Nghiên cứu giải pháp và công nghệ cấp nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển Nam Trung Bộ
Cập nhật vào: Thứ năm - 28/04/2022 01:16 Cỡ chữ
Với những tiềm năng và thế mạnh riêng của mình, ngành nuôi trồng thủy sản khu vực Nam Trung Bộ trong những năm qua đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển không ngừng, đóng một vai trò rất lớn trong ngành kinh tế chung của khu vực. Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Chính phủ, một trong những mục tiêu quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là: “Tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng chủ lực (tôm sú, cá Mú…), ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thâm canh ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ”. Để đạt được mục tiêu nêu trên thì một nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản trong đó chú trọng đến giải pháp cấp nước nước mặn chủ động vì đây là yếu tố đầu vào quyết định đối với việc nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Bản đồ khu vực Nam Trung Bộ
Trong bối cảnh mà nhu cầu cấp nước biển sạch phục vụ phát triển ngành NTTS khu vực Nam Trung Bộ đang rất lớn nhưng hiện trạng các công trình cấp nước không đủ năng lực đáp ứng như hiện nay thì nhóm nghiên cứu đến từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, do TS. Hoàng Ngọc Tuấn đứng đầu, đã tiến hành triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp và công nghệ cấp nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển Nam Trung Bộ”.
Mục tiêu của đề tài là đề xuất được giải pháp cấp nước mặn chủ động phục vụ NTTS phù hợp với các vùng đặc trưng và loại hình sản xuất; đề xuất được công trình trạm bơm và máy bơm phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng nghiên cứu; xây dựng được 02 mô hình mẫu cấp nước mặn chủ động và đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Nam Trung Bộ.
Trải qua quá trình nghiên cứu trong thời gian từ tháng 6/2016 - 12/2019, Đề tài đã giải quyết được các vấn đề như sau:
1. Đánh giá được thực trạng các giải pháp cấp nước mặn phục vụ NTTS vùng ven biển Nam Trung Bộ.
2. Kết quả thu thập, điều tra khảo sát, phân tích dữ liệu về địa hình bờ, địa chất, hải văn (sóng, thủy triều, bùn cát...), và đặc điểm quy mô, loại hình sản xuất đề tài đã phân chia được các vùng đặc trưng, bao gồm đặc trưng về địa hình, địa chất, địa mạo động lực hình thái bờ biển; đặc trưng về điều kiện hậu có liên quan; đặc trưng về các yếu tố thủy động lực học; đặc trưng về quy mô sản xuất; đặc trưng về tập quán sản xuất.
3. Đã đề xuất được các giải pháp cấp nước mặn chủ động phục vụ NTTS phù hợp với các vùng đặc trưng, loại hình sản xuất và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, bao gồm: hình thức cấp nước mặn tự chảy qua cống lấy nước tự chảy; giải pháp cấp nước mặn chủ động bằng trạm bơm, lấy nước mặn trực tiếp qua cửa thu nước đặt ngoài biển và đường ống hút đi nổi; hình thức cấp nước mặn chủ động bằng trạm bơm, lấy nước mặn qua đường ống hút và ống lọc đặt ngầm; hình thức cấp nước mặn chủ động bằng trạm bơm, bơm nước qua giếng lọc đặt trong bờ.
4. Đề xuất được hình thức công trình xả nước thải đảm bảo điều kiện về môi trường cho các khu ao nuôi.
5. Đề xuất được bộ thiết kế mẫu công trình cấp nước biển phục vụ NTTS phù hợp với các điều kiện cụ thể của vùng Nam Trung Bộ.
6. Ứng dụng thử nghiệm thành công 02 công trình mẫu cấp nước mặn chủ động và đảm bảo chất lượng phục vụ NTTS vùng Nam Trung Bộ, trong đó 01 mô hình nuôi theo quy mô tập trung (>03ha) và 01 mô hình nuôi theo hộ gia đình (<01ha).
7. Đã biên tập được 01 Sổ tay Hướng dẫn khảo sát, thiết kế, thi công trạm bơm cấp nước mặn phục vụ NTTS cho từng vùng đặc trưng khu vực Nam Trung Bộ
Các kết quả nghiên cứu của Đề tài có ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn cao. Các giải pháp cấp nước được đề xuất trong Đề tài đảm bảo yêu cầu cấp nước biển sạch một cách chủ động, phù hợp với từng điệu kiện cụ thể của các vùng đặc trưng, đảm bảo lấy được nước một cách chủ động (cấp đủ lưu lượng và chất lượng yêu cầu), chống chịu được trước các tác động của các yếu tố tự nhiên trong vùng và đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Nhờ vậy, hiệu quả sản xuất sẽ được nâng cao, góp phần đẩy mạnh sự phát triển ngành nuôi trồng thủy sản và qua đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế khu vực Nam Trung Bộ.
Nhằm phát huy hiệu quả các kết quả nghiên cứu đã đạt được, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số kiến nghị sau đây:
- Trong công tác khảo sát, thiết kế cần phải đặc biệt chú ý tới sự thay đổi địa hình của đường bờ biển cũng như đáy biển giữa 2 mùa gió Tây Nam và Đông Bắc, chế độ sóng, thủy triều và đặc trưng của cát biển. Nếu khảo sát không chính xác có thể dẫn đến sai lầm trong lựa chọn giải pháp cũng như công nghệ thu, lọc nước và an toàn cho công trình. Vì vậy, trong thực tế phải tiến hành khảo sát được 2 mùa là tốt nhất.
- Để phát triển kinh tế biển một cách bền vững thì cần phải có một quy hoạch tổng thể cấp nước biển an toàn (cả về lưu lượng và chất lượng nước...).
- Ô nhiễm nguồn nước biển càng ngày càng nhiều cho nên cần phải quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải và giám sát chất lượng nước cấp, nước thải.
- Công tác quản lý vận hành sau khi xây dựng cần phải được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay gần như người dân tự tìm hiểu và quản lý cũng như vận hành công trình mà không có một tổ chức nào đứng ra hướng dẫn, trừ các công trình do doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy cần phải mở các lớp đào tạo cho người dân trong lĩnh vực này, cũng như thành lập các hợp tác xã dùng nước trong nuôi trồng thủy sản.
- Trong thời gian chưa ban hành chính thức sổ tay hướng dẫn khảo sát, thiết kế, thi công trạm bơm cấp nước mặn phục vụ NTTS thì các địa phương có thể tham khảo các kết quả nghiên cứu của đề tài để áp dụng vào thực tiễn.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17166/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.M.H (NASATI)