Nghiên cứu giải pháp công nghệ dò tìm và giám sát phóng điện cục bộ đối với cáp lực nhằm giảm thiểu sự cố cách điện trong hệ thống điện Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 03/05/2021 23:49 Cỡ chữ
Phòng Thí nghiệm trọng điểm Điện cao áp, được nhà nước đầu tư theo chương trình xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia với một loạt các thiết bị thử nghiệm tiên tiến như hệ thống xung điện áp, xung dòng, thử điện áp xoay chiều tăng cao AC tại chỗ và hiện trường; thiết bị đo các thông số điện môi, phóng điện cục bộ, buồng môi trường đến nay đã đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả. Hiện nay ngoài các công tác thử nghiệm như, thử nghiệm định kỳ, thử nghiệm nghiệm thu, thử nghiệm bảo trì bảo dưỡng v.v... đang được áp dụng các công nghệ hiện đại của các hãng khác nhau trong việc dò tìm phóng điện cục bộ đối với trang thiết bị điện và đã mang lại hiệu quả trong vận hành hệ thống điện. Thử nghiệm chuẩn đoán là thử nghiệm không phá hủy được tiến hành bằng đo online hoặc offline và mang tính chất dự báo. Với các phương pháp thử nghiệm thông thường cho phép kết luận thiết bị đủ điều kiện làm việc tại thời điểm hiện tại, tuy nhiên với các phương pháp hiện đại sẽ cho biết được sớm hơn về tình trạng cách điện, mức độ lão hóa của vật liệu giúp phát hiện và dò tìm điểm yếu có nguy cơ hư hỏng.
Với mong muốn có các giải pháp công nghệ dò tìm và giám sát phóng điện cục bộ đối với cáp lực để từ đó đưa ra các khuyến cáo về phương thức vận hành, bảo trì bảo dưỡng và thay thế phù hợp, góp phần ngăn ngừa sự cố xảy ra, nhóm nghiên cứu do ThS. Lê Công Doanh, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Điện cao áp, Viện Năng lượng đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu giải pháp công nghệ dò tìm và giám sát phóng điện cục bộ đối với cáp lực nhằm giảm thiểu sự cố cách điện trong hệ thống điện Việt Nam”
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:
Trong hệ thống điện Việt Nam hiện nay, cáp ngầm là phần tử quan trọng và đang được ngành điện và xã hội quan tâm với việc ngầm hóa lưới điện hạ áp, trung áp và lưới điện truyền tải. Để đủ điều kiện vận hành sau lắp đặt các công cụ dùng cho đo lường thử nghiệm cũng đã được sử dụng, ở Việt Nam thì các giải pháp đo phóng điện cục bộ và thử nghiệm AC cũng mới đưa vào áp dụng một vài năm lại đây để kiểm tra tuyến cáp ngầm, đồng thời sử dụng để thu thập dữ liệu giám sát tình trạng cáp.
Trong báo cáo khoa học này đã đề cập hai công nghệ chính dùng cho hai cấp điện áp thử nghiệm cáp đó là cấp trung áp 22kV và cao áp 110 kV, để thử nghiệm và giám sát chất lượng cách điện cáp ở các tuyến cáp đã được lựa chọn, tương ứng với hai hệ thống thử nghiệm là: hệ thống sử dụng điện áp tần số thấp 0,1 Hz (VLF), kết hợp đo PD và tanδ; và hệ thống thử nghiệm AC sử dụng biến tần kết 5 hợp đo PD.
Các giá trị, biểu đồ hình ảnh thu được có thể đánh giá được tình trạng cáp là tốt. Đây là những dữ liệu quan trọng nhằm đánh giá chất lượng cách điện và giám sát hoạt động của tuyến cáp trong thời gian làm việc.
Ngoài những kết quả thu được ở trên thì các nguyên lý, sơ đồ đo, quy trình thử nghiệm, các nghiên cứu đánh giá về công nghệ cũng là những tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các đơn vị ngành điện mong muốn quan tâm F).
Từ các kết quả thu được, nhóm đề tài kiến nghị Bộ chủ quản và ngành điện quan tâm hướng dẫn biên soạn tiêu chuẩn (TCVN) đối với cáp ngầm từ một số tiêu chuẩn tham khảo như IEC60840, IEC62067 và IEC60270. Ngành điện cần thiết xây dựng chương trình quản lý dữ liệu thí nghiệm đối với các tuyến cáp ngầm cao áp, dùng để so sánh và theo dõi xu hướng tốc độ phát triển PD trong cáp lực nhằm đưa ra sớm các cảnh báo có thể xảy ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài cũng có một số hạn chế là khi thử nghiệm cáp tín hiệu phóng điện cục bộ PD không xuất hiện rõ nét, nên trong phân tích chưa đánh giá được hết nguyên nhân chính gây ra phóng điện. Tuy nhiên, đây cũng là những kết quả điển hình dùng để triển khai tương tự ở tuyến cáp khác phục vụ công tác thu thập dữ liệu tại Việt Nam.
Như vậy, đề tài không những mang lại lợi ích về kinh tế trong việc dò tìm và giám sát hệ thống cáp khi phát hiện sớm những hư hỏng, để kịp thời sửa chữa hoặc thay thế. Mà còn giúp xây dựng xu hướng chế tạo về công nghệ giám sát online rộng rãi đối với hệ thống cáp điện lực, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15763/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
phòng thí nghiệm, trọng điểm, cao áp, nhà nước, chương trình, xây dựng, hệ thống, quốc gia, thiết bị, tiên tiến, tại chỗ, thông số, phóng điện, môi trường, vận hành, khai thác, hiệu quả, hiện nay, công tác, áp dụng, công nghệ