Nghiên cứu nguyên nhân và xây dựng quy trình công nghệ cảnh báo, dự báo hiện tượng mực nước biển dâng dị thường tại miền Trung và Nam Bộ Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ ba - 26/10/2021 03:50 Cỡ chữ
Tính toán và dự báo dao động mực nước biển dâng dị thường là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ giữa quan trắc khí tượng, hải dương, các nghiên cứu thực nghiệm cũng như các phân tích, tính toán bằng mô hình số trị. Việc xác định nguyên nhân gây mực nước biển dâng cao dị thường tại từng khu vực cụ thể tại Việt Nam là nhiệm vụ rất quan trọng cho công tác giám sát, cảnh báo và dự báo.
Vì thế, nhóm nghiên cứu của TS. Trần Quang Tiến tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ khí tượng thuỷ văn đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu nguyên nhân và xây dựng quy trình công nghệ cảnh báo, dự báo hiện tượng mực nước biển dâng dị thường tại miền Trung và Nam Bộ Việt Nam” từ năm 2015 đến năm 2019.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: xác định được nguyên nhân gây mực nước biển dâng dị thường tại miền Trung và Nam Bộ Việt Nam; xây dựng được quy trình công nghệ cảnh báo, dự báo mực nước biển dâng dị thường tại miền Trung và Nam Bộ Việt Nam.
Sau 4 năm nghiên cứu, đề tài đã thu được một số kết quả như sau:
- Đã xác định được nguyên nhân gây nước dâng dị thường trong các đợt triều cường tại ven biển miền Trung và Đông Nam Bộ trên cơ sở phân tích số liệu quan trắc, tái phân tích, điều tra khảo sát, phỏng vấn và mô phỏng số trị. Theo đó, nguyên nhân gây nước dâng dị thường tại ven biển Đông Nam Bộ chủ yếu do gió mùa Đông Bắc thông qua tác động trực tiếp của ứng suất gió. Với ven biển miền Trung, ngoài ứng suất gió, nước dâng gây bởi ứng suất sóng và hiệu ứng Ekman do dòng chảy mạnh dọc bờ đóng góp một phần đáng kể vào nước dâng tổng cộng. Đặc thù của địa hình ven biển miền Trung (độ dốc lớn, đường bờ lồi ra phía biển) là nhân tố thuận lợi gây nước dâng do sóng và hiệu ứng bơm Ekman.
- Đã thiết lập 3 mô hình (ROMS 2D, ROMS 3D, SuWAT) để mô phỏng hiện tượng nước dâng dị thường tại ven biển Nam Bộ và miền Trung. Các mô hình đã phản ánh diễn biến xu thế của nước dâng mặc dù kết quả mô phỏng còn thiên thấp với trường hợp mô phỏng nước dâng tại miền Trung (mô hình SuWAT và ROMS 3D). Qua đó đề xuất ứng dụng mô hình ROMS 2D vào dự báo nghiệp vụ nước dâng do gió mùa tại ven biển Nam Bộ và mô hình SuWAT cho ven biển miền Trung.
- Hệ thống dự báo nghiệp vụ nước dâng dị thường tại miền Trung và Nam Bộ đã đáp ứng các nội dung và yêu cầu về công nghệ dự báo. Hệ thống này hiện đang ứng dụng tác nghiệp tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia và đã chuyển giao cho Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Hệ thống đã được kiểm chứng qua thử nghiệm cảnh báo, dự báo trong 3 tháng cuối năm 2017.
Ngoài đề xuất trạm quan trắc mực nước biển theo tính chất và biên độ của thủy triều, trên cơ sở kết quả phân tích về đặc trưng và phạm vi của nước dâng dị thường tại miền Trung và Nam Bộ, đã đề xuất bổ sung 4 trạm quan trắc để giám sát phục vụ dự báo và cảnh báo. Trong đó, vị trí đề xuất đặt trạm là Tuy Hòa - Phú Yên, ven biển Cần Giờ, Bạc Liêu và Trà Vinh. Nghiên cứu đã chuyển giao công nghệ, đào tạo và hướng dẫn sử dụng mô hình cho 3 Đài khí tượng thủy văn khu vực, đó là Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16736/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)