Nghiên cứu giải pháp gây bồi, tạo bãi để trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ bờ biển, đê biển tại các bãi triều ngập sâu các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau
Cập nhật vào: Thứ ba - 29/03/2022 12:12 Cỡ chữ
Khu vực các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau có hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc và nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng sạt lở, xói mòn đất bờ biển diễn ra phổ rất phổ biến và có xu thế ngày càng gia tăng và nghiêm trọng hơn. Hiện tượng sạt lở với xu hướng ngày một tăng làm mất đất sản xuất, hư hỏng đường giao thông, sụt lún nhà dân và gây bất ổn cho đời sống của các hộ dân. Ngoài ra, sạt lở bờ còn làm bồi lắng lòng dẫn gây ảnh hưởng tới hoạt động giao thông đường thủy và việc tiêu thoát lũ vào mùa mưa.
Hiện trạng xói lở, bồi tụ ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long
Để giải quyết tình trạng sạt lở, các địa phương khu vực các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau đã đầu tư xây dựng một số công trình kè bê tông bảo vệ bờ để giải quyết tình trạng sạt lở cục bộ. Tuy nhiên, giải pháp bảo vệ bờ bằng công trình kè bê tông qua thực tiễn cho thấy một số hạn chế như có suất đầu tư rất lớn, khó có thể áp dụng trên quy mô lớn và không thân thiện với môi trường. Mặt khác, các công trình kè cứng bảo vệ bờ có nguy cơ không bền vững do xây dựng trên nền địa chất yếu, việc thi công xây dựng gặp nhiều khó khăn. Nhiều công trình kè cứng bảo vệ bờ sau khi xây dựng bị sụt lún, đổ vỡ và hư hỏng như kè Tân Hoa (Vĩnh Long), kè Phong Điền (Cần Thơ), kè Mỏ Cày (Bến Tre), kè sông Cửa Lớn (Cà Mau)... Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các công trình như trồng rừng ngập mặn, hàng rào giảm sóng, giảm dòng chảy ven bờ,... đã phát huy được tác dụng chống sạt, xói lở. Tuy nhiên, những giải pháp này chưa có những nghiên cứu có hệ thống và đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, đặc biệt là trong việc phân chia lập địa khu vực bờ biển, lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa, chưa có những tổng kết và hướng dẫn trong việc ứng dụng các biện pháp sinh thái trong việc xử lý và phòng chống sạt lở,...
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Sinh thái và Bảo vệ môi trường do TS. Mai Cao Trí làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp gây bồi, tạo bãi để trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ bờ biển, đê biển tại các bãi triều ngập sâu các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau” trong thời gian từ 2016 - 2019 nhằm xây dựng được giải pháp kỹ thuật gây bồi, tạo bãi và trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ bờ biển, đê biển tại các bãi triều có cao trình bãi từ - 0,5 đến -1,0m tại tuyến cách đường bờ hiện trạng 150m (T150) ở các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau.
Sau bốn năm tích cực triển khai, đề tài đã đạt được các kết quả như sau:
1. Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy rừng ngập mặn tự nhiên ven biển từ Tiền Giang đến Cà mau đang tiếp tục suy thoái, một số khu vực không còn đai rừng ngập mặn, đê biển đối diện trực tiếp với biển.
Nguyên nhân suy giảm rừng ngập mặn là do tác động từ các hoạt động của con người và sự bất thường của các điều kiện tự nhiên. Trong đó tác động do hoạt động của con người như việc đắp đập ngăn sông làm thiếu hụt nghiêm trọng lượng phù sa từ các hệ thống sông đưa ra biển; việc xây dựng công trình ven biển và các hoạt động kinh tế khác ven biển đã tạo áp lực nặng nề tới đai rừng ngập mặn là các nguyên nhân quan trọng nhất. Các điều kiện tự nhiên chính gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan (sóng, bão, lụt và hạn hán), biến đổi khí hậu, mực nước ở biển dâng.
2. Xác định được các điều kiện để áp dụng giải pháp tường mềm và trồng cây ngập mặn ở khu vực nghiên cứu bao gồm: (1) Các khu vực đang trong quá trình bồi tụ, nhưng không xuất hiện cây tái sinh tự nhiên; (2) Các khu vực xói, bồi xen kẽ hoặc xói lở mức trung bình và có cao trình bãi lớn hơn -1,0m; (3) Đối với các khu vực xói lở mạnh và có cao trình bãi thấp (dưới -1,0m) giải pháp tường mềm chỉ có thể kết hợp sau giải pháp cứng (đê ngầm phá sóng, kè bê tông đá đổ, bê tông trụ rỗng…) nhằm gia tăng hiệu quả giảm sóng và gây bồi để trồng cây ngập mặn.
3. Xây dựng được giải pháp và công nghệ gây bồi, tạo bãi và giảm sóng phục vụ cho việc trồng đai cây ngập mặn. Giải pháp đã được áp dụng cho mô hình tại xã Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu với quy mô 3,0ha
4. Xây dựng được giải pháp kỹ thuật gây bồi, tạo bãi và trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ bờ biển, đê biển tại các bãi triều có cao trình bãi từ -0,4 đến -1,0m tại tuyến cách đường bờ hiện trạng 150m
5. Xây dựng được bản hướng dẫn thiết kế bố trí không gian công trình gây bồi, tạo bãi cho cửa sông, ven biển đặc trưng.
6. Xây dựng được 01 mô hình công trình nâng bãi và trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ đê biển, bờ biển với quy mô 3,0ha.
7. Xây dựng được quy trình xây dựng công trình gây bồi, tạo bãi để trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ đê biển, bờ biển và quy trình trồng cây ngập mặn trên bãi mới gây bồi.
Với các kết quả nêu trên, nhóm nghiên cứu kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục thử nghiệm mô hình thuộc khu vực biển Tây để có thể đánh giá toàn diện hơn về hiệu quả của công nghệ cũng như giao cho đơn vị chuyên môn tiếp nhận mô hình thử nghiệm và cấp kinh phí chăm sóc, bảo vệ cây ngập mặn để tiếp tục theo dõi, đánh giá.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17155/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.M.H (NASATI)