch đô thị mới nếu được áp dụng sẽ góp phần kiến tạo các đô thị đẹp hơn, chất lượng sống cao hơn, môi trường sống trong lành hơn và công bằng hơn về mặt không gian và khả năng tiếp cận tới các dịch vụ đô thị. Qua đó giúp giảm nghèo đô thị và phát triển đô thị bền vững, có bản sắc.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16737/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)