Nghiên cứu mô hình dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ ba - 26/10/2021 04:32 Cỡ chữ
Già hoá dân số là xu hướng chung trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung đó. Do tác động của quá trình phát triển kinh tế xã hội và những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong y tế, chăm sóc sức khoẻ nên tuổi thọ của người dân ngày càng cao. Đến năm 2016, tuổi trọ trung bình của Việt Nam là 73,4 tuổi. Tỷ lệ NCT cũng tăng lên nhanh chóng và đạt 11,95% tổng dân số vào năm 2018, trong đó có khoảng hai triệu người từ 80 tuổi trở lên. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và năm 2050 là 23%.
Mặc dù tuổi thọ trung bình của NCT Việt Nam tương đối cao nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp, sức khỏe yếu. Mặc dù có tuổi thọ trung bình khá cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi lại khá thấp (chỉ khoảng 64 tuổi); đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y… Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc y tế cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, hạ tầng và nhân lực thực hiện.
Đời sống của người cao tuổi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ người cao tuổi có thu nhập thấp. Năm 2018, cả nước có khoảng 11,3 triệu NCT, trong đó khoảng 4,59 triệu người (gồm 1,73 triệu nhận trợ giúp xã hội hàng tháng; 2,24 triệu hưởng lương hưu và 620 ngàn hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng). Như vậy, vẫn còn khoảng 60% NCT ở Việt Nam chưa được hưởng bất cứ chế độ trợ cấp hàng tháng nào từ các chính sách xã hội của Nhà nước.
Xã hội hóa trong lĩnh vực chăm sóc NCT còn gặp nhiều khó khăn, nhất là chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc NCT. Công tác chăm sóc và chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi mới chỉ đáp ứng được một số khía cạnh trong chăm sóc người cao tuổi. Trong bối cảnh đó việc thực hiện “Nghiên cứu mô hình dịch vụ chăm sóc dài hạn cho NCT ở Việt Nam” là cần thiết nhằm cung cấp một bức tranh tổng quan trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, nhu cầu và tính cấp thiết của việc xây dựng và phát triển các mô hình chăm sóc dài hạn cho NCT, nâng cao hiệu quả của việc chăm sóc NCT nói riêng và an sinh xã hội nói chung. Đề tài được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu gồm Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Lao động và Xã hội và Chủ nhiệm đề tài TS. Bùi Sỹ Tuấn. Với mục tiêu là cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc triển khai các mô hình chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi ở Việt Nam.
Để đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, với xu thế dân số nói chung và có sự phù hợp với nhu cầu chăm sóc của mỗi giai đoạn tuổi gia với từng hoàn cảnh cụ thể thì việc xây dựng mô hình chăm sóc dài hạn cần có sự đa dạng và linh hoạt. Như vậy, mô hình chăm sóc dài hạn dành cho NCT có thể được coi như một “sàn chăm sóc dài hạn”. Trong đó, NCT có thể lựa chọn những hình thức chăm sóc phù hợp với điều kiện của mình với xu hướng “ưu tiên chăm sóc tại cộng đồng”. Tại “sàn chăm sóc dài hạn” này, mọi công dân đến tuổi già đều có thể được chăm sóc và mức chi phí cũng sẽ tăng lên tùy theo các cấp độ tăng dần của mô hình.
Cấp độ 1: Tự chăm sóc: Cấp độ này phù hợp với những NCT khỏe mạnh, có đủ sức khỏe và điều kiện để có thể sinh sống tại cộng đồng hoặc sinh sống cùng với gia đình. Cập độ này cũng là cấp độ được duy trì và ưu tiên trong suốt quãng thời gian tuổi già của mọi công dân.
Cấp độ 2: Chăm sóc tại nhà dựa vào gia đình, cộng đồng, tình nguyện viên. Đây là hình thức chăm sóc chủ yếu hiện nay ở nước ta. Trong thời gian tới, mô hình này vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển bởi tính ưu việt mô hình này đem lại. Tuy nhiên, cần tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng cho người chăm sóc. Coi đây là một công việc và được ủng hộ, ghi nhận.
Cấp độ 3: Chăm sóc tại nhà có trả công: đây là dịch vụ được thực hiện bởi các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ tại gia đình NCT dưới các hình thức: Chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ các sinh hoạt cá nhân, cung cấp lương thực tại nhà.
Cấp độ 4: Các trung tâm chăm sóc ban ngày: Dịch vụ chăm sóc ban ngày phù hợp với những gia đình có người thân, con cháu đang đi làm, ban ngày không có thời gian chăm sóc, trò chuyện với các cụ. Với dịch vụ này, NCT được cung cấp các dịch vụ chăm sóc cơ bản hàng ngày, đảm bảo giờ giấc, dinh dưỡng, tập luyện, có môi trường giao lưu, gặp gỡ, tránh được sự chán nản, mệt mỏi ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần.
Cấp độ 5: Các trung tâm chăm sóc ngắn ngày: Chăm sóc ngắn hạn cho người già thường dùng để chỉ một thời gian ngắn hạn thay thế người nhà chăm sóc cho NCT, thường là trợ giúp sinh hoạt và theo dõi sức khỏe. Chăm sóc ngắn hạn là một lựa chọn tuyệt vời cho cuộc sống của một người già có nhu cầu một số dịch vụ hỗ trợ theo ngày “Day-to-Day”, nhưng vẫn mong được tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Đây là loại hình chăm sóc đôi khi được gọi là dịch vụ chăm sóc tại nhà, bệnh viện hoặc tại trung tâm chăm sóc người già ở nội trú một thời gian ngắn.
Cấp độ 6: Nhà dưỡng lão: Đây là hình thức chăm sóc NCT tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc các trung tâm cung câp dịch vụ chăm sóc NCT của các đơn vị tư nhân.
Cấp độ 7: Trung tâm điều dưỡng: Đây là hình thức chăm sóc cuối cùng dành cho NCT gần như không còn khả năng tự phục vụ và cần chế độ chăm sóc y tế, dinh dưỡng đặc thù.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16779/2019) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)