Nghiên cứu phân loại học và đánh giá khả năng sử dụng, vai trò dịch tễ của các loài bọ xít (Heteroptera: Reduviidae) ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 14/11/2022 02:39 Cỡ chữ
Nhằm nghiên cứu một cách hệ thống về phân loại học dựa trên các đặc điểm hình thái và dữ liệu sinh học phân tử của các loài bọ xít thuộc họ Reduviidae (Heteroptera) ở Việt Nam. Đồng thời đánh giá khả năng sử dụng các loài bọ xít 3 bắt mồi phổ biến trên các cây trồng Nông - Lâm nghiệp và vai trò dịch tễ của các loài bọ xít hút máu ở một số tỉnh, thành phố của Việt Nam, nhóm nghiên cứu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) do PGS.TS. Trương Xuân Lam đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phân loại học và đánh giá khả năng sử dụng, vai trò dịch tễ của các loài bọ xít (Heteroptera: Reduviidae) ở Việt Nam”.
Sau một thời gian triển khai, đề tài đạt được các kết quả như sau:
1. Thu thập mẫu vật của các loài bọ xít thuộc họ Reduviidae Tiến hành điều tra thực địa ở ngoài tự nhiên bao gồm các điểm: Bi Đúp - Núi Bà (Tỉnh Lâm Đồng), Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông), Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai), Chư Yang Sinh (tỉnh Đăk Lăk), Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) và một số điểm nghiên cứu khác ở Gia Lai và Đắc Lăk. Tại các điểm thu mẫu các sinh cảnh điều tra gồm: (SC1) - Sinh cảnh rừng kín thường xanh; (SC2) - Sinh cảnh rừng phục hồi là rừng ở phần chuyển tiếp giữa rừng nghèo và vùng đệm; (SC3) - Sinh cảnh trảng cỏ, cây bụi và (SC4) - Sinh cảnh gắn với các cây trồng công nghiệp. Kết quả thu thập mẫu vật các loài bọ xít thuộc họ Reduviidae gồ: 211 mẫu vật với 78 mẫu thuộc 57 loài phân họ Harpactorinae (1 loài mới thuộc giống Rihirbus; 25 mẫu vật của 9 loài thuộc phân họ Reduviina; 32 mẫu vật của 8 loài thuộc phân họ Peiratinae; 16 mẫu vật của 5 loài thuộc phân họ Emesinae (1 loài mới thuộc giống Empicoris); 18 mẫu vật của 9 loài thuộc các phân họ còn lại và 60 mẫu vật của 1 loài thuộc phân họ Triatominae.
2. Nghiên cứu hệ thống về phân loại học dựa trên các đặc điểm hình thái, mô tả các taxon mới và cung cấp khóa phân loại họ Reduviidae (Heteroptera) ở Việt Nam. Đã định tên được 89 loài của 58 giống thuộc của 8 phân họ. Trong đó xác định được có 2 loài mới cho khoa học là Rhirbus kronganaensis Truong et al., 2020 và Empicoris konchurangensis Truong, 2019. 4 loài ghi nhận mới cho Việt Nam gồm: loài Polytoxus rufinervis Hsiao, 1965, Canthesancus trimaculatus Amyot & Serville, 1843, Oncocephalus purus Hsiao, 1977 và Empicoris rubromaculatus (Blackburn). 5 giống ghi nhận mới cho Tây Nguyên (Astinus, Cosmolestes, Euagoras, Rihirbus và Villanovanus). Xác định 28 loài bọ xít bắt mồi phổ biến và vật mồi của 52 loài trên Hồ tiêu, Cà phê, Chè và Rau cho vùng nghiên cứu. Xây dựng khóa định loại tới giống và loài của 5 phân họ.
3. Xác định trình tự gen, phân tích và so sánh dựa trên dữ liệu trình tự của gen ty thể của các loài bọ xít thuộc họ Reduviidae Một phần đơn vị gen Cytochrom oxydase I (COI) đã được tải lên GenBank với mã MK902661 của loài mới Empicoris konchurangensis Truong, 2019 và với mã MT229686 của loài mới Rihirbus kronganasis Truong et al., 2020. Thu được trình tự nucleotide của vùng gen COI là 563 bp cho 10 mẫu nghiên cứu được đánh số là E9, E8, E7, E3, ED6, ED5, ED7, E1, Rh1, cho thấy các mẫu E9, E8, E7, E3, ED6, ED5 có số nucleotide giống nhau 100%, khoảng cách di truyền là 0% tương ứng với mức độ di truyền giống nhau về trình tự DNA là 100% do đó chúng cùng là một loài. Trong 24 mẫu được thực hiện giải trình tự đối với các loài bọ xít hút máu có hình thái khác nhau nhưng có khả năng cùng 1 loài. Kết quả so sánh cho thấy có 61 vị trí có biến đổi trong vùng trình tự khảo sát. Khoảng cách di truyền giữa các trình tự trong nội bộ loài ghi nhận được là 0.00- 0.02.
4. Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái học của một số loài bọ xít bắt mồi phổ biến có giá trị trong việc đấu tranh sinh học sử dụng chúng phục vụ cho phòng trừ sinh học trên các cây trồng Nông-Lâm nghiệp Trên 4 sinh cảnh nghiên cứu đã xác định được 60 loài thuộc 28 giống của 6 phân họ. Ở Khu BTTN Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai, VQG Chư Yang Sin, tỉnh Đăk Lăk, Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum và một số điểm nghiên cứu khác ở Gia Lai và Đắc Lăk cho thấy số lượng loài, giống ghi nhận ở SC1 là cao nhất, thấp nhất ở SC4. Sự tương đồng về thành phần loài bọ xít bắt mồi ở các sinh cảnh ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và VQG Chư Yang Sin. Trong số 28 loài bọ xít bắt mồi phổ biến trên các cây trồng Hồ tiêu, Cà phê, Chè và Rau thì có 10 loài có khả năng sử dụng trong phòng trừ sâu hại cây trồng (loài sâu đo xanh Anomis flava, sâu xanh Helicoverpa armigera, sâu khoang Spodoptera litura) ở Tây Nguyên. Trong điều kiện nhiệt độ: 30°C, độ ẩm 75%, loài Coranus fuscipennis Reuter có vòng đời là 47,60 ± 3,73 ngày và 40,23 ± 2,21 ngày khi cho ăn bởi loài C. cephalonica và O. furnacalis. Loài bọ xít bắt mồi C. fuscipennis được nuôi bởi ngài gạo C. cephalonica có khả năng tiêu diệt các loài gây hại trên rau như P. rapae, S. litura và ơ P. xylostella. Vòng đời của Sycanus falleni được nuôi bằng P. rapae, S. litura, P. xylostela, C. cephalonica lần lượt là 69,88 ± 5,65, 77,83 ± 6,55, 81,67 ± 6,52 và 85,71 ± 7,33 ngày.
5. Xác định sự phân bố, sinh cảnh, tập tính hút máu và sự phát triển của các loài bọ xít hút máu (Triatominae: Reduviidae) ở khu dân cư. Tiến hành điều tra tại một số điểm ở khu dân cư tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và Cần Thơ. Trong đó loài bọ xít hút máu T. rubrofasciata có mặt ở cả 3 tỉnh thành nghiên cứu với tỷ lệ ghi nhận cao ở thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 74,36) ở tỉnh Đồng Nai (12,82%) và thấp ở tỉnh Cần Thơ (4,13%). Loài T. migrans ghi nhận với tỷ lệ trung bình ở thành phố Hồ Chí Minh (7,69%) và chưa ghi nhận được ở Đồng Nai và Cần Thơ. Trong điều kiện nhiệt độ: 25,55-30,45oC, ẩm độ: 71,12-76,20% thì thời gian hoàn thành vòng đời của loài bọ xít hút máu T. rubrofasciata dài hơn khi nuôi ở nhiệt độ: 30oC, ẩm độ: 75% (vòng đời là 373,89 ± 35,62 ngày).
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17590/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)