Nghiên cứu gắn bạc nano lên titandioxit bằng phương pháp chiếu xạ chùm tia điện tử làm xúc tác quang hóa xử lý phân hủy chất hữu cơ trong nước
Cập nhật vào: Thứ hai - 21/11/2022 13:03 Cỡ chữ
Trong những năm gần đây, giải quyết ô nhiễm môi trường là vấn đề hàng đầu đặt ra cho toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc gia tăng dân số và phát triển công nghiệp đã dẫn đến ngày càng nhiều chất hữu cơ độc hại thải ra môi trường. Các hợp chất này có thể gây nên các bệnh tật liên quan đến ô nhiễm và làm ấm lên khí hậu toàn cầu. Trong số các chất độc hại được thải ra môi trường, đáng chú ý là những hợp chất hữu cơ bền, khó bị phân hủy sinh học, lan truyền và tồn dư một thời gian dài trong môi trường. Do vậy, việc nghiên cứu xử lý triệt để các hợp chất hữu cơ trong môi trường bị ô nhiễm luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia và đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống hiện tại và tương lai của con người.
Để xử lý các hợp chất ô nhiễm hữu cơ, năm 2019, ThS. Nguyễn Thị Kim Lan cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ Bức xạ đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu gắn bạc nano lên titandioxit bằng phương pháp chiếu xạ chùm tia điện tử làm xúc tác quang hóa xử lý phân hủy chất hữu cơ trong nước”.
Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu chế tạo vật liệu xúc tác quang hóa Ag nano/TiO bằng phương pháp chiếu xạ chùm tia điện tử (EB) để xử lý phân hủy chất màu rhodamine b trong nước.
Sau một năm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được vật liệu quang xúc tác Ag nano/TiO2 bằng phương pháp chiếu xạ EB. Kết quả cho thấy kích thước hạt Ag nano trong khoảng 2-30 nm. Hoạt tính quang xúc tác của vật liệu Ag nano/TiO2 phụ thuộc vào nồng độ Ag ban đầu. Nồng độ Ag 1% là phù hợp để đạt hiệu quả phân hủy RhB cao nhất. Dưới bức xạ ánh sáng khả kiến, hoạt tính quang xúc tác của vật liệu Agnano 1%/TiO2 tăng khoảng 33% so với TiO2 sau khoảng thời gian chiếu sáng 2,5 giờ.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17732/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)