Nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu và sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ cây thuốc Bán chi liên, Bạch hoa xà thiệt thảo và nấm Linh chi tại Lào Cai và vùng Tây Bắc
Cập nhật vào: Thứ tư - 06/07/2022 01:03 Cỡ chữ
Việt Nam là một quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên cây thuốc và tri thức sử dụng cây thuốc vô cùng phong phú, đa dạng. Theo đánh giá thực tế cho thấy, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm dược liệu rất lớn, với nhu cầu khoảng 50.000 - 60.000 tấn/năm. Mặc dù với nguồn dược liệu tiềm năng như vậy nhưng dược liệu trên thị trường hiện nay chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc. Chất lượng dược liệu trên thị trường Việt Nam có cũng chưa được đồng đều, ổn định và an toàn. Chính vì vậy, cần phải có những chiến lược và kế hoạch cụ thể để khai thác tiềm năng về nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Vùng Tây Bắc nước ta là vùng có đất đai tương đối rộng lớn, có điều kiện tự nhiên thuận lợi tạo nên nguồn tài nguyên cây thuốc rất phong phú và đa dạng, có nhiều loài cây thuốc bản địa có giá trị sử dụng và kinh tế cao. Việc phát triển trồng cây dược liệu tại đây sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội như: Cung cấp dược liệu đạt chuẩn phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương và trong nước, tạo nguồn dược liệu chuẩn hệ thống công nghiệp dược hiện đại, cho xuất khẩu; giúp hình thành các mô hình sinh kế mới nhằm tăng thu nhập cho nhân dân Tây Bắc; giúp tăng liên thông, liên kết, trao đổi, lưu thông giữa các vùng miền, tạo sản phẩm đặc hữu gắn liền với du lịch địa phương.
Ngày nay với các hoàn cảnh kinh tế, xã hội như: sự ô nhiễm môi trường, sử dụng hóa chất độc hại, tia phóng xạ trong mọi sinh hoạt (thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng...), lối sống không lành mạnh, căng thẳng, stress, tiêu thụ thuốc lá, rượu bia quá nhiều... là những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật trong đó có ung thư. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh và tử vong do bệnh ung thư cao. Theo thống kê của bộ Y tế, năm 2010 tại Việt Nam có 126.307 ca mắc ung thư mới và ước tính trong năm 2020 sẽ có ít nhất gần 200.000 ca ung thư mắc mới. Xu thế hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới thường ưu tiên sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên, đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc dược liệu. Trong số các dược liệu có tác dụng tốt trên bệnh ung thư, nổi bật có Bán chi liên, Bạch hoa xà thiệt thảo và nấm Linh. Hiện nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu hiện đại chứng minh về tác dụng trên các bệnh ung thư của ba dược liệu này. Trong đó, Bán chi liên và Bạch hoa xà thiệt thảo được đánh giá là có những điều kiện sinh trưởng và phát triển phù hợp tại một số tỉnh thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Cơ quan chủ trì Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Lê Thị Kim Loan thực hiện “Nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu và sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ cây thuốc Bán chi liên (Scutellaria barbata), Bạch hoa xà thiệt thảo (Hedyotis diffusa) và nấm Linh chi (Ganoderma lucidus) tại Lào Cai và vùng Tây Bắc” với mục tiêu: Xây dựng được vùng trồng để cung cấp nguyên liệu Bán chi liên và Bạch hoa xà thiệt thảo có chất lượng tại vùng Tây Bắc; Phát triển được 01 sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ ba cây thuốc Bán chi liên, Bạch hoa xà thiệt thảo và nấm Linh chi được cấp phép của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Về xây dựng quy trình kỹ thuật trồng Bán chi liên và Bạch hoa xà thiệt thảo theo hướng GACP - WHO
‐ Đã thẩm định được 02 loài dược liệu thu mua trong tự nhiên là Bán chi liên (Scutellaria barbata D. Don) và Bạch hoa xà thiệt thảo (Hedyotis diffusa Willd). ‐ Đã khảo sát được một số yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và năng suất dược liệu Bán chi liên và lựa chọn được các thông số thích hợp nhất như: Thời vụ trồng (20/2); Mật độ, khoảng cách trồng (20 cm x 20 cm (Mật độ: 250.000 cây/ha); Chế độ phân bón (15.000kg PC + 280kg N + 140kg P2O5 + 105kg K2O/ha); Thời điểm thu hoạch (khi hoa nở rộ); phương pháp thu hoạch (cắt cách gốc 3cm).
‐ Đã xây dựng được quy trình trồng Bán chi liên theo hướng GACP - WHO
‐ Đã khảo sát được một số yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và năng suất dược liệu Bạch hoa xà thiệt thảo và lựa chọn được các thông số thích hợp nhất như: Thời vụ trồng 01/03); Mật độ, khoảng cách trồng (20 cm x 30 cm (Mật độ: 166.666 cây/ha); Chế độ phân bón (15.000 kg PC + 220 kg N + 110 kg P2O5 + 82,5 kg K2O/ha.); Thời điểm thu hoạch (khi hoa nở rộ); phương pháp thu hoạch (cắt cách gốc 3cm).
‐ Đã xây dựng được quy trình trồng Bạch hoa xà thiệt thảo theo hướng GACP - WHO.
2. Về xây dựng mô hình trồng Bán chi liên và Bạch hoa xà thiệt thảo theo hướng GACP - WHO
‐ Đã xây dựng được mô hình trồng Bán chi liên với tổng diện tích 02 ha tại xã Quan Thần Sán - Si Ma Cai và xã Lùng Phình - huyện Bắc Hà và mô hình trồng Bạch hoa xà thiệt thảo tại xã Phong Hải - huyện Bảo Thắng - tỉnh Lào Cai theo hướng GACP - WHO:
+ Lựa chọn được vùng trồng với chất lượng đất, nước đạt đảm bảo yêu cầu của QCVN và TCVN;
+ Việc sử dụng phân bón, hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo theo yêu cầu của các thông tư và tiêu chuẩn GACP - WHO;
+ Quản lý trong trồng trọt và chăm sóc cây đảm bảo theo yêu cầu của tiêu chuẩn GACP - WHO;
+ Quá trình sơ chế và bảo quản phù hợp với yêu cầu, tuy nhiên điều kiện nhà sấy dược liệu chưa được phù hợp. Cần sửa chữa nâng cấp để đạt theo yêu cầu của tiêu chuẩn GACP - WHO.
3. Về xây dựng quy trình sơ chế, chế biến dược liệu Bán chi liên, Bạch hoa xà thiệt thảo theo hướng GACP - WHO
‐ Đã xây dựng Quy trình sơ chế chế biến dược liệu bán chi liên theo GACPWHO.
‐ Đã xây dựng mô hình sơ chế biến dược liệu bán chi liên theo GACP - WHO
‐ Xây dựng tài liệu theo dõi quá trình sơ chế, bảo quản dược liệu bán chi liên theo GACP - WHO.
4. Về xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho 03 dược liệu Bán chi liên, Bạch hoa xà thiệt thảo và nấm Linh chi
‐ Đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho dược liệu Bán chi liên. Trong đó, các chỉ tiêu giữ nguyên trong DĐVN V như: Mô tả, vi phẫu, bột, độ ẩm, tro toàn phần, tro không tan trong acid, tạp chất, chất chiết được trong ethanol 70%; Các chỉ tiêu thay đổi, bổ sung như: hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc BVTV, định tính bổ sung thêm chất đối chiếu Apigenin, định lượng scutellarin và hàm lượng flavon tổng số trong dược liệu.
‐ Đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho dược liệu Bạch hoa xà thiệt thảo. Trong đó, các chỉ tiêu giữ nguyên DĐVN V như: Mô tả, độ ẩm, tro toàn phần, tro không tan trong acid, tạp chất, chất chiết được trong ethanol 96%. Các chỉ tiêu thay đổi, bố sung: vi phẫu, bột, hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc BVTV, định lượng acid lượng acid ursolic và acid oleanolic.
‐ Đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho dược liệu nấm Linh chi. Trong đó, các chỉ tiêu giữ nguyên DĐVN V như: Mô tả, bột, độ ẩm, tro toàn phần, tro không tan trong acid, chất chiết được trong ethanol 95%. Các chỉ tiêu thay đổi, bổ sung: hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc BVTV, định lượng acid ganoderic A và hàm lượng polysaccharid tổng số.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17275/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)