Nghiên cứu phương pháp thu và trữ nước phục vụ sinh hoạt
Cập nhật vào: Thứ hai - 03/08/2020 20:51 Cỡ chữ
Để giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt của người dân ở xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) - nơi được coi là “Trường Sa trên cạn”, cũng như ở nhiều địa phương khác, Sở KH&CN tỉnh Lào Cai đã đặt hàng giải pháp cấp nước sinh hoạt cho người dân thông qua đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ và quản lý trong thu trữ nước mưa và nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc” (2017-2019) thuộc Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (chương trình Tây Bắc).
Mô hình thu trữ, xử lý nguồn nước mưa; Ảnh: Văn phòng Chương trình Tây Bắc.
Mục tiêu của đề tài là đề xuất công nghệ thu trữ, xử lý nước phục vụ dân sinh Tây Bắc, đảm bảo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT. Đồng thời tìm ra mô hình quản lý phù hợp và bền vững, sau đó nhân rộng mô hình để áp dụng cho các địa phương khác trong vùng Tây Bắc.
Để nắm bắt được thực trạng các công trình thu trữ và xử lý nước ở vùng Tây Bắc, ThS. Phạm Văn Ban và các cộng sự ở Viện Khoa học thủy lợi đã tiến hành khảo sát thực tế ở 10 tỉnh vùng Tây Bắc. Qua khảo sát thực tế, nhóm dự án nhận thấy, ở những vùng có nước mặt (nước chảy trên bề mặt đất) đã có sẵn công trình thu trữ nước như bể chứa nước tập trung, hồ treo,... khi thiết kế tính toán tương đối đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành công trình bị xuống cấp, quy mô giữ nguyên nhưng năng lực hoạt động giảm xuống. Về xử lý nước, các công trình chứa nước tập trung hiện nay thường dùng đá, cát, sỏi mang tính chất lọc thô, chưa xử lý được những thành phần hóa học gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vậy, để giải quyết các vấn đề này, nhóm dự án đã đề xuất những giải pháp mới để khắc phục hạn chế của những công trình thu trữ và xử lý nước sẵn có.
Với hồ treo chứa nước, ThS. Phạm Văn Ban và các cộng sự đã dùng màng chống thấm bentofix (một loại vật liệu từ khoáng sét bentonite) thay thế cho bạt HPDE - thường dùng làm màng chống thấm ở các hồ treo chứa nước nhưng dễ bị rách trong quá trình sử dụng, tốn nhiều công sức và chi phí thay thế. Để thay thế cho phương pháp xử lý nước lọc thô, nhóm dự án đã thiết kế tủ lọc dạng khối, dễ dàng di chuyển và tùy chỉnh công suất theo nhu cầu sử dụng, cấp nước đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế về nước sinh hoạt.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự án là giải pháp đập ngầm thu nước ngầm tầng trên. “Giải pháp này có thể áp dụng ở nhiều địa phương khác nhau, với điều kiện có chênh lệch địa hình cao thấp, có nguồn nước ngầm ở tầng gần bề mặt, vùng đất ẩm. Chỉ cần đào xuống, đổ cát và đặt các băng thu nước khía rãnh gắn dọc theo ống PVC, đặt trong lớp cát là xong, nước sẽ dẫn về các bể chứa nước tập trung có sử dụng tủ lọc”, ThS. Phạm Văn Ban giải thích.
Hiệu quả của các giải pháp trên đã được chứng minh qua 6 mô hình thu trữ nước quy mô hộ gia đình, nhóm dân cư và tổ chức (trường học, trạm y tế) áp dụng những công nghệ mà nhóm dự án đề xuất ở Lào Cai và Bắc Kạn. Lượng cấp nước đủ tiêu chuẩn 60 l/người trong một ngày đêm, giúp trường mầm non xã Nghĩa Hảo (huyện Na Rì, Bắc Kạn) và trạm y tế xã Tả Gia Khâu tiết kiệm được tiền mua nước sạch là 200.000 đồng/ngày trước đây.
NASATI
giải quyết, vấn đề, sinh hoạt, tả gia khâu, trường sa, giải pháp, thông qua, dân sinh, chương trình, phục vụ, phát triển, bền vững, tây bắc