Nghiên cứu quy định về các loại hình dịch vụ phụ trợ của hệ thống điện trong điều kiện vận hành thị trường điện tại Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 16/07/2020 22:43 Cỡ chữ
Hiện nay, ngành điện Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ cơ cấu độc quyền tích hợp dọc sang cơ chế thị trường, từng bước hình thành thị trường điện lực theo các cấp độ thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn cạnh tranh và thị trường bán lẻ cạnh tranh. Việc chuyển đổi từ cơ chế độc quyền sang cơ chế thị trường của ngành điện Việt Nam đang tạo ra những cơ hội mới cho khách hàng cũng như các nhà đầu tư, song cũng đặt ra những thách thức hết sức khó khăn trong công tác quản lý và đảm bảo vận hành an toàn tin cậy hệ thống điện. Các dịch vụ phụ trợ (như dịch vụ điều tần, dịch vụ dự phòng quay, dịch vụ khởi động nhanh, dịch vụ dự phòng vận hành phải phát, dịch vụ điều chỉnh điện áp, dịch vụ khởi động đen) là những dịch vụ quan trọng nhằm đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, tin cậy hệ thống điện. Trong bối cảnh thị trường điện, cơ chế huy động các dịch vụ phụ trợ này như thế nào để đảm bảo vừa khuyến khích các đơn vị tham gia, vừa đảm bảo tính cạnh tranh, vừa tối ưu hóa chi phí huy động, vừa đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện là một trong những nội dung phức tạp của việc chuyển đổi từ cơ chế độc quyền sang cơ chế thị trường.
Do đó, năm 2017, TS. Đinh Thế Phúc cùng các cộng sự tại Cục Điều tiết điện lực đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu quy định về các loại hình dịch vụ phụ trợ của hệ thống điện trong điều kiện vận hành thị trường điện tại Việt Nam” nhằm giải quyết các vấn đề cốt lõi để vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện trong điều kiện vận hành thị trường điện tại Việt Nam.
Nhu cầu cung cấp điện năng với chất lượng cao đã đặt ra những thách thức đối với hệ thống điện Việt Nam, mà ở tầm hệ thống thì câu trả lời bên cạnh những nỗ lực của phía ngành điện trong khâu đầu tư thì chính là việc cung cấp dịch vụ phụ trợ. Quá trình xây dựng thị trường điện cũng đặt ra vấn đề minh bạch, cạnh tranh theo thị trường đối với việc cung cấp các dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Hai thách thức nói trên đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện về hành lang pháp lý cả về kỹ thuật và kinh tế để giải quyết. Đáp ứng nhu cầu nêu trên, nhóm nghiên cứu đề tài đề xuất cơ quan có thẩm quyền một số các giải pháp như sau:
- Xem xét sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định kỹ thuật, quy định pháp lý về thị trường điện, về hợp đồng và chi phí cho dịch vụ phụ trợ phù hợp với từng bước phát triển của thị trường điện.
- Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định trong việc cung cấp dịch vụ phụ trợ, chú trọng mở rộng đối tượng có thể cung cấp nhằm tạo cạnh tranh lành mạnh.
- Kịp thời tổng kết việc triển khai thực hiện. Thường xuyên có đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng cung cấp điện năng.
Việc nghiên cứu Quy định về các loại hình dịch vụ phụ trợ của hệ thống điện trong điều kiện vận hành thị trường điện tại Việt Nam là một vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách nhằm vận hành an toàn hệ thống điện trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15415) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)