Nghiên cứu, dự báo tiềm năng khoáng sản vàng ẩn sâu ở các trường quặng vàng đới Tam Kỳ - Phước Sơn vùng Trung Trung Bộ
Cập nhật vào: Thứ ba - 22/09/2020 02:14 Cỡ chữ
Đới Tam Kỳ - Phước Sơn nằm ở rìa bắc địa khu biến chất cao Kon Tum, kéo dài 120km từ biên giới Việt - Lào đến đồng bằng ven biển, giữa các hệ đứt gãy phương á vĩ tuyến là Tam Kỳ - Phước Sơn ở phía Bắc và Trà Bồng, Tà Vi - Hưng Nhượng ở phía nam.
Đây là vùng có cấu trúc địa chất phức tạp, khoáng sản đa dạng và phong phú trong đó nổi bật nhất là quặng vàng gốc, đã có 98 mỏ và điểm quặng vàng đã được phát hiện, nghiên cứu, đánh giá, trong đó có một số mỏ đã được đưa vào khai thác. Đến nay đã có một số công trình nghiên cứu về đặc điểm thành phần vật chất quặng vàng, đặc điểm sinh khoáng vàng, vai trò của các thành tạo địa chất trong quá trình tạo quặng, tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu nhằm đánh giá các yếu tố khống chế, khả năng tồn tại quặng vàng gốc dưới sâu. Nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Võ Quang Bình, thực hiện đề tài “Nghiên cứu, dự báo tiềm năng khoáng sản vàng ẩn sâu ở các trường quặng vàng đới Tam Kỳ - Phước Sơn vùng Trung Trung Bộ” là góp phần đáp ứng nhu cầu thực tế khách quan đó nhằm dự báo tiềm năng khoáng sản vàng ẩn sâu làm cơ sở khoa học và thực tiễn tổ chức các nhiệm vụ điều tra, đánh giá khoáng sản vàng ẩn sâu trên diện tích các trường quặng Phước Hiệp - Đăk My, Trà Dương - Tiên Phước, Phước Kim - Phước Thành.
Liên đoàn Địa chất Trung trung bộ và tập thể tác giả đã hoàn thành các nội dung theo đúng đề cương được duyệt, đúng tiến độ đề ra, kết quả chủ yếu đạt được như sau:
Trong đới Tam Kỳ- Phước Sơn có 98 mỏ, điểm quặng vàng đã được ghi nhận hoặc điều tra đánh giá, thăm dò. Các điểm mỏ, điểm quặng này được khống chế bởi 850 công trình trên mặt và dưới sâu, trong đó có 53 công trình khống chế quặng dưới sâu và 20 công trình phát hiện thân quặng ẩn chưa xuất lộ trên mặt.
Các thân quặng vàng phân bố trong các đá của nhiều phân vị địa chất nhưng các đá biến chất của hệ tầng Khâm Đức bị uốn nếp, phá hủy mạnh, đa kỳ trong Paleozoi là môi trường thuận lợi để tích tụ các thân quặng vàng. Các đới đứt gãy, cà nát là các yếu tố cấu trúc quan trọng để dẫn dung dịch quặng và tích tụ quặng. Biến đổi nhiệt dịch cạnh mạch phổ biến là sericit hoá, berezit hoá.
Quặng vàng thuộc đới Tam Kỳ - Phước Sơn thuộc hai kiểu quặng đặc trưng: vàng - thạch anh - pyrit và vàng - thạch anh - sulfur đa kim, chúng có cùng những đặc điểm về thành phần khoáng vật, địa hoá nguyên tố quặng, là sản phẩm của một tiến trình tạo quặng thống nhất. Dung dịch tạo quặng có nguồn gốc magma dưới sâu, có hai giai đoạn tạo vàng trong điều kiện nhiệt độ và áp suất ở giai đoạn sớm là T0 = 330 độ C - 340 độ C, P = 660-900 bar, ở giai đoạn muộn hơn là T0 = 260 độ C - 265 độ C, P = 660-900 bar.
Tuổi đồng vị chì của quặng vàng tại đới quặng trong khoảng 200Ma. Quặng vàng trong vùng nghiên cứu thành trong bối cảnh kiến tạo sau tạo núi Indosini, sau các khối granit phức hệ Bà Nà.
Kết quả nghiên cứu độ sâu phân bố cho kết quả:
- Trường quặng Phước Hiệp - Đăk My: phạm vi khoảng độ sâu tạo quặng là 410m; hệ số bóc mòn Kz là 2.953; độ tinh khiết khoáng vật vàng (802); tần suất xuất hiện khoáng vật pyrotin (10%) và arsenopyrit (10%), dự báo quặng vàng ẩn sâu đến khoảng 400m.
- Trường quặng Trà Dương - Tiên Phước: phạm vi khoảng độ sâu tạo quặng là 315m; hệ số bóc mòn Kz là 259,1; độ tinh khiết khoáng vật vàng (902); tần suất xuất hiện khoáng vật pyrotin (25%) và arsenopyrit (50%), dự báo quặng vàng ẩn sâu đến khoảng 300m.
- Trường quặng Phước Kim - Phước Thành: phạm vi khoảng độ sâu tạo quặng là 710m; hệ số bóc mòn Kz là 3.812; độ tinh khiết khoáng vật vàng (720); tần suất xuất hiện khoáng vật pyrotin (6%) và arsenopyrit (3%), dự báo tồn tại quặng vàng ẩn sâu đến khoảng 700m
Các trường quặng Phước Kim - Phước Thành, Phước Hiệp - Đăk My, Trà Dương - Tiên Phước có mô hình hình thành quặng theo chiều sâu phù hợp với sơ đồ phân bố các mỏ vàng theo chiều sâu của D.I. Groves và nnk, năm 1998. Theo đó các thân quặng vàng trong đới quặng vàng Tam Kỳ - Phước Sơn được thành tạo ở mức sâu từ 1km đến 1,2km và có mức bào mòn tại các trường quặng theo thứ tự: Phước Kim - Phước Thành → Phước Hiệp - Đăk My → Trà Dương - Tiên Phước.
Đã khoanh định diện tích và dự báo triển vọng khoáng sản vàng dưới sâu tại các trường quặng Phước Hiệp - Đăk My: 02 diện tích rất triển vọng, tổng diện tích 68km2; Trà Dương - Tiên Phước: 02 diện tích rất triển vọng tổng diện tích 43km2; Phước Kim - Phước Thành: 02 diện tích rất triển vọng, tổng diện tích 61km2.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15809/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)