Nghiên cứu sử dụng các loài nấm đối kháng để kiểm soát Phytophthora spp. gây bệnh thối rễ, thối gốc trên cây ăn quả có múi ở vùng miền núi phía Bắc
Cập nhật vào: Thứ tư - 08/01/2025 00:04
Cỡ chữ
Hàng năm, các bệnh gây ra bởi các loài vi sinh vật giống nấm, thuộc chi Phytophthora, làm giảm khoảng 12 % năng suất quả có múi, gây thiệt hại hàng chục triệu USD, và là một trong những trở ngại chủ yếu cho sản xuất cây ăn quả có múi ở Việt Nam và trên thế giới (Drenth và Guest, 2004). Các bệnh do Phytophthora spp. như thối rễ, thối gốc, chảy gôm đang gây thiệt hại và tàn phá nặng nề các vườn cam, quýt và bưởi ở các vùng sản xuất tập trung lớn như Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ (Bộ NN&PTNT, 2019). Hiện nay, phòng trừ các loại bệnh trên cây có múi do Phytophthora spp., chủ yếu dựa vào các biện pháp hóa học. Tuy nhiên, việc này lại đang tiềm ẩn những tác hại nguy hiểm đến sức khỏe con người và môi trường. Sự hình thành các chủng Phytophthora kháng thuốc do hậu quả của việc áp dụng liên tục thuốc hóa học trong thời gian dài cũng đang trở thành vấn đề rất nan giải trong sản xuất cây ăn quả có múi hiện nay (Gisi và Cohen, 1996; Timmer và CS, 1998; Gisi và Sierotzki, 2008).
Vì vậy để phòng trừ hiệu quả các loài gây bệnh này, chỉ áp dụng biện pháp hóa học là không đủ. Như một giải pháp thay thế đầy tiềm năng, an toàn, hiệu quả cao và giá rẻ, kiểm soát Phytophthora spp. gây bệnh trên cây có múi bằng các loài vi sinh vật đối kháng đang được quan tâm nghiên cứu và thử nghiệm ở nhiều nước, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các loại thuốc hóa học độc hại. Nhiều chủng nấm thuộc các loài khác nhau như Trichoderma spp., Myrothecium roridum, Streptomyces sp., Caulospora tuberculata and Glomus etunicatum đã được thử nghiệm và cho hiệu quả cao trong phòng trừ Phytophthora spp. gây bệnh trên các loại cây trồng khác nhau, trong đó một số chủng đã được thương mại hóa. Sử dụng các biện pháp sinh học trong kiểm soát dịch hại trên cây ăn quả cũng là giải pháp chủ yếu để tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Đáng tiếc, mặc dù Phytophthora spp. đã và đang gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất cây ăn quả có múi ở Việt Nam nói chung và ở vùng miền núi phía Bắc nói riêng, nhưng các biện pháp sinh học sử dụng nấm đối kháng để kiểm soát một cách bền vững và hiệu quả các loài gây bệnh này lại chưa được đầu tư nghiên cứu đúng mức. Trước thực tế đó, TS. Phùng Mạnh Hùng cùng các cộng sự tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sử dụng các loại nấm đối kháng để kiểm soát Phytophthora spp. gây bệnh thối rễ, thối gốc trên cây ăn quả có múi ở vùng miền núi phía Bắc” nhằm chọn lọc một số chủng nấm đối kháng có hoạt tính, dùng để kiểm soát các loài Phytophthora gây bệnh thối rễ, thối gốc trên cây ăn quả có múi ở vùng miền núi phía Bắc
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:
1. Điều tra, đánh giá tình hình gây hại của bệnh thối gốc, thối rễ do Phytophthora spp. trên cây ăn quả có múi ở vùng miền núi phía Bắc
Kết quả điều tra tại 06 xã thuộc các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và Hà Giang cho thấy các vườn đều bị gây hại bởi các bệnh thối gốc, thối rễ. Tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh có xu hướng gia tăng khi nhiệt độ không khí cao và độ ẩm đất lớn trong mùa mưa. Vào thời điểm mùa khô (tháng 3/2020), tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh thối rễ, thối gốc trên cây bưởi tại các vùng điều tra, lần lượt, dao động từ 10 - 18% và 4,3 - 8,3%. Trên cây cam, các chỉ số này lần lượt dao động từ 10 - 17% và 3,3 - 7,8%. Tuy nhiên vào thời điểm mùa mưa, tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh thối rễ, thối gốc đều tăng tại các khu vực điều tra. Tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh thối rễ, thối gốc trung bình trên cây bưởi tại các vùng điều tra vào tháng 8/2020, lần lượt, dao động từ 22 - 35% và 8,6 - 20,3%. Trên cây cam, các chỉ số này lần lượt dao động từ 15 - 27% và 5,0 - 15,3%.
2. Thử nghiệm và chọn lọc các chủng nấm đối kháng để phòng trừ Phytophthora spp. gây bệnh thối rễ, thối gốc trên cây ăn quả có múi ở vùng miền núi phía Bắc
Bước đầu, 06 chủng Phytophthora spp. đã được phân lập và chứng minh là tác nhân gây bệnh thối rễ, thối gốc trên cây ăn quả có múi tại một số vùng sản xuất tập chung ở Vùng miền núi phía Bắc (Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang). Kết quả định danh cho thấy chúng thuộc 02 loài P. palmivora và P. nicotianae. Sự gây hại của P. palmivora trên cây ăn quả có múi là một phát hiện mới ở Việt Nam. Trong điều kiện in vitro, 03 chủng nấm C. globosum H01, C. lucknowense H02, C. cupreum C03 cho hiệu quả ức chế sự sinh trưởng tản nấm của 02 loài P. palmivora và P. nicotianae gây bệnh thối rễ, thối gốc cây có múi từ 50,61 - 75,03%, cao hơn so với chủng Trichoderma sp. (đạt 41,56 - 49,33%). Cả 03 chủng Chaetomium đều ký sinh, gây mục rữa sợi nấm cuả P. palmivora và P. nicotianae và giảm từ 92,25 - 99,04% lượng bào tử của P. plamivora, sau 30 ngày nuôi cấy. Trong điều kiện nhà lưới, khi các chủng nấm đối kháng và nấm gây bệnh được đồng thời lây nhiễm vào giá thể (trồng cây) vô trùng, 03 chủng nấm C. globosum H01, C. lucknowense H02 và C. cupreum C03 cho hiệu quả kiểm soát bệnh thối rễ trên cây bưởi 3 tháng tuổi do P. palmivora và P. nicotianae đạt từ 70,8 - 78, cao hơn so với 24 chủng Trichoderma sp. H03 (đạt 38,89 - 49,41%). Trong trường hợp sử dụng hỗn hợp cả 04 chủng nấm đối kháng có thể cho hiệu quả kiểm soát bệnh từ 79,05 - 88,89%.
Những kết quả đánh giá về tình hình và tác nhân gây hại của bệnh thối rễ, thối gốc của đề tài mới chỉ tập trung ở một số ít khu vực (6 xã) trồng cây có múi tập trung của vùng miền núi phía Bắc do đó chắc chắn chưa thể phản ánh đầy đủ thực trạng và thành phần sinh vật gây hại của bệnh ở vùng miền núi phía Bắc cho nên cần có thêm những nghiên cứu sâu, rộng hơn để có sở xây dựng chiến lược phòng trừ hiệu quả và lâu dài đối với loại bệnh nguy hiểm này. Bên cạnh đó, hiệu quả kiểm soát Phytophthora spp. gây bệnh thối rễ, gốc cây có múi tương đối khả quan của 03 chủng nấm C. globosum H01, C. lucknowense H02 và C. cupreum C03 mới chỉ được chứng minh trong các điều kiện có kiểm soát vì thế cần tiến hành những nghiên cứu sâu hơn trong điều kiện thực tế sản xuất để giá đầy đủ khả năng kiểm soát của các chủng sinh vật đối kháng tiềm năng này đối với bệnh thối rễ, gốc cây có múi do Phytophthora spp.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20473/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)