Nghiên cứu hiện trạng đề xuất giải pháp, chính sách phát triển hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ sáu - 10/12/2021 03:01
Cỡ chữ
Với xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các sản phẩm số trở nên ngày càng phổ biến và dần lấn át thị phần của các sản phẩm truyền thống cùng loại. Chi tiêu tiêu dùng cho các sản phẩm nội dung số đã tăng gấp ba lần trong năm 2010 - 2015 và được dự báo tăng gần gấp đôi trong năm năm 2016 - 2020.
Năm 2017, ngành công nghiệp nội dung số đã đóng góp gần 800 triệu USD, tạo ra 55.908 việc làm với mức thu nhập bình quân 6.737 USD/người/năm hoạt động trong 3.202 doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành nội dung số vẫn mới chỉ đóng góp doanh thu không lớn trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam (dưới 10%), nội dung số còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển và có thể đạt tốc độ phát triển gấp 2-3 lần hiện nay nếu ngành này được tạo điều kiện hơn nữa và có một hệ sinh thái để phát triển toàn diện mọi mặt.
Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2017/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ "Ưu tiên phát triển hệ sinh thái nội dung số trong nước lớn mạnh; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xây dựng các dịch vụ nền tảng như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, thương mại điện tử"; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo xây dựng Đề án thúc đẩy phát triển hệ sinh thái nội dung số. Tuy nhiên cho đến nay chưa có một nghiên cứu hoàn chỉnh về mô hình hệ sinh thái nội dung số và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái nội dung số. Do vậy đề tài "Nghiên cứu hiện trạng đề xuất giải pháp, chính sách phát triển hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam" được thực hiện để tìm ra giải pháp, chính sách phù hợp để phát triển hệ sinh thái nội dung số trong thời gian tới.
Nhóm tác giả đề tài “Nghiên cứu hiện trạng đề xuất giải pháp, chính sách phát triển hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam” do Cơ quan chủ trì Vụ Công nghệ thông tin cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Việt Dũng thực hiện với mục tiêu: Nghiên cứu tìm hiểu và nắm rõ mô hình của hệ sinh thái nội dung số; Nắm rõ các hiện trạng và chính sách của ngành công nghiệp nội dung số và hệ sinh thái nội dung số Việt Nam; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và xu hướng phát triển hệ sinh thái nội dung số; Đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp để phát triển hệ sinh thái nội dung số Việt Nam.
Trong các nghiên cứu cụ thể, Đề tài có sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính như dựa trên các thông tin số liệu có sẵn trên mạng, qua các tài liệu báo cáo,… để tổng hợp và phân tích, kết hợp với đánh giá hệ sinh thái nội dung số Việt Nam.
- Các chính sách của Đảng, Nhà nước về CNTT nói chung và nội dung số nói riêng.
- Các nguồn số liệu tin cậy của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, các báo cáo hiện trạng doanh nghiệp.
- Các báo cáo có liên quan trong lĩnh vực CNTT và phần mềm.
- Các mô hình và kinh nghiệm về phát triển hệ sinh thái nội dung số.
- Ngoài ra, để tăng thêm tính thuyết phục của quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng tham khảo ý kiến thêm của một số chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT đặc biệt là lĩnh vực nội dung số.
Đề tài đã nghiên cứu khái quát về hệ sinh thái nội dung số, đưa ra được các thành phần chính của hệ sinh thái, đồng thời nghiên cứu một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong quá trình phát triển hệ sinh thái nội dung số của mình và đưa ra nhận đình về hiện trạng hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam. Tiếp đó, đề tài đã đưa ra được mục tiêu và 03 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy hệ sinh thái nội dung số Việt Nam, tạo môi trường cạnh tranh và phát triển bình đẳng cho các doanh nghiệp nội dung số tron và ngoài nước và các giải pháp chung để phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Kết quả nghiên cứu của báo cáo sẽ giúp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái nội dung số cùng với việc xây dựng các chính sách, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế thí điểm các biện pháp, chính sách trong lĩnh vực nội dung số nhằm phát triển một hệ sinh thái nội dung số hoàn chỉnh không phụ thuộc vào nền tảng công nghệ nước ngoài và bảo vệ được chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng.
Hướng nghiên cứu tiếp theo là cụ thể hóa 03 nhóm giải pháp bằng việc xây dựng kế hoạch hành động, quy trình triển khai để tăng tính khả thi và khả năng triển khai trong thực tế của các giải pháp này
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16960/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)