Nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam thời kỳ 2021-2030
Cập nhật vào: Thứ hai - 25/09/2023 11:05 Cỡ chữ
Chiến lược phát triển ngành/lĩnh vực là chiến lược thành phần trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và là công cụ quản lý nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược phát triển của ngành/lĩnh vực được xây dựng để cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu và đưa ra các giải pháp chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu xác định trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia.
Chiến lược là một công cụ quản lý hiệu quả và có vai trò vô cùng quan trọng, chỉ ra mục tiêu, phương hướng hành động, cách thức thực hiện đem lại sự thành công mà không lãng phí về thời gian và nguồn lực. Chiến lược giúp cho các nhà quản lý ở vị thế chủ động trước những thay đổi của môi trường và là căn cứ để các nhà quản lý triển khai thực hiện và điều chỉnh các giải pháp trên cơ sở các định hướng phát triển trong tương lai được xác định trong chiến lược. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của quản lý nhà nước của các ngành là phải xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành/lĩnh vực.
Để cụ thể hóa và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, ngành thương mại đã xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến 2030. Chiến lược này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 2471/ QĐ-TTg ngày 28/12/2011, trong đó: xác định các mục tiêu, định hướng và giải pháp cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Qua gần 10 năm thực hiện Chiến lược các mục tiêu và yêu cầu đề ra của Chiến lược đều đã được nghiêm túc triển khai thực hiện và đã đạt được một số thành tựu nhất định; Phát triển thêm mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mặt hàng mới. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có sự chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản (chỉ tiêu trong Chiến lược năm 2020 của hai nhóm hàng này là 4,4% và 13,0%). Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) và thị trường tiềm năng. Nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 - 2020 cũng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa bình quân 13,69%/năm, cao hơn so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược (10,0%/năm). Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao hơn so với kim ngạch nhập khẩu nên giai đoạn này, Việt Nam cân bằng được cán cân thanh toán và có xuất siêu. Thị trường nhập khẩu ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa.
Xuất phát từ thực tiễn trên Cơ quan chủ trì Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Văn Long thực hiện “Nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam thời kỳ 2021-2030” với mục tiêu đưa ra những luận cứ khoa học phục vụ xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam thời kỳ 2021-2030.
Qua gần 10 năm thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến 2030 các mục tiêu và yêu cầu đề ra của Chiến lược đều đã được nghiêm túc triển khai thực hiện và đã đạt được một số thành tựu nhất định; Bên cạnh những kết quả đạt được, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 còn những tồn tại, hạn chế như: Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch chưa thực sự hợp lý (chưa hướng mạnh vào chế biến sâu), giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu còn thấp, năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu chậm được cải thiện, xuất khẩu hàng hóa vẫn phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch chưa theo hướng tích cực và chưa theo định hướng đề ra trong chiến lược; Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu còn bất cập, chưa hướng mạnh vào phần cốt lõi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thời hạn 10 năm thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến 2030 đã sắp kết thúc, cần phải chuẩn bị xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa cho thời kỳ 10 năm tiếp theo thời kỳ 2021-2030.
Để cung cấp luận cứ khoa học xây dựng “Chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam thời kỳ 2021-2030” đề tài đã giải quyết những nội dung cơ bản sau:
- Cơ sở lý luận (lý thuyết) phục vụ xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá xuất phát từ những khái niệm về chiến lược, Khái niệm chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa: Làm rõ nội hàm và các nội dung cần có của một chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa ở nước ta; Yêu cầu đặt ra đối với một chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa; Phương pháp và quy trình xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá. Vấn đề cốt lõi trong lý luận về chiến lược thể hiện ở tính định hướng chung, định hướng lớn, đề ra các mục tiêu (khái quát và cụ thể), quan điểm, phân tích bối cảnh phát triển và các giải pháp thực thi chiến lược của chiến lược phát triển thương mại.
- Tổng kết, đánh giá tình hình xây dựng và thực hiện “Chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam thời kỳ 2021-2030”, đề tài tập trung đánh giá tình hình xây dựng và thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu; Đánh giá thực hiện các mục tiêu chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020; Xác định bản chất xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011-2020 và Xu hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hoá ở nước ta; Đánh giá những thành tựu chủ yếu, nguyên nhân của những thành tựu; Tìm ra các mặt hạn chế, yếu kém, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó; đồng thời phân tích các nhân tố tác động đến việc thực hiện Chiến lược. Việc đánh giá, tổng kết tình hình xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương mại ở nước ta đã tạo cơ sở thực tiễn bổ ích cho việc định hướng xây dựng và thực thi “Chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam thời kỳ 2021-2030”.
- Đề tài đã phân tích và dự báo bối cảnh quốc tế và trong nước trong những năm tới có tác động đến quá trình xây dựng và thực hiện “Chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam thời kỳ 2021-2030” nắm bắt Chủ trương, đường lối chung về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước đến năm 2030; Định hướng và giải pháp tái cấu trúc kinh tế giai đoạn đến năm 2030; Định hướng phát triển những ngành lĩnh vực sản xuất hàng hóa chủ yếu thời kỳ đến năm 2030; Định hướng phát triển thương mại và dịch vụ của Đảng và Nhà nước giai đoạn đến năm 2030 thông qua, Dự thảo báo cáo tổng kết 54 thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030. Những nội dung phân tích và dự báo này đã đặt ra yêu cầu tất yếu phải xây dựng chiến lược phát triển thương mại thời kỳ mới đáp ứng định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
- Đề tài đã Đề xuất phương pháp và quy trình xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá việt nam thời kỳ 2021-2030; Những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam thời kỳ 2021-2030; Tư duy mới, cách tiếp cận mới trong xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn... Đổi mới phương pháp và quy trình xây dựng chiến lược xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu cho thời kỳ 2021-2030.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18758/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)